Hàn Quốc đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự sau khi Triều Tiên phóng tên lửa

Hàn Quốc đã thông qua đề xuất đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều ký kết hồi năm 2018 nhằm phản ứng trước việc Triều Tiên phóng một vệ tinh do thám quân sự, thể hiện quyết tâm của quốc gia này trong việc xây dựng một hệ thống giám sát trên không gian trong bối cảnh căng thẳng kéo dài với Hoa Kỳ.

Ảnh do Chính phủ Triều Tiên cung cấp cho thấy tên lửa mang “Chollima-1” mới của họ đã đưa vệ tinh Malligyong-1 vào quỹ đạo. Nguồn: AP

Cơ quan Công nghệ Hàng không Vũ trụ Quốc gia Triều Tiên cho biết tên lửa mang “Chollima-1” mới của họ đã đưa vệ tinh Malligyong-1 vào quỹ đạo một cách chính xác vào tối 21.11, khoảng 12 phút sau khi được phóng từ trung tâm phóng chính của nước này.

Cơ quan này gọi vụ phóng tên lửa là quyền hợp pháp của Triều Tiên nhằm tăng cường khả năng tự vệ. Họ cho biết vệ tinh do thám sẽ giúp cải thiện khả năng sẵn sàng chiến tranh của Triều Tiên trước “các động thái quân sự nguy hiểm của kẻ thù”.

Cơ quan này cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã giám sát vụ phóng tại hiện trường và chúc mừng các nhà khoa học cũng như những người khác có liên quan. Họ cho biết Triều Tiên sẽ phóng thêm một số vệ tinh do thám để giám sát tốt hơn Hàn Quốc và các khu vực khác.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Adrienne Watson cho biết Washington lên án mạnh mẽ vụ phóng của Triều Tiên, nói rằng nó "làm gia tăng căng thẳng và có nguy cơ gây bất ổn cho tình hình an ninh trong và ngoài khu vực". Bà cho biết vụ phóng liên quan đến các công nghệ liên quan trực tiếp đến chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên.

Hàn Quốc cho biết vụ phóng buộc nước này phải đình chỉ thỏa thuận giảm căng thẳng liên Triều năm 2018 và tiếp tục hoạt động giám sát trên không của Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gọi vụ phóng là “mối đe dọa nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân” và cho biết Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối Triều Tiên lên án vụ phóng bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất.

Theo đánh giá của Hàn Quốc và Nhật Bản, tên lửa mang vệ tinh đã bay từ bờ biển phía tây của Bán đảo Triều Tiên và qua đảo Okinawa của Nhật Bản về phía Thái Bình Dương. Chính phủ Nhật Bản nhanh chóng đưa ra cảnh báo tên lửa J-Alert cho Okinawa, kêu gọi người dân tìm nơi trú ẩn.

Vệ tinh gián điệp là một trong những tài sản quân sự quan trọng mà CHDCND Triều Tiên đang thúc đẩy. Những nỗ lực phóng tên lửa của Triều Tiên hồi đầu năm nay đã kết thúc thất bại do vấn đề kỹ thuật.

Triều Tiên từng tuyên bố vụ phóng tên lửa thứ ba sẽ diễn ra vào tháng 10 nhưng vụ phóng đã bị trì hoãn. Kể từ năm ngoái, Triều Tiên đã tiến hành khoảng 100 vụ thử tên lửa đạn đạo trong nỗ lực thiết lập kho vũ khí hạt nhân đáng tin cậy nhắm vào Mỹ và các đồng minh. Nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng Triều Tiên còn phải làm chủ một số công nghệ cuối cùng để có được tên lửa hạt nhân hoạt động được.

Nhưng các chuyên gia cho rằng việc sở hữu một tên lửa có thể đưa vệ tinh vào quỹ đạo có nghĩa là Triều Tiên có thể chế tạo một tên lửa có khả năng mang đầu đạn có kích thước tương tự vệ tinh.

Trong văn bản trả lời các câu hỏi của hãng tin AP vào tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết việc Triều Tiên phóng thành công vệ tinh trinh sát “sẽ biểu thị rằng năng lực ICBM của Triều Tiên đã được nâng lên một tầm cao hơn”.

Tổng thống Yoon, hiện đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Vương quốc Anh, đã triệu tập một cuộc họp hội đồng an ninh khẩn cấp, trong đó các quan chức quyết định thúc đẩy việc đình chỉ thỏa thuận năm 2018. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Wonsik đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị cho khả năng Triều Tiên đưa ra những phản ứng đáp trả.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản trước đó cho biết Triều Tiên đã nói với Tokyo rằng họ sẽ phóng một vệ tinh vào khoảng thời gian từ 22.11 đến ngày 30.11. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, Hirokazu Matsuno, đã chỉ trích Triều Tiên vì đã tiến hành vụ phóng trước khi thời gian bắt đầu.

Triều Tiên đang phải hứng chịu 11 đợt trừng phạt của LHQ vì các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong quá khứ. Tuy nhiên, khó có khả năng Triều Tiên sẽ phải hứng chịu các lệnh trừng phạt mới sau vụ phóng tên lửa mới nhất. Nga và Trung Quốc đã phản đối các nghị quyết trừng phạt của HĐBA về một loạt hoạt động phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên.

Các nhà quan sát cho rằng Bình Nhưỡng sẽ muốn sử dụng kho vũ khí mở rộng để giành được những nhượng bộ lớn hơn của Mỹ, chẳng hạn như giảm nhẹ các lệnh trừng phạt khi ngoại giao được nối lại.

Đáp lại những vụ thử tên lửa gần đây, Mỹ và Hàn Quốc đã mở rộng các cuộc tập trận quân sự thường xuyên và tăng cường triển khai tạm thời các khí tài quân sự hùng mạnh của Mỹ tại Hàn Quốc. Hôm 21.11, tàu sân bay USS Carl Vinson và nhóm chiến đấu của nó đã đến cảng Hàn Quốc trong một cuộc biểu dương sức mạnh mới.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/-han-quoc-dinh-chi-mot-phan-thoa-thuan-quan-su-sau-khi-trieu-tien-phong-ten-lua-i351079/