Hàng dài người đến tiễn đưa cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Tang lễ của ông Shinzo Abe, vị thủ tướng từng tại vị lâu năm nhất Nhật Bản, bắt đầu vào lúc 11h ngày 12/7 (giờ Việt Nam) tại ngôi đền cổ Zojoji ở trung tâm Thủ đô Tokyo, với sự tham gia của các thành viên trong gia đình và những người thân cận với cố Thủ tướng, cùng một số vị khách trong nước và quốc tế.

Bất chấp trời mưa, từ sáng sớm, hàng nghìn người đã tới đền thờ Zojoji, nơi đặt linh cữu cố Thủ tướng Shinzo Abe, để bày tỏ lòng kính trọng đối với nhà lãnh đạo quá cố.

Sau khi nghi thức tang lễ kết thúc, khoảng 14h30, linh cữu ông được di chuyển từ đền thờ Zojoji qua một số địa điểm quan trọng trong trung tâm thành phố như quận Nagatacho, trụ sở đảng Dân chủ Tự do (LDP), trụ sở Quốc hội và Văn phòng Thủ tướng nơi ông từng lãnh đạo đất nước trong hai nhiệm kỳ. Sau đó, đoàn xe đã đưa thi hài ông đến nhà tang lễ Kirigaya để hỏa táng vào cuối ngày 12/7.

Hàng dài người dân tiễn đưa cố Thủ tướng Shinzo Abe về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: Reuters

Hàng dài người dân tiễn đưa cố Thủ tướng Shinzo Abe về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, tại Đại sứ quán Nhật Bản ở nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Pháp, Việt Nam… lãnh đạo và người dân đã đến viếng và chia buồn cùng Chính phủ và nhân dân Nhật Bản. Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cho biết, đến thời điểm hiện tại có 1.700 bức điện từ 259 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức trên thế giới gửi lời chia buồn cùng Nhật Bản và gia quyến cố Thủ tướng Shinzo Abe.

Trước đó, ngày 11/7 đã có khoảng hơn 2.500 người, trong đó có Thủ tướng Kishida Fumio, Phó Chủ tịch đảng LDP Aso Taro, nguyên Thủ tướng Suga, các nghị sĩ, đại diện các quốc gia, vùng lãnh thổ… đến viếng tại đền thờ Zojoji.

Chính phủ Nhật Bản cùng ngày đã quyết định truy tặng cố Thủ tướng Shinzo Abe Huân chương Hoa cúc (Huân chương cao quí nhất của Nhật Bản). Trước đó, chỉ có 3 cựu Thủ tướng là Yoshida Shigeru, Sato Eisaku, và Nakasone Yasuhiro được trao tặng Huân chương này. Chính phủ Nhật Bản cũng đã quyết định treo cờ rủ tại văn phòng Chính phủ và trụ sở đảng LDP để tưởng nhớ cố Thủ tướng Shinzo Abe.

Việc có tổ chức quốc tang hay không vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Trong những ngày này, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, nhiều nhà lãnh đạo, chuyên gia… tiếp tục có những bình luận đánh giá cao đóng góp của cựu Thủ tướng Shinzo Abe đối với sự phát triển của Nhật Bản và sự ổn định, thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Sự ra đi bất ngờ của ông đã khiến thế giới bàng hoàng, tiếc thương vì nhà lãnh đạo tài ba này chính là người đã mang lại nhiều thay đổi cho “đất nước Mặt trời mọc” và là người khởi xướng của nhiều sáng kiến an ninh khu vực. Trong lần đầu tiên giữ vai trò Thủ tướng Nhật Bản vào tháng 9/2006, ông Shinzo Abe đã khởi xướng Đối thoại An ninh Bốn bên - một cuộc đối thoại an ninh chiến lược có sự tham gia của 4 nước, gồm: Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ (thường gọi là nhóm Bộ tứ). Tuy nhiên, tháng 9/2007, ông đã phải từ chức thủ tướng vì lý do sức khỏe. Trong lần thứ hai lên nắm quyền vào tháng 12/2012, ông đã triển khai gói chính sách kinh tế mới với tên gọi Abenomics, mà nhiều nội dung trong gói chính sách này đã được hai thủ tướng sau này là ông Suga Yoshihide và ông Kishida Fumio kế thừa và triển khai trên thực tế. Đây là một tập hợp các biện pháp cải cách tiền tệ, tài chính, cơ cấu kinh tế hướng tới thúc đẩy tăng trưởng và đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài trong nhiều thập niên. Việc triển khai Abenomics đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ như đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi vòng xoáy giảm phát, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 26 năm và tạo ra giai đoạn tăng trưởng liên tục dài thứ hai trong lịch sử thời hậu chiến cho Nhật Bản với 71 tháng tăng trưởng liên tiếp.

Trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Shinzo Abe cũng chủ trương mở cửa với các lao động, nhà đầu tư và khách du lịch nước ngoài nhiều hơn bao giờ hết, đồng thời chứng minh rằng một nền kinh tế phát triển vẫn có thể tăng trưởng bất chấp việc dân số ngày càng giảm và già hóa. Nhờ vậy, số lượng người nước ngoài ở Nhật Bản đã liên tục tăng trong tám năm liên tiếp, từ hơn 2,033 triệu người năm 2012 lên 2,933 triệu người vào năm 2019. Bên cạnh đó, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, du lịch là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp lớn cho kinh tế Nhật Bản. Mặt khác, Thủ tướng Shinzo Abe đã giúp củng cố và nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước. Ông đóng góp rất lớn vào việc thay đổi cách diễn giải trong hiến pháp hiện hành nhằm cho phép Lực lượng Phòng vệ (SDF) tham gia hoạt động phòng thủ tập thể để bảo vệ đồng minh trước các cuộc tấn công vũ trang và mở rộng vai trò của SDF trong luật an ninh mới. Đây được coi là những bước ngoặt quan trọng trong chính sách an ninh của Nhật Bản thời hậu chiến.

Trên lĩnh vực đối ngoại, Thủ tướng Shinzo Abe đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có việc củng cố quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, vốn đã bị rạn nứt dưới thời các chính quyền trước đó của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) và tăng cường quan hệ của Nhật Bản với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, ông đã giúp nâng cao vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế thông qua các hoạt động và sáng kiến an ninh khu vực quan trọng. Ngoài Đối thoại An ninh Bốn bên, cố Thủ tướng Shinzo Abe cũng được coi là người đề xướng ý tưởng về “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Ông đã lần đầu tiên đề cập tới ý tưởng này trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ sáu ở Kenya vào tháng 8/2016.

Riêng đối với LDP, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe, liên minh cầm quyền giữa LDP và Đảng Công minh giành thắng lợi trong sáu cuộc bầu cử quốc gia liên tiếp. Nhờ vậy, cố Thủ tướng Shinzo Abe đã trở thành vị thủ tướng có thời gian tại nhiệm liên tục dài nhất Nhật Bản, vượt qua kỷ lục của Thủ tướng Eisaku Sato - người đã từng giữ vị trí này trong 2.798 ngày liên tiếp từ ngày 9/11/1964 đến 7/7/1972. Sau khi rời nhiệm sở, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động chính trị. Vào tháng 11 năm ngoái, ông đã trở thành lãnh đạo của Seiwa Seisaku Kenkyukai - phái lớn nhất trong LDP. Trong vai trò này, ông đã có nhiều đóng góp cho quá trình hoạch định chính sách của Nhật Bản. Sự ra đi của ông đã để lại sự tiếc nuối lớn trong lòng người dân Nhật Bản và nhân dân thế giới.

Khổng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/hang-dai-nguoi-den-tien-dua-co-thu-tuong-nhat-ban-shinzo-abe-i660203/