Hàn Quốc có thể giữ vững vị trí đứng đầu về đầu tư FDI vào Việt Nam nhiều năm tới

Năm 2015 kim ngạch xuất khẩu (XK) có sử dụng C/O ưu đãi của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 5,75 tỷ USD, sang năm 2017 đã tăng vọt lên 7,62 tỷ USD. Đây là số liệu được đưa ra tại Hội thảo về 'Tận dụng ưu đãi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc' do Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 9/5.

Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay, VKFTA có hiệu lực từ ngày 20/12/2015, với thời gian hiệu lực đã sang năm thứ 3. Hiệp định VKFTA đóng vai trò rất quan trọng thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, góp phần giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực.

“Việt Nam hiện là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ tư của Hàn Quốc, trong khi, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 58 tỷ USD”, ông Hải chia sẻ.

Ông Park Chulho, Tổng giám đốc Văn phòng đại diện KOTRA tại Hà Nội cho biết, Chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc đã có những chuẩn bị và cụ thể hóa cơ hội hết sức bài bản từ khi ký kết VKFTA với Việt Nam cuối năm 2015. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường.

Tuy nhiên cho đến nay, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ VKFTA trong XK hàng hóa của Việt Nam có xu hướng chững lại. Theo lý giải của đại diện Cục Xuất nhập khẩu, nguyên do không phải tỷ lệ tận dụng bị giảm đi mà do có dấu hiệu bão hòa của một số mặt hàng XK trọng điểm. Đáng chú ý, may mặc là mặt hàng có tỷ lệ tận dụng được C/O ưu đãi cao nhất, tiếp đến là thủy sản, đồ gỗ, giày dép… với tỷ lệ tận dụng đạt được lần lượt là 31%, 10%, 7%, 5% trong năm 2017.

Việc chưa tận dụng được ưu đãi từ VKFTA là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc truyền tải thông tin chính xác, đầy đủ, nhất là thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến thuế, chứng nhận xuất xứ tới doanh nghiệp. Điều này cũng đồng thời cho thấy vẫn còn dư địa tận dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh XK hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc.

Theo đại diện Bộ Công Thương, với lộ trình giảm thuế theo cam kết của KVFTA và những chính sách ưu đãi mà Việt Nam đã và sẽ áp dụng, một số ngành như ngành năng lượng, nông nghiệp chất lượng cao, môi trường, công nghiệp chế tạo tại Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc và khả năng Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu về đầu tư FDI (đầu tư có vốn trực tiếp nước ngoài) trong nhiều năm tới.

Việt Nam hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc và là điểm đến đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN. Mặt khác, DN Hàn Quốc cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu nguyên liệu thô và các mặt hàng bán thành phẩm vào Việt Nam để gia công, sản xuất và nhập lại các sản phẩm hoàn thiện.

THANH NHUNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/han-quoc-kha-nang-giu-vung-vi-tri-dung-dau-ve-dau-tu-fdi-vao-viet-nam-nhieu-nam-toi-d73711.html