Hàn Quốc khẩn cấp chống lạm phát

Hàn Quốc đang trải qua thời kỳ giá cả tăng cao, có khả năng kéo lùi tốc độ phát triển kinh tế nước này, buộc Chính phủ coi chống lạm phát là nhiệm vụ hàng đầu. Ngày 20/3, Hàn Quốc đã công bố quyết định khẩn cấp kiềm chế lạm phát.

hq248 Tại Hàn Quốc, lạm phát đã lên mức 3,6% tháng 2 vừa qua. Bước sang tháng 3, tỷ giá hối đoái Won-USD đã cho thấy những dấu hiệu biến động bất thường, làm giá hàng nhập khẩu tăng, gây khó khăn cho nền kinh tế. Bỏ thuế nhập khẩu 70 loại sản phẩm Quyết định trên được đưa ra trong một cuộc họp giữa các bộ trưởng thuộc khối kinh tế dưới sự chủ trì của Tổng thống Lee Myung-bak. Theo đó, Hàn Quốc sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 70 loại "sản phẩm nhạy cảm" như lúa mì, ngũ cốc, bánh đậu nành, cà phê, kem... Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4 tới. Phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống, ông Lee Dong-Kwan cho biết Tổng thống đã kêu gọi thực hiện các bước nhanh chóng và hiệu quả để ổn định giá tiêu dùng. Các bộ trưởng đã nhất trí đưa 50 sản phẩm thiết yếu, như trứng, sữa và thịt lợn vào danh sách giám sát giá cả cao độ. Ngoài ra, để đối phó với sự tăng giá của các nguyên vật liệu thô, Chính phủ sẽ đẩy mạnh hoạt động phân phối đồng, nhôm, nicken và các kim loại màu khác. Các ngành giao thông công cộng và cung cấp nước sinh hoạt nằm trong danh sách nhận được hỗ trợ của Chính phủ, song các biện pháp cụ thể sẽ được quyết định trong cuộc họp Nội các tuần sau. Đối với nền kinh tế gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nhiên liệu, nguyên liệu nhập khẩu như Hàn Quốc, giá dầu thô và nguyên liệu sản xuất trên thị trường thế giới liên tục tăng khiến các nhà sản xuất lo ngại. Ngoài ra, giá giống cây trồng, gia súc, gia cầm tăng mức kỷ lục khiến nông dân chịu sức ép lớn. So với năm ngoái, giá ngô giống tăng 35%, đỗ giống tăng tới 72%. Tình hình lạm phát tăng cao sẽ không khuyến khích tiêu dùng, gây cản trở tăng trưởng kinh tế và khiến nước này khó thực hiện mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế 6% năm nay. Ngoài lạm phát, một yếu tố quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế là việc Won giảm giá. Bước sang tháng 3/08, USD yếu đi, nhưng lại tăng giá so với Won. Tỷ giá hối đoái vượt ngưỡng 1.000 Won/USD khi kết thúc phiên giao dịch hôm 17/3 ở mức 1.029 Won/USD. Đồng Won giảm giá gây bất lợi Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân đầu tiên khiến tỷ giá Won-USD biến động là do các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Mỹ đang rút vốn khỏi thị trờng chứng khoán Hàn Quốc. Trong quá trình này họ cần phải đổi số tiền bán cổ phiếu ra USD và nhu cầu đối với USD tăng lên, làm USD tăng giá, đẩy giá trị đồng Won giảm xuống. Nguyên nhân thứ hai là gần đây cán cân vãng lai, nhất là cán cân thương mại Hàn Quốc đang xấu đi nhanh chóng. Điều này ảnh hưởng tới hiện tượng giá ngoại tệ tăng, vì tỷ giá hối đoái được hình thành thông qua sự tác động qua lại giữa giá cả, nhu cầu và nguồn cung của ngoại tệ trên thị trường ngoại hối. Won giảm giá so với USD sẽ tác động tích cực đến sự tăng trưởng xuất khẩu, đồng thời sẽ làm giá nhập khẩu các mặt hàng tăng lên. Áp lực lạm phát đang ngày càng lớn, khi giá nguyên vật liệu, dầu thô và các mặt hàng lương thực đang tăng mạnh. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết, giá hàng hóa nhập khẩu tháng 2/08 đã tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đẩy giá hàng hóa trong nước lên cao. Tháng 2 vừa qua, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này nhập siêu 2,6 tỷ USD so với 800 triệu USD tháng 1. Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Mỹ giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Won giảm giá khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường trái phiếu Hàn Quốc, sẽ tác động làm tăng lãi suất. Nếu lãi suất tăng sẽ trở thành gánh nặng cho kinh tế hộ gia đình Hàn Quốc. Theo hãng KBS, bất chấp những nỗ lực của chính phủ, kinh tế Hàn Quốc năm nay nhiều khả năng chỉ đạt mức tăng trưởng trên 4% so với mức 4,6% năm 2007. Tổng thống Hàn Quốc mới đây đã tuyên bố chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu trong thời điểm hiện nay. Chính phủ nước này lập một nhóm chuyên trách do Thứ trưởng Tài chính đứng đầu nhằm tìm các biện pháp ngăn chặn lạm phát, như giảm 10% thuế nhập khẩu xăng dầu, ấn định mức thu phí một số dịch vụ và giao thông vận tải. Thuế các mặt hàng nông sản dùng trong chế biến thức ăn gia súc sẽ được miễn. Nông dân vay vốn ngân hàng mua giống, thức ăn gia súc được hỗ trợ từ quỹ khẩn cấp trị giá khoảng 1,1 tỷ USD.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29790-han-quoc-khan-cap-chong-lam-phat