Hàng chục trại gà, heo vây khu dân cư, xả thải trực tiếp ra môi trường

Nhiều trang trại nuôi heo, gà ở thôn 3, xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột) xả trực tiếp phân, nước thải ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Hàng chục hộ dân sống tại đường I và K thuộc thôn 3, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vừa gửi đơn đến cơ quan chức năng phản ánh tình trạng ô nhiễm của các trang trại nuôi gà, heo trên địa bàn.

Theo đơn, những năm gần đây các hộ dân xây dựng chuồng trại nuôi gà, heo ngay trong khu dân cư với số lượng hàng nghìn con. Tuy nhiên, các chủ trang trại không có biện pháp xử lý nên xảy ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông Đặng Văn Khang (sống tại đường K) cho biết hàng ngày người dân phải hít mùi hôi thối từ những trang trại quanh nhà.

“Người già và trẻ em thường xuyên bị các bệnh về đường hô hấp, viêm phổi. Chỉ trong một tuần mà cháu tôi phải mất gần 3 triệu tiền chữa bệnh liên quan đến đường hô hấp. Nhà lúc nào cũng phải đóng kín cửa, bức bối, khó chịu vô cùng", ông Khang nói.

Trang trại gà nằm gần nhà dân xả thải, bốc mùi hôi thối. Ảnh: Minh Lộc.

Trang trại gà nằm gần nhà dân xả thải, bốc mùi hôi thối. Ảnh: Minh Lộc.

Theo ghi nhận, không chỉ ở đường I và K mà nhiều nơi ở thôn 3, xã Cư Êbur có rất nhiều trang trại chăn nuôi heo, gà. Các trại chăn nuôi đều nằm trong khu vực dân cư nhưng không có các biện pháp xử lý ô nhiễm mà cho xả thải trực tiếp ra môi trường.

Không chỉ vậy, sát trường mầm non và trường tiểu học cũng có một trại gà tồn tại từ nhiều năm nay, gây mùi hôi thối.

Theo bà H'Luanh Êban, Phó chủ tịch UBND xã Cư Êbur, việc chăn nuôi ở địa phương phát triển từ nhiều năm nay.

"Xã có 47 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, 8 hộ chăn nuôi xa khu dân cư. Địa phương đã xử phạt hành chính các trường hợp gây ô nhiễm và yêu cầu các chủ trang trại không tái diễn”, bà H’Luanh nói.

Phân, nước thải từ trại nuôi heo đổ thẳng ra môi trường gây ô nhiễm. Ảnh: Minh Lộc.

Theo vị Phó chủ tịch, địa phương đã có khu quy hoạch chăn nuôi nhưng chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng nên không thể di dời các trang trại.

“Chăn nuôi là nguồn thu nhập chính của một số hộ dân nên việc vận động di dời hay đóng cửa trang trại rất khó. Trong tuần tới, xã sẽ cho cán bộ kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm", bà H'Luanh khẳng định.

Cũng theo bà H'Luanh, xã Cư Êbur đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018. Trên thực tế tiêu chí về vệ sinh môi trường vẫn chưa đạt.

Xã Cư Êbur (khoanh đỏ). Ảnh: Google Maps.

Tây Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hang-chuc-trai-ga-heo-vay-khu-dan-cu-xa-thai-truc-tiep-ra-moi-truong-post949774.html