Hàn Quốc: Tại sao tân Thủ tướng từ chức sau 21 ngày tại nhiệm?

Tuyên bố hôm 30/8 vừa qua của Tổng thống Lee Myung-bak được coi là sự chuẩn y đối với việc từ chức của tân Thủ tướng Kim Tae-ho, người vừa đệ đơn hôm 29/8: Việc ông Kim Tae-ho rút khỏi chức Thủ tướng đáp ứng nỗ lực xây dựng "xã hội công bằng". Được biết, Tổng thống Lee Myung-bak đang tìm người thích hợp để thay thế ông Kim Tae-ho trong thời gian sớm nhất.

Cùng đệ đơn xin từ chức hôm 29/8 với ông Kim Tae-ho còn có Bộ trưởng Văn hóa, Du lịch và Thể thao Shin Jae-min và Bộ trưởng Kinh tế Lee Jae-hoon sau khi bị cáo buộc "có vi phạm đạo đức nghiêm trọng". Đơn xin từ chức của 2 Bộ trưởng kể trên đã được Tổng thống Lee Myung-bak chấp nhận. Giới phân tích coi đây là bài học đối với Tổng thống Lee Myung-bak trong việc chọn Thủ tướng - không thể chọn người mình muốn mà không cần biết công chúng muốn gì. Nhiều người từng cho rằng, nếu việc bổ nhiệm ông Kim Tae-ho thành công thì đây sẽ là Thủ tướng trẻ nhất của Hàn Quốc trong 40 năm qua, đồng thời dọn đường để trở thành ứng cử viên của đảng Đại dân tộc trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Điều đáng nói là khi mới đề cử ông Kim Tae-ho thay thế người tiền nhiệm Chung Un-chan và cải tổ nội các hồi đầu tháng 8, dư luận đã coi đây là nỗ lực của Tổng thống Lee Myung-bak trong việc tạo một luồng sinh khí mới cho chính phủ, nhưng bất thành. Tổng thống Lee Myung-bak cũng muốn thông qua việc bổ nhiệm ông Kim Tae-ho làm Thủ tướng để củng cố đảng Đại dân tộc (GNP) cầm quyền sau khi đảng này bị thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 6 vừa qua. Nhưng để chính thức trở thành tân Thủ tướng, ông Kim Tae-ho phải nhận được ít nhất 50% trong tổng số 299 nghị sĩ Quốc hội, nhưng sau 2 phiên điều trần hôm 24 và 25/8, tỷ lệ ủng hộ đối với người được Tổng thống Lee Myung-bak đề cử đã giảm đáng kể. Mọi việc bắt đầu sau khi ông Kim Tae-ho không trả lời thỏa đáng những chất vấn của phe đối lập tại phiên điều trần trước Quốc hội vừa qua. Một số nghị sĩ đối lập thậm chí tuyên bố sẽ tẩy chay phiên bỏ phiếu thông qua chức Thủ tướng tại Quốc hội, nếu ông Kim Tae-ho không trả lời những câu hỏi của họ. Tại phiên điều trần này, phe đối lập đã cáo buộc ông Kim Tae-ho có liên quan tới những bê bối của một số nhân vật cấp cao, cũng như thực hiện các hoạt động tài chính bất hợp pháp và sở hữu khối tài sản lớn không rõ nguồn gốc. Ông Kim Tae-ho được cho là đã nhận hàng chục nghìn USD trong một quỹ chính trị trái phép của doanh nhân Park Yeon-cha từ năm 2007. Dư luận đặc biệt quan tâm nhất tới mối quan hệ giữa doanh nhân Park Yeon-cha, nguyên Giám đốc điều hành Công ty Taekwang Industry (Tổ hợp công nghiệp sản xuất giày) với ông Kim Tae-ho. Phe đối lập cáo buộc ông Kim Tae-ho đã nhận tiền của Park Yeon-cha trong chuyến đi tới New York, Mỹ cách đây 3 năm (2007). Phe đối lập đặt nhiều câu hỏi xung quanh khối tài sản của ông Kim Tae-ho: đột nhiên trở nên giàu có cùng những hoạt động chuyển khoản đầy nghi vấn. Cách đây gần 2 năm (cuối năm 2008), Park Yeon-cha đã bị bắt, xét xử và ngồi tù vì tội trốn thuế, lạm dụng quyền để trục lợi trong giao dịch cổ phiếu nội bộ và hối lộ nhiều quan chức cao cấp. Các nghị sĩ của đảng Dân chủ đối lập cáo buộc ông Kim Tae-ho đã cố tình báo cáo thu nhập thấp hơn so với thực tế, sử dụng trái phép các khoản vay ngân hàng cho những chiến dịch vận động tranh cử của bản thân. Ông Kim Tae-ho. Điều đáng nói là ông Kim Tae-ho đã không trung thực khi đề cập tới doanh nhân Park Yeon-cha. Trong khi ông nói quen Park Yeon-cha sau năm 2007 thì phe đối lập đã cung cấp bức ảnh cho thấy ông Kim Tae-ho chụp ảnh cùng với doanh nhân này từ năm 2006. Giới truyền thông còn đưa tin, ông Kim Tae-ho phải từ chức một cách đột ngột vì bị cho là lạm dụng quyền lực để tư lợi - để vợ sử dụng xe công vào việc tư, nhận hối lộ, tham nhũng và gian dối. Khi làm Tỉnh trưởng South Gyeongsang, ông Kim Tae-ho còn điều nhân viên tới làm việc trong nhà mình... Vì những chỉ trích kể trên nên ngày 27/8, đảng cầm quyền và các đảng đối lập đã nhất trí hoãn bỏ phiếu thông qua việc bổ nhiệm ông Kim Tae-ho làm Thủ tướng đến ngày 1/9 bởi không đạt được sự đồng thuận trong vấn đề này. Vì ông Kim Tae-ho tại nhiệm quá ngắn ngủi: 21 ngày (từ 8 đến 29/8) nên phe đối lập và người dân của xứ sở kim chi đang đặt câu hỏi về tư cách đạo đức của một số chính trị gia cao cấp, kể cả ứng cử viên thủ tướng của đảng cầm quyền. Những cáo buộc của phe đối lập đã tương phản với các đánh giá trước đây của người dân tỉnh South Gyeongsang và đây là điều khiến dư luận quan tâm. Được biết, sau khi trở thành Tỉnh trưởng South Gyeongsang năm 2004 (mới 41 tuổi), ông Kim Tae-ho được coi là một trong những chính trị gia đầy triển vọng, nhất là sau khi tái đắc cử năm 2006. Trong thời gian nắm quyền tại tỉnh South Gyeongsang, ông Kim Tae-ho được người dân địa phương đánh giá cao - trong sạch và trẻ trung, có tư duy đổi mới và liêm khiết. Khi đương nhiệm, ông Kim Tae-ho luôn thúc đẩy các chính sách cải cách hành chính mạnh mẽ và đã đạt được nhiều thành công trong những dự án tại đây. Giới truyền thông đưa tin, người dân Hàn Quốc coi phát biểu tại cuộc họp báo sáng 29/8 để từ chức của ông Kim Tae-ho là thỏa đáng và chân thành khi khẳng định, cảm thấy có lỗi vì đã gây rắc rối đối với tất cả người dân bởi những vấn đề của riêng mình. Ông Kim Tae-ho cho biết, đã quyết định từ chức bởi không muốn là trở ngại cho Tổng thống Lee Myung-bak trong việc điều hành đất nước

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/sukien/2010/9/73243.cand