Hàn Quốc liệu có thể trở thành nhà cung cấp vũ khí mới của Đông Nam Á?

Giới phân tích quốc tế nhận định, Hàn Quốc đang dần trở thành nhà cung cấp vũ khí mới cho các nước Đông Nam Á, nhờ công nghệ hiện đại và giá thành hợp lý.

Thương vụ gần đây với Malaysia phần nào nói lên nhu cầu về thiết bị quân sự tiên tiến và giá cả phải chăng trong khu vực. Theo đó, Bộ Quốc phòng Malaysia đã công bố việc ký kết một thỏa thuận trị giá 2,28 tỷ USD tại Triển lãm hàng hải và hàng không vũ trụ Langkawi năm 2023, bao gồm việc mua 18 máy bay tấn công hạng nhẹ FA-50 từ Korea Aerospace Industries. Trước đó, Philippines và Indonesia cũng trở thành hai khách hàng mua vũ khí hàng đầu từ Hàn Quốc, lần lượt chiếm 16% và 14% doanh số bán vũ khí của nước này. Từ năm 2017 đến 2021, giá trị xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc sang các nước Đông Nam Á chỉ dưới 2 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2022, con số này đã tăng lên hơn 17 tỷ USD, cao hơn gấp đôi mức kỷ lục 7,25 tỷ USD của năm trước đó.

Lý giải tại sao Hàn Quốc là một lựa chọn hấp dẫn đối với nhiều nước Đông Nam Á, Ian Storey, thành viên cao cấp Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng không giống như các cường quốc lớn, Seoul sẵn sàng chuyển giao công nghệ và hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp quân sự cho các nước trong khu vực. Theo đó, vũ khí được sản xuất ở Hàn Quốc vừa hiện đại, vừa rẻ hơn so với các thiết bị khác của phương Tây, đồng thời các công ty quốc phòng Hàn Quốc sẵn sàng mở rộng xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.

Máy bay chiến đấu tàng hình đa năng KF-21 Boramae của Hàn Quốc. Ảnh: mods.com

Chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện nghiên cứu chính trị Asan ở Seoul, Jaehyon Lee nhận định, các nước Đông Nam Á cũng coi Hàn Quốc là một đối tác đáng tin cậy với "chương trình chiến lược không giấu giếm" cũng như "ít gánh nặng chính trị và chiến lược" so với các nhà cung cấp vũ khí khác. Ông nói: “Xuất khẩu vũ khí của Seoul trong những năm gần đây có nhiều cách tiếp cận thương mại hơn là cách tiếp cận chiến lược, đồng thời cho rằng Hoa Kỳ chủ yếu tập trung vào việc bán các loại vũ khí tiên tiến và đắt tiền trong khi “các nước Đông Nam Á lại không quá cần thiết".

Tuy nhiên, các quốc gia Đông Nam Á này cũng có những lựa chọn khác. Ristian Supriyanto, nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết các nhà xuất khẩu vũ khí từ Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và các quốc gia “đang lên” khác cũng đang cạnh tranh với Hàn Quốc để đưa ra các giải pháp thay thế. Ông chỉ ra rằng thị trường vũ khí quốc tế vẫn là "thị trường của bên mua". Một số nước Đông Nam Á có thể không muốn chuyển sang sử dụng vũ khí do Hàn Quốc sản xuất vì vấn đề tài chính hoặc không muốn chia tay các đối tác truyền thống.

Chris H. Park, nghiên cứu sinh Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins trong một bài viết đăng trên trang mạng Học giả Ngoại giao Hoa Kỳ, cho rằng Hàn Quốc đã khẳng định là một đối thủ nặng ký trên thị trường vũ khí quốc tế. Ông cho đây là kết quả của nỗ lực kéo dài 20 năm của chính phủ Hàn Quốc nhằm xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng có khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Dưới thời chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol, Hàn Quốc đặt mục tiêu đầy tham vọng trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới vào năm 2027 (sau Mỹ, Nga và Pháp).

Chris H. Park phân tích thêm, vũ khí của Hàn Quốc có khả năng tương tác cao với các hệ thống của Hoa Kỳ do hợp tác quốc phòng sâu rộng với Washington — đặc biệt là thông qua sản xuất được cấp phép và thiết kế có ý thức. Ví dụ, súng trường tấn công K2 có thể sử dụng băng đạn M16 tiêu chuẩn cũng như các hộp tiếp đạn khác tuân thủ tiêu chuẩn NATO, trong khi pháo tự hành K9 Thunder có thể nạp và bắn bằng đạn của Mỹ. Những loại vũ khí này của Hàn Quốc có giá cạnh tranh. Tầm bắn và sức mạnh đầu đạn của tên lửa AT-1K "Raybot" tương tự như "Light Javelin" của Mỹ, nhưng giá ước tính chỉ bằng 1/3. Sự tiên tiến của pháo tự hành K9 Thunder tương đương với pháo tự hành PzH 2000 của Đức, nhưng đơn giá thấp hơn.

Pháo tự hành K9 Thunder do Hàn Quốc sản xuất. Ảnh: European Defence Review Magazine

Số liệu thống kê về doanh số bán vũ khí toàn cầu năm 2022 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy hoạt động nhập khẩu vũ khí tăng mạnh ở các quốc gia đang đối mặt với căng thẳng địa chính trị gia tăng. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những quốc gia này được đưa vào danh sách đối tác vũ khí của Hàn Quốc. Hàn Quốc hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 3 cho các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chỉ đứng sau Mỹ và Pháp. Thỏa thuận mua bán vũ khí trị giá 13,7 tỷ USD gần đây giữa Hàn Quốc với Ba Lan, được cho sẽ là nhân tố chính thúc đẩy tham vọng của Hàn Quốc trong việc củng cố tổ hợp công nghiệp - quân sự.

Hàn Quốc cũng sẽ phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa quen thuộc của Hoa Kỳ về việc phải làm gì khi vũ khí được bán cho các đối tác có vấn đề về quản trị. Cho đến nay, dư luận Hàn Quốc vẫn kiên quyết ủng hộ việc bán vũ khí. Tuy nhiên, một số nhóm xã hội dân sự nhỏ trước đây đã phản đối việc bán vũ khí, với lý do lo ngại về nhân quyền. Một số thành viên của đảng đối lập cũng đã đề xuất thay đổi Luật Ngoại thương, vốn quy định việc bán vũ khí cho nước ngoài phải được sự chấp thuận của quốc hội.

“Chưa nói đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu và năng lực công nghệ cần thiết để đạt được kỳ tích này, chỉ riêng việc liệu Hàn Quốc có sẵn sàng đối mặt với những thách thức khi trở thành một nhà sản xuất vũ khí toàn cầu hay không, vẫn còn một câu hỏi vẫn còn để ngỏ”, chuyên gia Chris H. Park nhận định.

THANH SƠN (Theo THX, baidu.com)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/han-quoc-lieu-co-the-tro-thanh-nha-cung-cap-vu-khi-moi-cua-dong-nam-a-735039