Hán Sở tranh hùng: Bỏ lỡ nhân vật này Hạng Vũ mất cơ hội thống nhất Trung Hoa

Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ dù được đánh giá cao hơn hẳn Lưu Bang về tài năng cũng như nhân cách, thế nhưng việc không trọng dụng Hàn Tín khiến Hạng Vũ đã thất bại dưới tay Hán Cao Tổ.

Trong lịch sử Trung Hoa, võ tướng tài ba quả là nhiều không đếm xuể. Nhưng nhân vật được đánh giá là danh tướng "thiên cổ vô nhị" lại chỉ có duy nhất một người. Đó chính là Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ.

Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ là một trong số những “chiến thần” nổi danh trong lịch sử Trung Hoa.

Hạng Vũ được mệnh danh là danh tướng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc. Năm 25 tuổi, ông thống lĩnh quân lính chống nhà Tần. Năm 26 tuổi, ông đã xưng danh Tây Sở Bá Vương, tự mình phân định thiên hạ. Chiến công hiển hách và nổi tiếng nhất của Hạng Vũ chính là lật đổ nhà Tần.

Nhắc tới tên tuổi của Tây Sở Bá Vương, hậu thế giờ đây vẫn thường truyền tai nhau nhiều giai thoại về cuộc chiến nổi tiếng và quan trọng nhất cuộc đời ông. Đó chính là chiến tranh Hán – Sở tranh hùng, cũng là ván cờ quân sự quyết định sự thành bại của Hạng Vũ trước đối thủ Lưu Bang.

Mặc dù được đánh giá cao hơn hẳn Lưu Bang về tài năng cũng như nhân cách, thế nhưng việc Hạng Vũ đã thất bại dưới tay Hán Cao Tổ và bỏ mạng bên dòng sông Ô Giang vẫn là một sự thật lịch sử không thể thay đổi. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng nếu Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ trọng dụng Hàn Tín thì có lẽ lịch sử đã đi theo một chiều khác.

Hàn Tín.

Những năm cuối của triều đại nhà Tần, thiên hạ đại loạn, các lộ quần hùng đua nhau quật khởi, Hàn Tín gia nhập vào quân đội Hạng Lương khởi nghĩa. Sau khi Hạng Lương chết, Hàn Tín quy thuận Hạng Vũ, vì là người có võ công tinh nghệ cho nên được đảm nhiệm vị trí Kích Lang Trung.

Trước khi tham gia vào quân đội, Hàn Tín từng phải chịu nhục chui háng đây là câu chuyện nói lên tâm đại nhẫn của bậc đại trí mà không phải người bình thường nào cũng làm được.

Thời ấy, gia cảnh bần cùng, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng chí hướng của Hàn Tín đặt ở nơi cao xa, ông rất giỏi võ và thường đeo bên mình một thanh bảo kiếm.

Trong thành Hoài Âm có một kẻ vô lại là con trai của một người đồ tể, kẻ vô lại này rất ngang ngược, thường hay bắt nạt người khác. Một lần vì muốn hạ nhục Hàn Tín nên hắn ta đã ở nơi đông người mà chặn đường ông.

Kẻ vô lại nói: “Ngươi khoác kiếm làm gì? Ngươi dám sát nhân không? Ngươi dám sát nhân thì chặt đầu của ta xem. Nếu ngươi không dám sát nhân thì ngươi chui háng ta mà đi”.

Đối mặt với sự khiêu khích đột nhiên xảy đến này, Hàn Tín không hề sợ hãi mà nhìn thẳng vào kẻ vô lại thật lâu. Hàn Tín biết mình có thể hạ gục tên vô lại nhưng cũng biết mình sẽ phải trả giá bằng mạng sống nếu giết hắn. Vì vậy cuối cùng thay vì chứng tỏ tài nghệ của mình, ông quyết định chui háng tên vô lại bất chấp mọi người xung quanh cười nhạo.

Sau này, Hàn Tín thường dùng sự việc này để nhắc nhở mình, làm động lực thực hiện hoài bão. Nói lên tâm đại nhẫn của bậc đại trí. Đó là một tính cách quan trọng của bậc trượng phu nếu muốn dựng nghiệp lớn trong đời.

Video: Hàn Tín chịu nhục chui háng.

Quốc Tiệp

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/han-so-tranh-hung-bo-lo-nhan-vat-nay-hang-vu-mat-co-hoi-thong-nhat-trung-hoa-a444860.html