Hàn Quốc sẵn sàng chung tay với Nhật Bản, cam kết thống nhất hai miền vào năm 2045

Tổng thống Moon Jae-in hôm thứ Năm nói rằng Hàn Quốc sẽ 'sẵn sàng chung tay' với Nhật Bản vì sự thịnh vượng của Đông Á nếu Tokyo chọn đối thoại và hợp tác để chấm dứt căng thẳng thương mại giữa hai nước gần đây.

Trong lễ kỷ niệm 74 năm ngày bán đảo Triều Tiên giải phóng khỏi ách đô hộ của Đế quốc Nhật Bản năm 1945, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đưa ra một tầm nhìn để biến Hàn Quốc thành một "cường quốc kinh tế có trách nhiệm" và hợp tác với Nhật Bản trên cơ sở "bình đẳng".

"Thà muộn còn hơn không bao giờ: Nếu Nhật Bản chọn con đường đối thoại và hợp tác, chúng tôi sẽ sẵn sàng chung tay", ông Moon nói. "Chúng tôi sẽ phấn đấu với Nhật Bản để tạo ra một Đông Á tham gia vào thương mại và hợp tác công bằng".

Tuyên bố trên truyền hình của ông Moon thể hiện lập trường rõ ràng nhất của phía Seoul đối với Tokyo kể từ khi hai quốc gia nổ ra tranh cãi về vấn đề cưỡng bức lao động Triều Tiên thời kỳ trước năm 1945.

Tổng thống Moon liên tục sử dụng những từ "hợp tác", "thịnh vượng" và "hòa bình" trong suốt bài diễn văn gần nửa giờ của mình trong một buổi lễ được tổ chức tại Hội trường Độc lập Hàn Quốc, nằm ở Cheonan, cách Seoul 85 km về phía nam.

Nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng "những người hàng xóm nên vượt qua quá khứ và cùng nhau hướng tới tương lai".

"Chúng tôi hy vọng rằng Nhật Bản sẽ đóng vai trò hàng đầu trong việc tạo điều kiện cho hòa bình và thịnh vượng ở Đông Á, trong khi suy ngẫm về một quá khứ mang lại bất hạnh cho các nước láng giềng", ông Moon nói.

Tổng thống Hàn Quốc đã đề cập đến Thế vận hội Tokyo sẽ diễn ra vào năm tới, sau Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 và trước Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh dự kiến vào năm 2022.

"Điều này sẽ đánh dấu một loạt Thế vận hội chưa từng có được tổ chức ở Đông Á," ông Moon nói. "Đây sẽ là cơ hội vàng để Đông Á củng cố khuôn khổ hữu nghị và hợp tác, đồng thời tiến lên trên con đường hướng tới sự thịnh vượng chung".

Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh trước tiên Nhật Bản nên ngừng sử dụng thương mại như một loại "vũ khí".

"Trong phân công lao động quốc tế, nếu bất kỳ quốc gia nào vũ khí hóa một lĩnh vực mà nó có lợi thế so sánh, trật tự thương mại tự do hòa bình chắc chắn sẽ bị tổn hại", ông nói. "Một quốc gia đạt được sự tăng trưởng trước tiên không được xóa đi con đường, trong khi những nước khác đang đi theo bước chân của họ".

Nhật Bản gần đây đã xóa tên Hàn Quốc khỏi danh sách ưu đãi thương mại để đáp lại các yêu cầu bồi thường cho người lao động Triều Tiên bị cưỡng bức làm việc trong các hầm mỏ và công trường hồi Thế chiến II. Seoul cũng chọn cách loại bỏ Tokyo khỏi danh sách ưu đãi của mình.

Xung đột thương mại một lần nữa chứng minh rằng di sản thuộc địa vẫn ám ảnh mối quan hệ giữa các đồng minh hàng đầu của Mỹ ở Đông Á.

Người Hàn Quốc tin rằng Nhật Bản đã không chuộc lỗi một cách chân thành vì những sai lầm trong quá khứ, trong khi Nhật Bản nói rằng họ đã làm đủ.

Tổng thống Moon nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác "công bằng" giữa các nước trong khu vực.

"Cộng đồng châu Á sẽ không được lãnh đạo bởi một quốc gia duy nhất mà thay vào đó sẽ trở thành một cộng đồng nơi sự hợp tác đa phương nở rộ giữa các quốc gia ngang hàng nhau", ông Moon nói.

Tuy nhiên, ông Moon nói thêm, Hàn Quốc vẫn chưa trở thành một quốc gia sẽ không bị chấn động bởi áp lực bên ngoài.

"Đó là bởi vì chúng tôi vẫn thiếu sức mạnh và vẫn bị chia rẽ", Tổng thống nói.

Ông Moon đặt mục tiêu Hàn Quốc trong tương lai đóng vai trò là "cây cầu thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên lục địa và ngoài đại dương".

Hai sáng kiến ngoại giao lớn của chính quyền Moon - Chính sách miền Nam mới và Chính sách miền Bắc mới - là một phần của những nỗ lực này.

Bước đầu tiên để đóng vai trò cầu nối đó là kết nối các tuyến đường sắt và đường bộ bị cắt đứt với Triều Tiên, nhà lãnh đạo theo đường lối tự do cho biết.

Về quá trình phi hạt nhân hóa, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đàm phán cấp độ làm việc giữa Bình Nhưỡng và Washington để sắp xếp một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba.

"Điều này có thể sẽ tạo thành bước ngoặt quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên", ông Moon nói. "Bây giờ là thời gian để cả Hàn Quốc và Mỹ tập trung vào tiếp tục các cuộc đàm phán cấp độ làm việc giữa Bình Nhưỡng và Washington".

Tổng thống Hàn Quốc sau đó đã trình bày một mục tiêu dài hạn là thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

"Tôi cam kết củng cố nền tảng để chúng ta có thể đăng cai thành công Thế vận hội Seoul-Bình Nhưỡng 2032 và trụ vững trên trường quốc tế với tư cách là một quốc gia bằng cách đạt được hòa bình và thống nhất vào năm 2045, để kỷ niệm 100 năm ngày giải phóng", ông Moon nói.

Một Triều Tiên thống nhất có thể trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới và là thị trường lớn với dân số 80 triệu người, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho biết thêm.

"Một Bán đảo Triều Tiên mới, một bán đảo sẽ mang lại hòa bình và thịnh vượng cho chính nó, cho Đông Á và thế giới, đang chờ chúng ta," ông Moon kết thúc bài phát biểu. "Chúng tôi có thể làm điều đó!"

Huy Vũ

Theo Yonhap

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/the-gioi/han-quoc-san-sang-chung-tay-voi-nhat-ban-cam-ket-thong-nhat-hai-mien-vao-nam-2045-152719.html