Hàng chục ngàn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang

Chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM, đã có ít nhất 18.000 căn hộ tái định cư hoàn thiện đang bị bỏ hoang, mỗi năm, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng ngân sách Nhà nước để bảo trì, bảo dưỡng…

Khu tái định cư Bình Khánh - ảnh minh họa

Khu tái định cư Bình Khánh - ảnh minh họa

Tại các đô thị lớn, thực trạng hàng chục ngàn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang không chỉ làm lãng phí ngân sách Nhà nước mà còn tạo ra “bức tranh” phản cảm trong bối cảnh nhu cầu nhà ở không ngừng gia tăng, nhưng nguồn cung khan hiếm và giá nhà liên tục tăng cao, vượt quá nhu cầu chi trả của đại đa số người dân đô thị.

ĐẦU TƯ HÀNG NGÀN TỶ ĐỒNG, ĐỂ … XUỐNG CẤP

Theo ghi nhận của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện tượng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang không còn hiếm gặp tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...

Nhiều khu tái định cư có tỷ lệ lấp đầy rất thấp, thậm chí có những tòa nhà không có người ở. Các tòa nhà xây dựng với quy mô lớn, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại bị bỏ không, hoặc sử dụng không hiệu quả khiến toàn bộ hạ tầng và các hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng.

Tại Hà Nội, báo cáo của UBND thành phố cho thấy hiện có 174 khu nhà tái định cư đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn và khoảng 4.000 căn chung cư đang bị bỏ hoang. Nhiều dự án tái định cư có người dân về ở, có diện tích kinh doanh dịch vụ cũng vẫn bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.

Tương tự, thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho biết hiện, trên địa bàn thành phố có hơn 14.000 căn hộ tái định cư bỏ trống, tập trung nhiều nhất tại khu tái định cư Bình Khánh (quận 2) với hơn 12.000 căn hộ và tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với hơn 2.000 căn hộ...

Lý giải về tình thực trạng này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS phân tích: do nhiều khu tái định cư được xây dựng ở những khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích và dịch vụ công cộng. Điều này làm giảm sức hấp dẫn và gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển và sinh hoạt. Một số dự án tái định cư gặp vấn đề về chất lượng xây dựng như vật liệu kém chất lượng, thiết kế không hợp lý và thi công không đạt chuẩn. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến an toàn của cư dân mà còn làm giảm giá trị của các căn hộ, khiến người dân không muốn chuyển đến.

Bên cạnh đó, nhiều khu tái định cư thường thiếu hạ tầng cơ bản như trường học, bệnh viện, chợ, và hệ thống giao thông..., làm giảm chất lượng sống và sự tiện lợi cho cư dân. Ngoài ra, mức đền bù chưa thỏa đáng và chính sách tái định cư theo Luật Đất đai hiện hành còn chưa hợp lý khiến nhiều người dân không muốn chuyển đến nơi ở mới hoặc không đủ khả năng để sống tại các khu tái định cư vì toàn bộ số tiền được đền bù không đủ để mua suất tái định cư được giao.

CẦN GIẢI PHÁP “ĐÁNH THỨC” CĂN HỘ BỎ HOANG

VARS cho rằng việc hàng chục nghìn căn hộ “để không” trong khi nhiều người dân không có nhà ở là hiện tượng bất hợp lý. Do đó, kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng có các giải pháp “đánh thức" loại hình này để tránh lãng phí tài nguyên đất đai, cải thiện nguồn cung, nâng cao chất lượng sống của người dân và phát triển đô thị bền vững.

Theo VARS, để giải quyết tình trạng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, cần thực hiện đồng bộ một loạt các biện pháp cụ thể.

Thứ nhất, cơ quan quản lý Nhà nước cần có kế hoạch quy hoạch rõ ràng và hợp lý hơn khi chọn vị trí xây dựng các khu tái định cư. Các khu vực này cần được kết nối tốt với trung tâm thành phố và có đầy đủ hạ tầng, dịch vụ công cộng như trường học, bệnh viện, chợ, và các tiện ích khác.

Thứ hai, cần có cơ quan giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng, các dự án tái định cư cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn xây dựng để đảm bảo chất lượng và an toàn.

Thứ ba, thúc đẩy thời gian có hiệu lực của Luật Đất đai mới với các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thuộc trường hợp Nhà nước thu đất.

Thứ tư, khuyến khích người dân được tham gia vào quá trình quy hoạch và phát triển các dự án tái định cư, nhằm đảm bảo các dự án tái định cư được phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế và đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng.

Đối với các dự án căn hộ tái định cư đang triển khai, Nhà nước cần nhanh chóng rà soát, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chậm triển khai. Đối với các dự án đã hoàn thiện và chưa được sử dụng, có kế hoạch đấu giá để thu hồi vốn, lãnh đạo các thành phố cần nghiên cứu mức giá bán phù hợp hơn.

Bên cạnh quỹ nhà bán đấu giá, Nhà nước có thể nghiên cứu ghép nhà tái định cư và nhà ở xã hội cùng một phân khúc. Việc chuyển đổi sang nhà ở xã hội phải bảo đảm phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.

Ngoài ra, cho thuê cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng bỏ hoang và sử dụng không hiệu quả các tài sản này. Nhà nước cần có các quy định rõ ràng và đồng bộ về việc cho thuê nhà tái định cư, đảm bảo quyền lợi của cả người cho thuê và người thuê. Các quy định này bao gồm mức giá thuê, thời hạn thuê, và các điều kiện thuê cụ thể.

Song song với đó là cải thiện công tác quản lý và bảo trì tại các khu tái định cư, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và các tiện ích công cộng tại các khu tái định cư để khuyến khích người dân chuyển đến sinh sống. Đồng thời, áp dụng các chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho người dân khi cho thuê nhà tái định cư, chẳng hạn như miễn giảm thuế, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, và các khoản trợ cấp khác.

Bà Phạm Thị Miền, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, xúc tiến đầu tư VARS:

"Dữ liệu nghiên cứu của VARS chỉ ra, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở, đặc biệt là phân khúc căn hộ đang sụt giảm nghiêm trọng. Số lượng dự án được phê duyệt mới ngày càng khan hiếm, trong khi các dự án đang triển khai “chật vật" bởi các vướng mắc liên quan đến pháp lý và nguồn vốn. Trung bình mỗi năm, ước tính mỗi đô thị đặc biệt thiếu hụt ít nhất 50.000 căn hộ. Bởi vậy, việc hàng chục nghìn căn hộ “để không” trong khi nhiều người dân không có nhà ở là hiện tượng bất hợp lý".

Phan Nam

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hang-chuc-ngan-can-ho-tai-dinh-cu-bi-bo-hoang.htm