Hàn Quốc và Mỹ chưa tháo gỡ được bất đồng về chia sẻ chi phí quân sự

Vòng đàm phán lần thứ 7 về vấn đề chia sẻ chi phí quân sự duy trì các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) giữa Washington và Seoul đã chính thức khép lại. Sau 3 ngày thương lượng khó khăn, hai bên vẫn chưa thể thu hẹp bất đồng để đạt được Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) mới.

Theo Yonhap, ngày 20-3, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết còn tồn tại nhiều bất đồng giữa Seoul và Washington trong vấn đề chia sẻ chi phí quân sự dành cho USFK gồm 28.500 binh sĩ sau khi hai bên kết thúc vòng đàm phán kéo dài từ ngày 17 đến 19-3 ở thành phố Los Angeles (Mỹ). Trong thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: “Dù vẫn có nhiều bất đồng về quan điểm nhưng hai bên đã nhất trí tiến hành các cuộc tham vấn chặt chẽ để giảm thiểu nguy cơ không đạt được thỏa thuận mới và góp phần củng cố liên minh Hàn-Mỹ cũng như hoạt động phòng thủ chung thông qua việc sớm ký một thỏa thuận mà hai bên có thể chấp nhận được”.

Việc Hàn Quốc và Mỹ không thu hẹp được những khác biệt để đạt được SMA mới tại vòng đàm phán trên đã dấy lên mối lo ngại cho rằng khoảng 9.000 nhân viên Hàn Quốc làm việc tại USFK có thể bị buộc nghỉ việc không lương bắt đầu từ tháng 4 tới. USFK nhiều lần cảnh báo rằng đội ngũ nhân viên Hàn Quốc có thể rơi vào tình trạng "không nhiệm vụ và không lương" nếu không đạt được SMA mới. Động thái này được cho là nhằm gây sức ép buộc Seoul phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán.

 Các binh sĩ Mỹ rèn luyện thể lực tại thành phố Dongducheon, Hàn Quốc. Ảnh: The Straits Times

Các binh sĩ Mỹ rèn luyện thể lực tại thành phố Dongducheon, Hàn Quốc. Ảnh: The Straits Times

Giới quan sát nhận định, hiện nay giữa hai bên vẫn tồn tại sự khác biệt lớn về quan điểm trong vấn đề chia sẻ chi phí quân sự. Trong khi phía Washington cho rằng tỷ lệ chi phí quân sự nên tăng mạnh bằng cách thiết lập một điều khoản mới trong SMA thì Seoul giữ nguyên quan điểm mức tăng phải nằm trong phạm vi có thể chấp nhận được trong khuôn khổ SMA mà Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí trong gần 30 năm qua. Trước khi Mỹ-Hàn tiến hành đàm phán lần thứ 7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng: “Mỹ giữ nguyên cam kết nỗ lực vì một kết quả công bằng và hợp lý trong những cuộc đàm phán xoay quanh SMA, yếu tố sẽ duy trì và tăng cường mối quan hệ đồng minh lâu dài giữa Mỹ và Hàn Quốc”. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, liên minh Mỹ-Hàn hết sức vững chắc và có vai trò sống còn đối với nỗ lực bảo vệ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, cũng như sự ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Trong khi đó, nhóm đàm phán của Hàn Quốc đã hy vọng hai bên sẽ có các cuộc đàm phán riêng để sắp xếp giải quyết vấn đề tiền lương của các nhân viên nước này làm việc tại các căn cứ quân sự Mỹ ở Hàn Quốc trong trường hợp hai bên không đạt được một SMA toàn diện.

SMA là thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ. Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ chi phí duy trì sự hiện diện của USFK tại Hàn Quốc theo SMA, bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự và hỗ trợ hậu cần. Trước đây, Hàn Quốc và Mỹ quy định thời hạn hiệu lực của SMA là 5 năm. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump đã xóa bỏ tiền lệ này, yêu cầu Seoul tăng mạnh mức đóng góp và rút ngắn thời hạn hiệu lực SMA xuống còn một năm. Sự thay đổi lập trường của chính quyền Mỹ chủ yếu xuất phát từ quan điểm cứng rắn của ông Donald Trump, người luôn chỉ trích các đồng minh chưa đóng góp tương xứng cho việc duy trì lực lượng đồn trú của Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng từng than phiền rằng Seoul đã chia sẻ khoản kinh phí "không tương xứng" so với những gì xứ cờ hoa bỏ ra.

Từ tháng 9-2019 đến nay, Mỹ-Hàn đã tiến hành 7 vòng đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự để tiến tới việc đạt được SMA mới nhưng đều không thu được kết quả. Vào tháng 11-2019, Mỹ đã yêu cầu Hàn Quốc góp 4,7 tỷ USD trong năm 2020 để duy trì USFK. "Phí bảo vệ" với con số cao ngất ngưởng mà Mỹ đưa ra khiến Seoul khó có thể chấp thuận một cách dễ dàng. Phía Hàn Quốc chỉ chấp nhận mức tăng khoảng 10% trong năm nay.

Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Hàn Quốc đang đứng trước thử thách lớn. Các chuyên gia cảnh báo rằng Mỹ có thể đánh mất một trong các đồng minh chủ chốt tại Đông Bắc Á nếu không chịu nhượng bộ, tìm mọi cách hối thúc Hàn Quốc tăng đóng góp quốc phòng.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/han-quoc-va-my-chua-thao-go-duoc-bat-dong-ve-chia-se-chi-phi-quan-su-612851