Hàn Quốc sắp ra phần mềm nhận diện lừa đảo qua điện thoại

Trong tuần sau, chính phủ Hàn Quốc cho ra mắt phần mềm ứng dụng điện thoại có khả năng tự nhận diện các cuộc gọi lừa đảo.

Theo báo Korean Herald, tổ chức dịch vụ giám sát tài chính (FSS), cơ quan quản lý thông tin quốc gia và ngân hàng công nghiệp Hàn Quốc đã hợp tác và phát triển thành công ứng dụng có tên “IBK Phising Stop” tự động phát hiện các cuộc gọi lừa đảo thông qua điện thoại.

Được thiết kế thông qua một phần mềm trí tuệ nhân tạo tinh xảo, ứng dụng này được đánh giá sẽ là khắc tinh những thủ đoạn tinh vi của các băng nhóm, tổ chức tội phạm chuyên thực hiện hành vi lừa đảo trên điện thoại. Nếu ứng dụng thành công, giới doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi cởi bỏ được nỗi lo về bảo mật thông tin cá nhân mỗi khi nhấc điện thoại lên.

Trong năm 2018, nền kinh tế Hàn Quốc thiệt hại 444 tỉ won vì các cuộc gọi lừa đảo qua điện thoại. Ảnh: Pulse

Theo nhóm nghiên cứu sáng tạo, phần mềm trí tuệ nhân tạo trong ứng dụng này được thiết kế, lập trình nhằm mục đích phát hiện ra những cụm từ khóa, những mẫu câu then chốt, phổ biến mà các đối tượng lừa đảo hay sử dụng.

Khi được cài lên điện thoại, ứng dụng này tự phân tích những cuộc gọi đến. Nếu có mục đích ăn cắp thông tin người dùng, phần mềm sẽ thu thập dữ liệu, tổng hợp và đưa ra đánh giá theo tỉ lệ. Nếu tỉ lệ của cuộc gọi đó lớn hơn hoặc bằng 80%, ứng dụng sẽ gửi thông báo đến người dùng ngay tức thì.

Trả lời trước giới báo chí Hàn Quốc, phát ngôn viên của tổ chức FSS cho biết: “ Bất cứ những hành vi, thủ đoạn tinh vi nào cũng sẽ khó qua mắt được ứng dụng này. Chúng tôi mong rằng ứng dụng này sẽ ngày càng hoàn thiện hơn để có thể ngăn chặn tội phạm lừa đảo qua điện thoại và giảm thiểu thiệt hại cho người tiêu dùng”.

Lừa đảo thông qua điện thoại là thủ đoạn tinh vi bậc nhất của bọn tội phạm. Đầu tiên, những kẻ lừa đảo sẽ thăm dò “con mồi”. Sau đó, chúng dùng một thiết bị chuyên biệt để gọi đến nạn nhân mà chúng nhắm vào. Khi nạn nhân nhấc máy lên trả lời, kẻ lừa đảo sẽ mạo danh đại diện các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, công ty nơi nạn nhân làm việc hoặc thậm chí là bà con xa hòng dễ dàng moi thông tin cá nhân và lừa họ chuyển tiền. Một khi đã đạt được mục đích, những tên này sẽ ngay lập tức xóa dấu vết và biến mất.

Điều đáng quan tâm là hầu hết nạn nhân đều không hề hay biết mình bị lừa cho đến một thời gian sau. Khi đó, chứng cứ đã mất và thủ phạm đã cao chạy xa bay. Các cơ quan hành pháp cũng chỉ biết lắc đầu chịu thua, không thể nào bắt nổi kẻ phạm tội.

Dựa trên báo cáo của tổ chức FSS, năm 2018, ở Hàn Quốc, có khoảng 48.743 người sập bẫy các phi vụ lừa đảo qua điện thoại, gây thiệt hại 444 tỉ won (khoảng 9.083 tỉ đồng) cho nền kinh tế.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/han-quoc-sap-ra-phan-mem-nhan-dien-lua-dao-qua-dien-thoai-159914.html