Hàn Quốc, dai dẳng bạo lực hẹn hò

Sau nhiều vụ bê bối tình dục chấn động, Hàn Quốc quyết liệt ngăn chặn tệ nạn lạm dụng phụ nữ.

9/10 phụ nữ Hàn Quốc từng bị bạo lực hẹn hò.

Thế nhưng, trái với kỳ vọng, vấn nạn bạo lực hẹn hò ở đất nước này vẫn liên tiếp gia tăng.

Cái chết oan nghiệt

Ngày 25/7/2021 tại Seoul, Hwang Ye-jin (25 tuổi) bị đánh đập tàn bạo ngay trước lối vào chung cư. Kẻ ra tay với cô là gã đàn ông 30 tuổi, bạn trai cũ. Hắn ta tấn công Ye-jin chỉ vì cô nói với người khác rằng đã từng là bạn gái của hắn.

Sau khi đánh Ye-jin bất tỉnh, gã này gọi điện tới số 119 (đường dây cấp cứu khẩn của Hàn Quốc), nói: “Hình như tôi lỡ làm cô ấy va đầu vào cửa thang máy khi đi vào nhà. Cô ấy say xỉn nặng vì uống quá nhiều rượu”.

Ye-jin được đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Mặt mũi cô bị sưng trầm trọng, chảy máu trong, xương sườn gãy, phổi vỡ… Ba tuần sau, Ye-jin qua đời. Theo ghi hình của camera giám sát, cô bị gã bạn trai cũ quăng vào tường nhiều lần trước khi ngã xuống bất tỉnh. Mặc kệ nạn nhân không còn ý thức, tên này kéo lê cơ thể bê bết máu của cô tới thang máy.

Phòng của Ye-jin ở tầng 8. Trong lúc gã bạn trai cũ tàn bạo lôi Ye-jin vào thang máy, di chuyển trên hành lang, cô vẫn còn dấu hiệu sống. Tuy nhiên, tên này chẳng những không có ý sơ cứu, mà hắn còn cầm cẳng chân lôi và để mặt Ye-jin úp xuống sàn. Chỉ khi thấy Ye-jin không còn thở, hắn ta mới gọi điện cho 119 và nói dối.

Hwang Ye-jin và 1 ảnh từ camera giám sát.

“Cãi yêu, đánh thương”

Các vụ bạo lực hẹn hò tại Hàn Quốc nhiều vô kể. Theo khảo sát năm 2018, 9/10 phụ nữ tham gia cho biết từng bị bạn trai/chồng/chồng cũ đánh đập. Dữ liệu từ Cơ quan Cảnh sát quốc gia chỉ ra, những năm gần đây, số vụ bạo lực hẹn hò trung bình khoảng 18 nghìn trường hợp/năm. Nó tăng dần đều, từ 14.136 trường hợp năm 2017 lên 18.671 năm 2018, 19.940 năm 2019.

Vào năm 2020, số vụ giảm xuống một chút so với năm 2019 - 18.945 vụ, nhưng trung bình mỗi ngày vẫn có đến 52 vụ. Trong các vụ bạo lực hẹn hò, 71% là hành hung, 10,8% là giam giữ và đe dọa, 0,9% bạo lực tình dục và 0,4% giết người.

Thế nhưng, xã hội Hàn Quốc lại bình thường hóa bạo lực hẹn hò, cho rằng cãi vã, xô xát giữa cặp đôi chỉ là “cãi yêu, đánh thương”. Dù đã được nâng cao nghiệp vụ, các cơ quan điều tra và tư pháp vẫn tránh can thiệp vào “chuyện riêng tư giữa những người yêu nhau”.

Trong vụ án của Ye-jin, 2 ngày sau khi cô nhập viện, công tố viên xin lệnh bắt giữ bạn trai cũ của cô với cáo buộc gây thương tích. Tòa án địa phương đã bác bỏ với lý do, kẻ tấn công không có khả năng bỏ trốn hoặc tiêu hủy bằng chứng. Chi khi Ye-jin qua đời, kẻ này mới bị bắt và kết án.

Không có dấu hiệu dừng

Các vụ rình rập cũng gia tăng mạnh.

Năm 1916, Hàn Quốc lần đầu giới thiệu và tiến hành chiến dịch nâng cao nhận thức của cộng đồng về bạo lực hẹn hò, khuyến khích phụ nữ trình báo. Cùng năm, ca sĩ hip hop nổi tiếng, Iron (1992 – 2021) bị tố hành hung bạn gái.

Năm 2018, anh ta mới bị kết án, phạt 8 năm tù giam, 2 năm tù treo và 80 giờ phục vụ cộng đồng. Năm 2020, Choi Jong Bum, bạn trai cũ của cố ngôi sao K-pop đình đám Goo Ha-ra (1991 – 2019) bị kết án vì tội hành hung và tống tiền nữ ca sĩ, phạt 18 tháng tù giam.

Trên khắp Hàn Quốc, các biểu ngữ chống bạo lực hẹn hò xuất hiện. Sau cái chết của con gái, mẹ Ye-jin cũng tiết lộ đoạn camera ghi hình, tên và tuổi của con gái lên trang web Cheong Wa Dae. Bà đính kèm bản kiến nghị phải xử phạt kẻ tấn công thật nặng và nhận được hơn 350 nghìn chữ ký đồng tình.

Bất chấp các nỗ lực trên, bạo lực hẹn hò vẫn đeo đẳng. Từ ngày 22/9 – 22/10/2021, Hàn Quốc tiến hành khảo sát 7 nghìn phụ nữ tuổi từ 18 trở lên. Câu hỏi là “bạn có bị bạo lực không và người bạo lực với bạn là ai?”. Kết quả, có đến 2.442 người trả lời từng bị bạo lực ít nhất 1 lần, 1.124 người thường xuyên bị bạo hành bởi chính bạn trai hoặc chồng.

Từ ngày 8 – 30/11/2021, Hàn Quốc tiến hành khảo sát bổ sung với đối tượng tham gia là 1.000 cô gái tuổi từ 14 – 18. Câu hỏi là “bạn có bị quấy rối trực tuyến không” và 347 (28,8%) người trả lời “có”. Họ cho biết bị “bạn chat” lạ mặt trên mạng Internet đòi quan hệ tình dục trực tuyến hoặc trực tiếp.

“Tôi không cách nào trở lại cuộc sống bình thường. Chỉ cần thấy chiếc xe nào đó hao hao xe bạn trai cũ, tôi đã phát run và lo sợ tột độ”, một phụ nữ viết trên cổng thông tin Naver, tìm kiếm sự tư vấn của luật sư vì nhiều lần bị bạn cũ theo dõi, đánh đập, chửi bới trước mặt đồng nghiệp.

“Tôi muốn đuổi anh ta ra khỏi nhà. Tôi không muốn phải sống như thế này tiếp nữa”, một phụ nữ khác kêu cứu. Cô bị bạn trai đánh đập bầm dập chân tay, mình mẩy. Sau khi đánh bạn gái, anh ta còn đập phá đồ đạc. Cứ mỗi lần cô đề nghị chia tay, anh ta lại nổi cơn thịnh nộ và giở thói bạo hành.

Ngoài bạo lực hẹn hò, Hàn Quốc còn chứng kiến tệ nạn rình rập tăng mạnh. Chỉ từ đầu năm nay đến hết tháng 8, tổng số vụ đã lên tới 4.992. Tại Seoul, số vụ rình rập và bạo lực nhiều khủng khiếp. Cơ quan cảnh sát thủ đô buộc phải tăng cường nhân sự cho các bộ phận liên quan, từ 666 người năm 2021 lên 710 người năm 2022.

Nghiêm trọng hơn, cả các vụ bạo lực hẹn hò lẫn rình rập được thống kê mới chỉ là bề nổi. Phần lớn nạn nhân không dám tố cáo vì sợ bị trả thù.

Huế Vũ (Tổng hợp)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/han-quoc-dai-dang-bao-luc-hen-ho-post613479.html