Hàn - Triều hậu Thế vận hội PyeongChang

Ngày 26-2, gần 300 người Triều Tiên, trong đó có 22 vận động viên và 229 cổ động viên, đi qua biên giới giữa hai miền để trở về nước sau khi tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc, kết thúc sự kiện thể thao toàn cầu kéo dài 17 ngày này. Sự kiện lịch sử đưa họ đến với nhau lần đầu tiên trong nhiều năm qua đã kết thúc. Nhiều người lạc quan hy vọng, qua hơn 2 tuần tiếp xúc thân thiện, hai nước sẽ vượt ra khỏi tầm Thế vận hội, cùng nhau bắt tay tiến tới hòa bình. Nhưng điều này đã không xảy ra.

Đội tuyển Olympic Hàn Quốc và Triều Tiên cùng nhau diễu hành dưới lá cờ thống nhất hai miền trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông PyeongChang. Ảnh: CNN

“Hai nước này về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh và nội bộ Hàn Quốc vẫn chia rẽ về cách thức giải quyết vấn đề này, cũng như chưa có sự đồng thuận thực sự tại Mỹ về cách thức đối phó với Triều Tiên”, ông Andrew O’Neil, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Griffith ở Australia, nhận định. Theo ông O’Neil, hai bên có thể sẽ nối lại các cuộc thảo luận, nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đàm phán với Bình Nhưỡng đạt tiến triển cũng như bằng cách nào Hàn Quốc có thể thuyết phục Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán.

Không rõ liệu Bình Nhưỡng, vốn rất hài lòng với chiến thắng ngoại giao trong suốt 2 tuần của Thế vận hội, có tiếp tục các cuộc thử tên lửa cũng như những lời hùng biện mạnh mẽ nhằm vào Hàn Quốc, cũng như Mỹ hay không. Một số chuyên gia cho rằng, việc tham gia Thế vận Hội đã cho Bình Nhưỡng thêm thời gian quý báu để phát triển chương trình hạt nhân và việc tiếp tục các vụ phóng tên lửa khác chỉ còn là vấn đề thời gian. Đã nhiều tháng trôi qua kể từ khi Triều Tiên thử tên lửa, và một số người tin rằng, Bình Nhưỡng sẽ nhanh chóng bộc lộ mối đe dọa của mình bằng cách tiếp tục thử nghiệm bom nhiệt hạch.

Một vấn đề khác cần quan tâm là liệu những tiến bộ ngoại giao có bị xóa sổ khi Mỹ tiếp tục xem xét các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.

Đàm phán với Mỹ?

Cho đến nay, Triều Tiên vẫn chưa lên tiếng về tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng, Bình Nhưỡng sẵn sàng nói chuyện với Mỹ. Ông Moon cho biết, ông đã gặp Phái đoàn Triều Tiên tại PyeongChang trước lễ bế mạc Thế vận hội mùa Đông và nói với họ rằng các cuộc đàm phán Triều Tiên-Mỹ nên diễn ra “càng sớm càng tốt”. Trong một tuyên bố hôm 25-2, ông Moon cho biết, Triều Tiên đã đồng ý rằng “mối quan hệ liên Triều và mối quan hệ Triều Tiên-Mỹ nên phát triển cùng nhau”.

Giáo sư O’Neil nhận xét: “Chúng ta không nên cho rằng Bình Nhưỡng nghiêm túc bởi vì chính những người Triều Tiên chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào cho thấy họ sẵn lòng đưa chương trình hạt nhân, tên lửa lên bàn đối thoại. Nên nhớ rằng đây là điều kiện tiên quyết của Mỹ đối với bất kỳ cuộc đối thoại có ý nghĩa nào”. Nhà Trắng đáp lại một cách thận trọng đối với tuyên bố của Tổng thống Moon. “Chúng tôi sẽ xem những thông điệp của Bình Nhưỡng hôm nay về việc sẵn sàng tổ chức các cuộc hội đàm là những bước đầu tiên trên con đường phi hạt nhân hóa. Trong thời gian chờ đợi, Mỹ và thế giới phải tiếp tục làm rõ rằng các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã kết thúc”, tuyên bố của Nhà Trắng cho biết.

Thắng lợi về mặt tuyên truyền

Theo chuyên gia Joseph Siracusa, giáo sư về an ninh con người và ngoại giao quốc tế tại Đại học RMIT ở Melbourne, Australia, Thế vận hội lần này là “một thắng lợi về mặt tuyên truyền” đối với Bình Nhưỡng.

Quan trọng hơn hết, theo chuyên gia Siracusa, sự xuất hiện thành công của Triều Tiên tại Thế vận hội cũng gây sự chia rẽ ngay trong nội bộ Hàn Quốc, giữa phe muốn thống nhất hai miền và phe phản đối. “Người Triều Tiên muốn thống nhất, nhưng theo các điều kiện của họ. Người Hàn Quốc cũng muốn như vậy hơn là một cuộc chiến tranh hạt nhân và điều đó làm phức tạp mối quan hệ giữa Hàn- Mỹ”, ông Siracusa nhận xét. “Tôi nghĩ điều này sẽ gây phức tạp cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Moon Jae-in, đặc biệt trong việc hợp tác với Mỹ”, ông tiếp tục.

Cái khó của ông Moon

Ông Moon, từng tuyên bố, ông muốn được nhớ đến như một nhà lãnh đạo “xây dựng mối quan hệ hòa bình giữa hai miền Nam - Bắc”, giờ đây phải cân bằng giữa những tham vọng của ông về hòa bình với việc người dân trong nước không hài lòng và sự không thoải mái của đồng minh Washington. Một cuộc thăm dò của Đại học Seoul hồi tháng 1 cho thấy, chỉ có 4 trong số 10 người được hỏi cho rằng, thống nhất hai miền là cần thiết.

Trong khi hoan nghênh sự tiến bộ giữa hai nước, tuần trước, ông Moon đã cảnh báo về việc chuyển động quá nhanh tiến tới đàm phán để đáp ứng những người “thiếu kiên nhẫn”. Ông cho rằng, trong khi Nam- Bắc sẽ di chuyển từ từ tiến tới tổ chức các cuộc đàm phán, con đường dẫn tới bất kỳ sự hòa giải nào cũng sẽ phải đi qua Washington. “Tôi hy vọng điều này sẽ giúp cải thiện mối quan hệ liên Triều - không chỉ quan hệ liên Triều, mà chúng tôi cũng tin rằng đã có sự đồng thuận ngày càng tăng về nhu cầu đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên”, ông Moon cho biết.

Tổng thống Hàn Quốc tiếp tục khẳng định quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, Triều Tiên sẽ phải tiếp tục đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ cho đến khi quy phục. Hôm 23-2, Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với 27 thực thể và 28 tàu của Triều Tiên. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho hay, động thái này nhằm mục đích ngăn chặn các hoạt động buôn lậu hàng hải bất hợp pháp của Triều Tiên.

“Đây không phải là điều mới mẻ trong chính sách của Mỹ, nhưng đó là phép thử thực tế quan trọng thời hậu Thế vận hội Mùa đông và hy vọng, mối quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn có thể bước vào giai đoạn mới”, ông O’Neil nhận định. Các nhà phân tích cho rằng, mối liên hệ giữa Mỹ-Hàn là điều Triều Tiên đang cố gắng phá vỡ. “Tôi nghĩ rằng, tham gia Thế vận hội là cách Triều Tiên đẩy lùi viễn cảnh hành động quân sự từ Mỹ, bởi vì chừng nào Bình Nhưỡng còn giữ mối quan hệ với Seoul, Washington không thể phóng tên lửa”, ông O’Neil cho biết. Thế vận hội cũng cho phép Triều Tiên tiếp tục tìm kiếm nguồn tài trợ từ Seoul, trong bối cảnh phải đấu tranh với các biện pháp trừng phạt.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_179563_ha-n-trie-u-ha-u-the-va-n-ho-i-pyeongchang.aspx