Hàn Quốc: Hóa giải nạn bạo hành cô dâu ngoại

Môi giới hôn nhân được một số tỉnh ở Hàn Quốc khuyến khích do tỉ lệ chênh lệch về giới tính. Tuy nhiên, rất nhiều cô dâu ngoại lại trở thành nạn nhân của bạo hành dưới nhiều hình thức khác nhau.

Hơn 42% cô dâu ngoại bị bạo hành

Trinh - tên mà CNN sử dụng để bảo vệ danh tính của nhân vật theo luật pháp của Hàn Quốc - đã gặp kẻ giết mình qua một người mai mối. Theo tài liệu của tòa án, Trinh 29 tuổi và chồng tương lai của cô ngoài 50 tuổi. Cô chỉ nói được tiếng Việt, còn người đàn ông chỉ nói được tiếng Hàn.

Bất chấp rào cản về ngôn ngữ, vào ngày 4/11/2018 - một ngày sau khi họ gặp nhau do mai mối sắp xếp, họ đã kết hôn trước sự chứng kiến của gia đình Trinh ở Việt Nam.

7 tháng sau, Trinh chuyển đến Hàn Quốc sinh sống cùng chồng tên là Shin. 3 tháng sau đó, cô chết.

Trinh là một trong số hàng nghìn phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc thông qua dịch vụ môi giới hôn nhân - một dịch vụ không được khuyến khích ở Hàn Quốc. Một số cặp vợ chồng có cuộc hôn nhân thành công, hạnh phúc. Song nhiều cô dâu ngoại gặp gỡ người chồng theo cách này, được chính thức xếp vào diện di cư thông qua hôn nhân, đã trở thành nạn nhân của sự phân biệt đối xử, bạo lực gia đình và thậm chí bị chính người chồng sát hại.

Đàn ông Hàn Quốc và các cô dâu đến từ Việt Nam, Philippines tại một lễ cưới tập thể theo nghi thức truyền thống ở Yangjae-dong, miền nam Seoul. Ảnh: Yonhap.

Đàn ông Hàn Quốc và các cô dâu đến từ Việt Nam, Philippines tại một lễ cưới tập thể theo nghi thức truyền thống ở Yangjae-dong, miền nam Seoul. Ảnh: Yonhap.

Số liệu thống kê năm 2017 của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia đã vẽ nên một bức tranh nghiệt ngã. Hơn 42% cô dâu ngoại cho biết, họ đã bị bạo hành, bao gồm cả lạm dụng về thể xác, lời nói, tình dục và tài chính. Để so sánh, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc thực hiện khảo sát vào năm ngoái cho hay, khoảng 29% phụ nữ nước này là nạn nhân của bạo lực gia đình, cũng với nhiều hình thức lạm dụng.

Các chuyên gia cho rằng, những quy tắc phân biệt đối xử cùng với phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc trong xã hội là nguyên nhân và đang thúc đẩy những sự thay đổi về thể chế để bảo vệ các cô dâu ngoại.

Những vấn đề về giao tiếp

Ngay từ đầu, Trinh và Shin đã gặp khó khăn khi giao tiếp với nhau. Sau đám cưới, Shin về nhà ở Hàn Quốc. Họ sống xa nhau hàng tháng trời và giữ liên lạc qua ứng dụng nhắn tin. Tuy nhiên, họ thường xuyên cãi nhau vì Trinh thường yêu cầu được hỗ trợ thêm về tài chính.

Cuối cùng, vào ngày 16/8/2019, Trinh đến Hàn Quốc. Cô chuyển tới thành phố Yangju thuộc tỉnh Gyeonggi, gần Thủ đô Seoul, để sống cùng chồng. Nhưng chuyện cãi vã vẫn thường xuyên xảy ra do bất đồng ý kiến, bất đồng ngôn ngữ, sự khác biệt về cách sống và vấn đề tài chính.

Hôn nhân kiểu mua bán thường có rào cản về ngôn ngữ và nhiều vấn đề khác. Ảnh: Asianews.

3 tháng sau, vào ngày 16/11, Trinh nói với Shin rằng cô sẽ đến sống với một người họ hàng ở thành phố khác. Shin cố giữ Trinh lại. Trinh đã vớ lấy một con dao trong bếp và đâm vào đùi phải của Shin, theo hồ sơ tòa án. Vì vậy, Shin đã cướp lấy con dao và đâm vợ khoảng 10 nhát vào ngực và bụng.

Sau khi Trinh chết, Shin lấy nilon bọc thi thể vợ, đưa cô cùng đồ đạc của cô vào trong ôtô của mình và lái đến một vườn hồng ở quận Wanju, tỉnh Bắc Jeolla, cách nhà họ hơn 200km. Tại đó, Shin đã chôn thi thể của Trinh.

Vào tháng 4 vừa qua, Shin bị kết án 15 năm tù vì tội giết người. Bằng chứng được đưa ra tại phiên tòa gồm ảnh từ hiện trường vụ án, hợp đồng hôn nhân và lời khai của bị cáo.

"Bị cáo đáng bị phạt tù vì nỗi đau mà nạn nhân phải trải qua, cảm xúc cay đắng khi nạn nhân kết thúc cuộc đời mình ở nước ngoài theo cách này cùng nỗi buồn của tang quyến khi mất đi người thân. Hiện nạn nhân trở về quê hương chỉ là một cái xác" - thẩm phán Kang Dong-hyeok nói trong khi tuyên án.

Hy vọng ở cuộc sống tốt đẹp hơn?

Trong nhiều thập niên đã có sự mất cân bằng giới tính ở các vùng nông thôn Hàn Quốc. Phụ nữ trẻ thường đến các thành phố để tìm việc làm và kết hôn, trong khi nam thanh niên ở lại quê để làm nông và chăm sóc cha mẹ già.

Cô dâu ngoại tại Hàn Quốc chịu nhiều tổn thương do bị lạm dụng bằng nhiều cách. Ảnh minh họa: CNN.

Vào những năm 1980, chính quyền các địa phương bắt đầu trợ cấp cho các công ty môi giới hôn nhân tư nhân để giới thiệu những người đàn ông nông dân độc thân với các phụ nữ gốc Hàn ở Trung Quốc. Các công ty môi giới được trả từ 4-6 triệu won (khoảng 3.800-5.700 USD) cho mỗi cuộc hôn nhân. Đó là một nỗ lực giải quyết tình trạng dân số già, nhằm khuyến khích đàn ông tìm vợ và sinh con.

Trong những thập kỷ sau, các cô dâu không chỉ có gốc Hàn mà bắt đầu đến từ nhiều quốc gia hơn gồm Philippines, Việt Nam và Campuchia.

Theo đó, ngành công nghiệp môi giới hôn nhân xuyên biên giới sớm xuất hiện. Tính đến tháng 5/2020, theo thống kê của Chính phủ, 380 công ty mai mối đã đăng ký hoạt động tại Hàn Quốc.

Ngày nay, nhiều cô dâu ngoại ở Hàn Quốc đến từ Việt Nam, chiếm đa số, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Hầu hết đàn ông kết hôn là ở các vùng nông thôn ở Hàn Quốc - tại các tỉnh mà công ty môi giới vẫn được chính quyền trợ cấp, ví dụ tỉnh Nam Jeolla. Những người đàn ông trên 35 tuổi chưa từng kết hôn sẽ nhận được trợ cấp 5 triệu won (4.190 USD) để lấy vợ nước ngoài khi xuất trình giấy đăng ký kết hôn.

Năm 2018, 16.608 nam giới và phụ nữ nước ngoài đã kết hôn với nhau. Trong đó, 6.338 cô dâu đến từ Việt Nam, 3.671 phụ nữ đến từ Trung Quốc và 1.560 người đến từ Thái Lan. Tổng cộng, 28% cuộc hôn nhân giữa cô dâu ngoại và đàn ông Hàn Quốc là vợ Việt, chồng Hàn.

Một phần lý do khiến nhiều cô dâu đến từ Việt Nam là vấn đề kinh tế. Các cô dâu thường còn trẻ và hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Theo một cuộc khảo sát của chính phủ Hàn Quốc vào năm 2017, độ tuổi trung bình của những người kết hôn do mai mối là 43,6, trong khi độ tuổi trung bình của các cô dâu ngoại là 25,2.

Các chuyên gia và quan chức không đồng ý về cách phân loại xu hướng xuyên quốc gia này. Tổ chức Hợp tác chống buôn người của Liên Hợp Quốc cho biết, phụ nữ Việt Nam bị buôn bán sang một số quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, bị ép buộc kết hôn.

Nhưng Lee Jin-hye - một luật sư - cho hay, các cô dâu ngoại chọn Hàn Quốc với lý do chính là hỗ trợ tài chính được cho gia đình, thay vì lợi ích cá nhân của họ. Trong trường hợp của Trinh, tài liệu tòa án cho thấy, cô tự nguyện đến Hàn Quốc.

"Nạn nhân tin tưởng bị cáo. Cô ấy rời Việt Nam và bắt đầu cuộc sống ở Hàn Quốc" - thẩm phán Kang nói.

Những vấn đề về thể chế

Chính phủ Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á từ lâu đã lo lắng rằng, ngành công nghiệp cô dâu ngoại có thể dẫn đến nạn buôn người và lạm dụng.

Phần lớn cô dâu ngoại ở Hàn Quốc đến từ Việt Nam.

Năm 2010, Campuchia tạm thời cấm công dân của mình kết hôn với người Hàn Quốc. Theo các phương tiện truyền thông Việt Nam, những nhà chức trách Việt Nam cũng nêu quan ngại với Hàn Quốc.

Tại Hàn Quốc, các quy tắc dần được thắt chặt kể từ năm 2014. Công dân Hàn Quốc và vợ/ chồng người nước ngoài của họ phải chứng minh rằng họ có thể giao tiếp để được cấp thị thực. Đương đơn cần chứng minh cô dâu ít nhất có vốn tiếng Hàn cơ bản, hoặc cặp đôi có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ ba. Không rõ Trinh đã né được quy tắc này bằng cách nào. Và cũng không có bằng chứng về khả năng nói tiếng Việt của người chồng.

Hơn nữa, năm ngoái, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch ngăn chặn những người đàn ông có tiền sử lạm dụng được phép bảo lãnh thị thực (visa) cho cô dâu ngoại. Luật này sẽ có hiệu lực vào tháng 10 tới. Nhưng vẫn còn những vấn đề về thể chế ở Hàn Quốc khiến các cô dâu ngoại và chồng của họ không có vị trí chắc chắn.

Theo Luật Nhập cư Hàn Quốc, cô dâu ngoại cần được chồng bảo lãnh thị thực ban đầu, có thời hạn 1 năm. Sau đó, họ cần được gia hạn thị thực 3 năm một lần. "Có trường hợp người chồng đe dọa sẽ rút lại hỗ trợ xin thị thực nếu người vợ muốn ly thân. Phụ nữ thuộc diện bảo lãnh hôn phu có thể làm việc tại Hàn Quốc và cuối cùng có thể trở thành thường trú nhân.

Nếu hai vợ chồng ly hôn và không có con, người vợ phải trở về nước, trừ khi cô ấy chứng minh được rằng người chồng của cô chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ trong hôn nhân hoặc cô ấy là nạn nhân của sự lạm dụng và cần thời gian để hồi phục.

Do đó, "ngay cả khi có vấn đề, cô dâu ngoại vẫn cảm thấy rằng họ nên duy trì cuộc hôn nhân không hạnh phúc vì những vấn đề thể chế này" - Heo Young-sook, người đứng đầu Trung tâm Nhân quyền Phụ nữ di trú Hàn Quốc, cho hay.

Trong cuộc khảo sát của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia năm 2017, hầu hết cô dâu ngoại được hỏi đều nói rằng, họ không biết nói với ai về bạo lực gia đình mà họ phải chịu đựng. Họ thấy rất xấu hổ và không mong đợi điều gì sẽ thay đổi vì vậy.

Cần sự thay đổi

Không dễ dàng để trở thành một phụ nữ ở Hàn Quốc. Quốc gia này xếp hạng thấp nhất trong báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế tại diễn đàn về Khoảnh cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Một phần nguyên nhân là do bất bình đẳng về cơ hội việc làm cho phụ nữ. Chưa kể văn hóa gia trưởng sâu sắc tại nước này.

Bà Heo Young-sook còn cho rằng, cuộc sống của những cô dâu ngoại còn khó khăn hơn gấp bội. "Phụ nữ di cư phải đối mặt với sự phân biệt đối xử nhiều tầng lớp - đó thường là sự phân biệt giới tính, chủng tộc, kết hợp với các vấn đề về thể chế, nên thường tạo ra nhiều vấn đề khó khăn" - bà Heo nói.

Điều đó có thể diễn tiến theo một số cách. Lee nói rằng, nhiều phụ nữ thường cảm thấy bị chính gia đình lớn của họ phân biệt đối xử. Mẹ chồng có thể phàn nàn về việc nấu nướng. Một số gia đình còn không cho con dâu ngoại có bất cứ quyết định gì. Nhiều người vợ không có tiền để tiêu và phải xin, Lee cho biết thêm.

Tuy nhiên, mọi thứ có chiều hướng thay đổi. Năm nay, nhà lập pháp của Đảng Công lý Jang Hye-yong đã đề xuất một dự luật chống phân biệt đối xử. Nếu được thông qua, đây sẽ là dự luật đầu tiên về vấn đề này.

Jang tin rằng, dự luật được thông qua, trở thành luật thì sẽ giúp ích cho phụ nữ nhập cư dù không đề cập cụ thể đến việc lạm dụng đối với họ. Tuy nhiên, nó cấm phân biệt đối xử gián tiếp gây ra đau đớn về thể chất hoặc tinh thần cho một nhóm người hay cá nhân cụ thể.

"Nếu (cách phụ nữ nhập cư bị đối xử) được định nghĩa là phân biệt đối xử và có thể sửa đổi, tôi nghĩ rằng nhiều phụ nữ nhập cư trong xã hội chúng ta có thể sống an toàn hơn và có phẩm giá hơn" - Jang Hye-yong nói.

Luật sư Lee thì lại không tin rằng dự luật sẽ là một giải pháp nhanh chóng cho phụ nữ nhập cư. Thay vào đó, cô cho rằng, dự luật sẽ giúp mang lại sự thay đổi trong xã hội, nâng cao nhận thức về phân biệt chủng tộc tại nơi làm việc, trường học và ở nhà.

Huyền Anh

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/han-quoc-hoa-giai-nan-bao-hanh-co-dau-ngoai-607890/