Hàng chục ha rừng tự nhiên được... 'cứu': Kịp thời, cần thiết

Nhiều ĐBQH cho rằng, động thái của Bộ NN-PTNT là rất kịp thời, cần thiết, các địa phương cần phải tiếp thu, lắng nghe.

Quyết định bác thẳng đề xuất xin chuyển đổi mục đích rừng phòng hộ để làm dự án của Ninh Bình; đề nghị xem xét thận trọng đề xuất chuyển đổi mục đích rừng làm dự án tại Quảng Nam, Bình Thuận của Bộ NN-PTNT đang nhận được sự đồng tình ủng hộ của ĐBQH.

Cần đánh giá tác động cụ thể từ việc cho phép chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích khác. Ảnh: Phapluatplus

Đại biểu Hồ Thanh Bình (đoàn An Giang) nhấn mạnh, Bộ NN-PTNT là cơ quan quản lý nhà nước, thay mặt nhà nước thực thi các chính sách điều hành, quản lý chung, do đó, các địa phương cần tiếp thu và lắng nghe.

Ông Bình cho hay, cơ sở để Bộ NN-PTNT ra quyết định, kiến nghị địa phương thực hiện có cơ sở, quy định rất rõ ràng. Cụ thể với đề xuất của Ninh Bình, Bộ NN-PTNT đã dẫn điểm b khoản 3 Điều 41a bổ sung (khoản 2 Điều 1) Nghị định số 83 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156 của Chính phủ quy định và khẳng định Không chuyển rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sang mục đích khác để triển khai các hoạt động khoáng sản.

Vì điểm này, Bộ đã không đồng ý với đề xuất xin chuyển đổi mục đích sử dụng 38,17 ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi, như vậy là phù hợp.

Tiếp theo với Quảng Nam, Bình Thuận, Bộ này cũng cảnh báo cần phải xem xét, cân nhắc thận trọng việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án điện gió hay dự án sâm Ngọc Linh là rất kịp thời và cần thiết.

"Các địa phương cần lắng nghe, cân nhắc để tránh xảy ra tình trạng phá rừng làm dự án rồi đến vài năm, vài chục năm sau xảy ra chuyện này chuyện kia mới chạy theo để sửa.

Ở đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn liên quan tới sinh mạng, tới sự an nguy của người dân xung quanh khu vực này nói riêng cũng như vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung, do đó, các địa phương cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những cảnh báo đã đưa ra", vị đại biểu nhấn mạnh.

Cần làm rõ chức năng từng loại rừng

Bàn thêm về những tranh luận nóng trên nghị trường Quốc hội những ngày qua liên quan tới vấn đề giữ rừng phòng hộ và trồng rừng thay thế, vị ĐBQH cho rằng còn nhiều vấn đề phải xem xét.

Trước hết, là những câu hỏi về mối liên quan giữa sự tác động của người, việc phá rừng làm thủy điện, để mất rừng với những nguy cơ gây sạt lở, lũ lụt liên tiếp xảy ra thời gian qua tại miền Trung, đây là vấn đề cần phải được nghiên cứu, đánh giá rất khoa học để có câu trả lời rõ ràng cho người dân, dư luận biết.

Kết quả đánh giá, cũng là cơ sở cung cấp thêm các dữ liệu khoa học thực tế cho các cơ quan quản lý nhà nước, giúp các cơ quan quản lý đưa ra được cái nhìn tổng quan nhất về hiện trạng, chức năng cũng như những tác động của rừng tới công tác phòng hộ, giảm thiểu thiên tai lũ lụt. Qua đó, cũng sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng quy hoạch về phát triển kinh tế cũng như chiến lược phát triển và bảo vệ rừng sát với thực tế hơn.

"Mục đích cuối cùng trong chiến lược quy hoạch, phát triển bảo vệ rừng cũng chính là để bảo vệ chính đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân, là đang bảo vệ, giữ gìn chính cuộc sống của mỗi người dân.

Tất nhiên, để giải quyết yêu cầu của Việt Nam trong bối cảnh vừa thúc đẩy phát triển kinh tế vừa bảo đảm gìn giữ môi trường sinh thái bền vững cho đất nước là bài toán không dễ. Nhưng đây là việc bắt buộc phải làm", ông Bình nói.

Đề cập thêm tới ý kiến cho rằng, xu hướng chạy theo hệ số che phủ rừng, coi tỉ lệ che phủ rừng là thành tích dẫn tới sự nhập nhèm, tạo kẽ hở trong quản lý. Đây là nguyên nhân khiến nhiều diện tích rừng đặc dụng bị chặt phá, khai thác, rừng phòng hộ nghèo kiệt bị chuyển sang mục đích khác.

Đồng tình với việc phải phân biệt rất rõ đặc tính cũng như chức năng của từng loại rừng để có phương án bảo vệ cho hiệu quả, ông Bình nhấn mạnh, rừng tự nhiên dù nghèo kiệt nhưng nó vẫn là một hệ sinh thái đa dạng, với nhiều loại cây, có nhiều chức năng khác nhau. Cụ thể là chức năng về đa dạng sinh học, chức năng về khả năng tái tạo, hồi sinh đất, chức năng phòng hộ, điều tiết nước, giảm thiểu những nguy cơ lũ lụt.

"Vì thế cần có đánh giá rất cụ thể về chức năng của loại rừng tự nhiên nghèo kiệt này so với rừng trồng trước khi đưa ra những phương án chuyển đổi mục đích sử dụng", ông Bình nói.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/hang-chuc-ha-rung-tu-nhien-duoc-cuu-kip-thoi-can-thiet-3422866/