Hãng bột giặt 50 năm tuổi lãi cao kỷ lục sau khi về tay Masan

Công ty Bột giặt NET báo lợi nhuận 42 tỷ đồng trong quý II, mức cao nhất từ khi công bố báo cáo tài chính vào năm 2009. Masan đã mua lại doanh nghiệp này hồi tháng 2.

Báo cáo tài chính quý II của Công ty Cổ phần Bột giặt NET cho thấy kết quả tăng trưởng ngoạn mục của doanh nghiệp sau khi sáp nhập vào Masan.

Trong 3 tháng qua, Bột giặt NET ghi nhận doanh thu 369 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ 2019. Hiệu quả kinh doanh của công ty cũng cải thiện rõ rệt khi biên lợi nhuận gộp tăng từ 19% lên 23%.

Tổng chi phí trong kỳ của doanh nghiệp chỉ tăng 16%. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế của Bột giặt NET tăng trưởng mạnh 121%, đạt 42 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của Bột giặt NET trong một quý từ khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính vào năm 2009.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty con của Masan đạt doanh thu 726 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 74 tỷ. So với kỳ kế toán bán niên 2019, hai chỉ tiêu này của công ty tăng lần lượt 36% và 111%.

So với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 1.300 tỷ và 86 tỷ đồng của năm 2020, Bột giặt NET đã hoàn thành 56% chỉ tiêu doanh thu và 98% mục tiêu lãi chỉ sau 1/2 thời gian.

Công ty Bột giặt NET được thành lập vào năm 1968, là một trong các doanh nghiệp nội địa lớn về sản phẩm chăm sóc gia đình tại thị trường Việt Nam. Hai thương hiệu bột giặt phổ biến nhất của công ty là NET và NETSOFT.

Hồi tháng 2, Tập đoàn Masan thông qua công ty con Masan HPC hoàn tất mua lại Bột giặt NET khi chi khoảng 550 tỷ đồng để sở hữu 52% cổ phần của hãng bột giặt này với giá 48.000 đồng/cổ phiếu, tương đương định giá doanh nghiệp khoảng 46 triệu USD.

Ngoài các thương hiệu riêng, Bột giặt NET còn là đối tác chiến lược của Unilever trong việc cung ứng các sản phẩm chất tẩy rửa như OMO, Surf, Sunlight, VIM. Công ty cũng xuất khẩu bột giặt, nước rửa chén, nước giặt, nước tẩy đa năng đi Australia, Nhật Bản, New Zealand và thị trường các nước ASEAN, châu Mỹ, châu Phi.

Thị phần hiện tại của NETCO trong ngành hàng bột giặt là 1,5%. Đây là con số tương đối khiêm tốn nếu so sánh với các đại gia ngoại như Unilever với 54,9% thị phần, Procter & Gamble (P&G) với 16% thị phần.

Sau khi mua lại Bột giặt NET, Masan cho biết đây là điểm khởi đầu trong chiến lược mở rộng danh mục sản phẩm. Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đang hướng tới việc xây dựng nền tảng đa dạng hóa các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình.

Việt Đức

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-bot-giat-50-nam-tuoi-lai-cao-ky-luc-sau-khi-ve-tay-masan-post1108369.html