Hàn Quốc cấp phép khẩn cấp thuốc molnupiravir điều trị COVID-19

Theo cơ quan an toàn dược phẩm của Hàn Quốc, thuốc molnupiravir, với tên thương mại là Lagevrio, sẽ chỉ được phép sử dụng cho những bệnh nhân trên 18 tuổi và không dành cho phụ nữ mang thai.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 22/3/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 22/3/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong nỗ lực giảm ca bệnh nặng và tử vong do COVID-19, cơ quan an toàn dược phẩm của Hàn Quốc ngày 23/3 đã cấp phép khẩn cấp thuốc molnupiravir của hãng Merck & Co Inc để điều trị cho người trưởng thành mắc COVID-19.

Đây là loại thuốc uống dạng viên trị COVID-19 thứ hai được cấp phép tại Hàn Quốc sau thuốc Paxlovid của hãng Pfizer.

Theo cơ quan trên, thuốc molnupiravir, với tên thương mại là Lagevrio, sẽ chỉ được phép sử dụng cho những bệnh nhân trên 18 tuổi và không dành cho phụ nữ mang thai.

Loại thuốc uống này không được sử dụng dưới dạng tiêm và không được dùng chung với thuốc Paxlovid.

Theo Bộ Y tế Hàn Quốc, lô thuốc molnupiravir đầu tiên dành cho 20.000 bệnh nhân dự kiến được chuyển đến nước này trong ngày 24/3.

Hàn Quốc cấp phép khẩn cấp thuốc molnupiravir trong bối cảnh tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này vượt mốc 10 triệu.

Ngày 23/3, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận thêm 490.881 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca mắc lên 10.427.247 ca.

Đây cũng là ngày có số ca mắc mới cao thứ hai so với mức cao kỷ lục 621.221 ca ghi nhận vào ngày 17/3 vừa qua. Hiện trung bình ở Hàn Quốc cứ 5 người thì có 1 người mắc COVID-19.

Số người tử vong do mắc COVID-19 tại Hàn Quốc cũng tăng 291 trường hợp so với ngày trước đó, đưa tổng số người không qua khỏi lên 13.432. Số bệnh nhân mắc COVID-19 nặng hằng ngày vẫn duy trì trên ngưỡng 1.000 người trong 2 tuần liên tiếp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/han-quoc-cap-phep-khan-cap-thuoc-molnupiravir-dieu-tri-covid19/779753.vnp