Hàn Quốc đang trên đà trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn tại Đông Nam Á

Hàn Quốc đang nổi lên thành nhà cung cấp vũ khí đáng tin cậy tại Đông Nam Á khi nhu cầu thiết bị quân sự tối tân tại khu vực tăng cao.

Những thỏa thuận mua bán vũ khí tỷ đô

Ngày 1/6, báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP) cho biết, tuần trước, Bộ Quốc phòng Malaysia thông báo đã ký thỏa thuận mua bán vũ khí trị giá 2,28 tỷ USD tại Triển lãm Hàng hải và Hàng không Vũ trụ Quốc tế Langkawi (tại Malaysia) năm nay, bao gồm hợp đồng mua 18 máy bay tấn công FA-50 từ công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng Hàn Quốc Korea Aerospace Industries (KAI).

Trong khi đó, theo SCMP, hai quốc gia tại khu vực Đông Nam Á khác là Philippines và Indonesia cũng nằm trong số những đối tác mua vũ khí lớn nhất của Hàn Quốc, lần lượt chiếm 16% và 14% doanh số bán vũ khí của Seoul.

Trong giai đoạn 2017-2021, Hàn Quốc đã bàn giao lượng vũ khí trị giá 2 tỷ USD cho các quốc gia Đông Nam Á.

Pháo tự hành K9 do Hàn Quốc sản xuất. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh các quốc gia phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine và căng thẳng gia tăng tại nhiều điểm nóng như Triều Tiên hay Biển Đông, năm ngoái, doanh số bán vũ khí của Hàn Quốc đã tăng từ 7,25 tỷ USD năm 2021 lên 17 tỷ USD, theo số liệu từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.

Trước Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) chỉ ra, Hàn Quốc vốn là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 3 cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các thành viên của liên minh.

Mới đây, Hàn Quốc đã đạt thỏa thuận cung cấp vũ khí trị giá 13,7 tỷ USD với Ba Lan - thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay của Seoul. Tuy vậy, các nhà thầu quốc phòng Hàn Quốc chỉ chiếm 4,9% số giao dịch vũ khí của NATO, vẫn còn cách khá xa so với con số 65% của Mỹ và 8,6% của Pháp.

Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã đặt mục tiêu đưa quốc gia này trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Nga và Pháp vào năm 2027. Nhà thầu quốc phòng lớn nhất Hàn Quốc - công ty công nghiệp hàng không vũ trụ Hanwha Aerospace dự kiến tăng năng suất sản xuất gấp 3 lần vào năm 2024.

Vì sao vũ khí Hàn Quốc nổi hơn tại Đông Nam Á?

Ông Ian Storey - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, cho rằng Hàn Quốc là nhà cung cấp vũ khí hấp dẫn đối với các quốc gia Đông Nam Á bởi không giống một số nhà cung cấp lớn khác, Seoul có thể chuyển giao công nghệ để hỗ trợ các quốc gia trong khu vực phát triển nền công nghiệp vũ khí nội địa.

Ngoài ra, ông Storey cho rằng vũ khí Hàn Quốc vừa thỏa mãn tiêu chí công nghệ cao nhưng lại có mức giá thấp hơn thiết bị quốc phòng phương Tây. Từ đó, chuyên gia nhận định, các công ty quốc phòng Hàn Quốc sẽ tiếp tục chiếm thị phần lớn hơn trong thị trường mua bán vũ khí quốc phòng tại Đông Nam Á.

Còn theo ông Jaehyon Lee - chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, các quốc gia Đông Nam Á coi Hàn Quốc là đối tác cung cấp vũ khí đáng tin cậy vì hoạt động xuất khẩu vũ khí của Seoul trong những năm gần đây thiên về cách tiếp cận thương mại và ít mang tính chiến lược và chính trị hơn so với một số nhà cung cấp khác.

Ông Lee cũng cho rằng Mỹ chủ yếu tập trung vào cung cấp những loại vũ khí tối tân, đắt đỏ nhưng không thực sự là nhu cầu cần thiết của các quốc gia Đông Nam Á trong khi Hàn Quốc có thể đáp ứng những sự lựa chọn thay thế với mức giá phải chăng hơn.

Chẳng hạn, máy bay phản lực thế hệ mới KFX do công ty KAI phối hợp cùng Indonesia phát triển có thể là sự lựa chọn thay thế ở mức giá thấp hơn tiêm kích F-35 của Mỹ. Hoặc máy bay chiến đấu FA-50 do Hàn Quốc phát triển có giá 50 triệu USD/ chiếc, bằng khoảng một nửa mức giá máy bay quân sự với năng lực tương đương từ Mỹ và châu Âu.

Ông Lee cho rằng, thành công của Hàn Quốc trên thị trường vũ khí toàn cầu những năm gần đây là nhờ ưu tiên trong chính sách phát triển công nghệ quốc phòng của Seoul.

Theo nội dung Sáng kiến Đoàn kết ASEAN - Hàn Quốc do Seoul đề xuất, xuất khẩu vũ khí và hợp tác công nghệ quốc phòng là một trong những trọng tâm nghị sự của Chính phủ Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, xung đột tại Ukraine và căng thẳng trên Biển Đông cũng là nguyên nhân khiến các quốc gia trong khu vực tăng cường mua bán vũ khí quân sự.

Ông Ristian Supriyanto - chuyên gia tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết không chỉ có Hàn Quốc mà Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và một số nhà xuất khẩu vũ khí khác cũng đang tham gia cuộc cạnh tranh cung cấp vũ khí cho các quốc gia Đông Nam Á.

Hoàng Anh (Theo SCMP)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/han-quoc-dang-tren-da-tro-thanh-nha-cung-cap-vu-khi-lon-tai-dong-nam-a-d592745.html