Hàng chục cây rừng ở Tà Cú bị chết vì hóa chất lạ

Ít nhất có khoảng 170 cây rừng, có đường kính từ 0,06 – 0,24 m đã bị kẻ gian chặt, dùng hóa chất đổ vào vết chặt để cho cây chết dần, chết mòn… Song, hiện nay vẫn chưa truy tìm được thủ phạm 'đầu độc' cây rừng này.

Hình ảnh một vết chặt điển hình mà các đối tượng phá hoại đã chặt chém, rồi đổ hóa chất "lạ" vào thân cây ... Ảnh: T.C

Nguồn tin từ ông Võ Hữu Phương - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú (tỉnh Bình Thuận) - cho biết: Trong các ngày 12 và 15.9 vừa qua, tại khu vực 302 A, rừng Tà Cú, đã xảy ra 2 vụ phá rừng mang tính chất rất nghiêm trọng.

Những đối tượng phá rừng đã có hành vi, thủ đoạn hết sức tinh vi. Lợi dụng lúc trời mưa, vào ban đêm, các đối tượng dùng cưa máy vào rừng cắt, hạ cây; hoặc dùng dao rựa chặt, chém vào thân cây, tạo ra vết hở… Kế đó, các đối tượng sử dụng hóa chất “lạ” đổ vào vết chặt, dần dà, khiến cho cây rụng lá và chết khô theo thời gian…

Qua kiểm tra, Ban quản lý đã xác định có 80 cây bị tác động đã chết; 91 cây bị tác động chưa chết. Các cây trên có đường kính từ 0,06m - 0,24m, thuộc chủng loại sến, cóc, vừng… Hiện Ban quản lý rừng Tà Cú đang cử lực lượng bảo vệ rừng phối hợp với kiểm lâm địa bàn tham mưu chính quyền địa phương tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc.

Theo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, rừng Tà Cú có diện tích hơn 10.500 ha. Thời gian gần đây, do nhu cầu cần đất trồng thanh long gia tăng, nên xảy ra tình trạng người dân phá rừng để lấy đất trồng thanh long.

Một góc rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú. Ảnh: T.C

Trong 8 tháng năm 2018, đã xảy ra 53 vụ phá rừng, vi phạm lâm luật ở khu bảo tồn Tà Cú. Cụ thể, 30 vụ trồng thanh long trong Khu bảo tồn với diện tích 17,37 ha; 10 vụ khai thác gỗ; 7 vụ phá rừng và 6 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp. Riêng tại tiểu khu 302A, xảy ra 8 vụ vi phạm.

Theo ông Phương, công tác xử lý hành vi trồng thanh long trong Khu bảo tồn chưa được xử lý dứt điểm đã gây khó khăn chung trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp. Đơn vị có nhiều văn bản, báo cáo nhưng các xã, cơ quan chức năng chưa quan tâm xử lý triệt để. Trước đây, đơn vị có xây dựng phương án chống phá rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp, triển khai thực hiện trong lâm phần được giao nên việc phá rừng chỉ diễn ra rải rác với diện tích nhỏ lẻ. Tuy nhiên, do cây thanh long có giá trị kinh tế cao nên người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp, tự ý chuyển đổi từ cây nông nghiệp ngắn ngày sang cây thanh long trên diện tích rẫy cũ trong Khu bảo tồn ngày càng gia tăng và có khả năng trở thành điểm nóng.

Việc dùng hóa chất để làm chết cây rừng là hành vi hủy hoại rừng rất đặc biệt; Ban quản lý rừng Tà Cú đã đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác định hóa chất được sử dụng, nhằm điều tra đối tượng vị phạm, để xử lý theo quy định của pháp luật.

HOÀNG HƯNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/hang-chuc-cay-rung-o-ta-cu-bi-chet-vi-hoa-chat-la-633226.ldo