Hàn Quốc đề nghị đàm phán quân sự liên Triều

Nhằm giảm tình trạng căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên, ngày 17-7, Hàn Quốc đã đề nghị tổ chức đàm phán quân sự liên Triều trong tuần này. Đây là bước tiếp theo trong đề nghị hòa bình gần đây mà Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In (Moon Jae-in) đưa ra trong bài phát biểu tại Béc-lin, Đức.

Xơ-un mong muốn cuộc đàm phán sẽ được tổ chức vào ngày 21-7 tại Tôn-gin-gác, một tòa nhà của Triều Tiên trong làng đình chiến Pan-mun-chơm, Yonhap dẫn một thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. Mục đích của cuộc gặp này là nhằm tạm dừng "tất cả các hoạt động thù địch" gần đường ranh giới quân sự (MDL) chia cắt hai miền, Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Xu Chô Xúc (Suh Choo-suk) cho biết. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đề nghị Bình Nhưỡng phản ứng với lời đề nghị trên thông qua kênh liên lạc quân sự tại khu vực phía Tây. Tuy nhiên, thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc không nêu rõ về chương trình nghị sự cũng như cấp bậc của các trưởng đại diện. Giới quan sát cho biết, có khả năng Triều Tiên sẽ chấp nhận tham dự cuộc đàm phán quân sự, tuy nhiên cũng sẽ đưa ra yêu cầu đối với phía Hàn Quốc. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc đối thoại đầu tiên giữa các quan chức quân sự của hai miền Triều Tiên trong gần ba năm qua, mở ra cơ hội cho các cuộc hội đàm toàn diện về việc loại bỏ xung đột vũ trang ở khu vực biên giới và nới lỏng căng thẳng.

Thứ trưởng Xu Chô Xúc phát biểu tại cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 17-7. Ảnh: AP

Bên cạnh cuộc đàm phán quân sự, Chính phủ Hàn Quốc cũng đưa ra một đề nghị riêng rẽ về việc mở các cuộc đàm phán Chữ thập đỏ để thảo luận việc nối lại các hoạt động đoàn tụ gia đình. Hội Chữ thập đỏ của Hàn Quốc đã đưa ra đề nghị tổ chức cuộc đàm phán trên vào ngày 1-8 tới tại Nhà Hòa bình, một ngôi nhà của Hàn Quốc ở Pan-mun-chơm.

Trước đó, ngày 6-7, trong bài diễn thuyết tại Quỹ Korber nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Đức, Tổng thống Mun Chê In đã công bố sáng kiến mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Theo đó, đề nghị hai miền đồng loạt dừng các hành vi thù địch, bao gồm cả việc dừng phát thanh tuyên truyền qua loa tại ranh giới quân sự liên Triều, bắt đầu từ ngày 24-7 tới, nhân kỷ niệm 64 năm Hiệp định đình chiến (1953). Ngoài ra, tân Tổng thống Hàn Quốc cũng đề xuất nối lại chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vào dịp Tết Trung thu năm nay, nhân kỷ niệm 10 năm ra đời Tuyên bố chung liên Triều (4-10-2007).

Sáng kiến hòa bình của Tổng thống Mun Chê In đưa ra chỉ hai ngày sau khi Triều Tiên thông báo phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), gây quan ngại cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế. Ông Mun Chê In ngay từ khi tranh cử đã đề cao đối thoại với Bình Nhưỡng bên cạnh các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ, song Triều Tiên không vì thế mà ngừng hoạt động thử tên lửa gây tranh cãi của mình. Kể từ khi ông Mun Chê In nhậm chức hồi tháng 5 vừa qua, Triều Tiên đã phóng thử tổng cộng 10 tên lửa.

Mới đây, trong phản ứng đầu tiên của Bình Nhưỡng đối với đề nghị còn gọi là "Sáng kiến Béc-lin" của Tổng thống Mun Chê In, một bài bình luận của nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, cho rằng, đề nghị này sẽ không có ích lợi gì cho việc cải thiện mối quan hệ liên Triều vốn lâu nay vẫn ở trong tình trạng căng thẳng. Tờ báo cũng bác bỏ lời kêu gọi của Tổng thống Mun Chê In về việc hai miền tiến hành đàm phán và hợp tác song phương, đồng thời đòi phải có “sự thay đổi cơ bản trong chính sách và lập trường”.

ANH THƯ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/han-quoc-de-nghi-dam-phan-quan-su-lien-trieu-512704