Hàng dệt may Việt và hướng đi khẳng định vị thế trên sân nhà

Có thể nói, trong nhiều năm qua, ngành dệt may Việt Nam luôn thành công trong việc đẩy mạnh xuất khẩu ra các nước với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đều qua các năm. Tuy nhiên, có một thực tế khá mâu thuẫn là tại thị trường trong nước, các DN lại chưa chiếm lĩnh được sân nhà và các hãng thời trang nước ngoài đang giữ ưu thế.

Sự kiện Uniqlo, một thương hiệu bán lẻ thời trang toàn cầu đến từ Nhật Bản vừa chính thức công bố mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM vào cuối năm nay như một lời khẳng định về sức hút của thị trường tiêu dùng hàng dệt may trong nước. Với quy mô ba tầng, tổng diện tích hơn 3.000m2, toàn bộ dòng sản phẩm Life Wear trên thế giới, dành cho mọi đối tượng sẽ được Uniqlo trưng bày, giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam cũng như khách quốc tế khi đến TP HCM.

Theo đại diện của Uniqlo, với chất lượng tốt, chức năng ưu việt, giá cả hợp lý và luôn được cải tiến là điều kiện tiên quyết để hãng thâm nhập và mở rộng thị phần tại Việt Nam trong thời gian tới. Dự kiến, sau khi khai trương cửa hàng đầu tiên, Uniqlo tiếp tục khảo sát và mở rộng thêm các cửa hàng trong khu vực và các tỉnh, TP khác trên toàn quốc nhằm đáp ứng nhu cầu thời trang của người tiêu dùng. Như vậy, Uniqlo sẽ là thương hiệu thời trang quốc tế thứ 11 có mặt tại Việt Nam sau Zara, H&M,…

Hàng dệt may Việt đã khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế và việc khẳng định được tên tuổi của mình trong con mắt của các khách hàng trong nước được xem là nhiệm vụ không thể bất khả thi.

Hàng dệt may Việt đã khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế và việc khẳng định được tên tuổi của mình trong con mắt của các khách hàng trong nước được xem là nhiệm vụ không thể bất khả thi.

Mặc dù được xem là một trong những nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới nhưng những năm qua, ngành dệt may Việt Nam đã gặp không ít khó khăn trong việc đẩy mạnh sản xuất, phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng ngay tại “sân nhà”, nhất là trước sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt đến từ các tập đoàn nước ngoài.

Nhận thức về vấn đề này, các DN trong nước đã không ngừng đầu tư, cải tiến kỹ thuật, tăng cường tạo mẫu nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), với dân số gần 100 triệu người, mức tiêu dùng hàng dệt may hiện nay chiếm từ 5-6% chi tiêu của người dân Việt Nam, tương đương từ 3,5-4 tỷ USD cho thấy, đây là thị trường rất tiềm năng đối với các DN dệt may.

Để khắc phục thực tế này, Tổng GĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường khẳng định, muốn mở rộng thị phần và phát triển thị trường trong nước cần tính toán kỹ lưỡng cùng bước đi thích hợp, phù hợp năng lực hệ thống phân phối. Thấy DN nước ngoài làm được, chúng ta cũng đầu tư, phát triển ồ ạt thì sẽ không mang lại hiệu quả. Các DN nước ngoài có thế mạnh về tài chính, nguồn nhân lực, phương thức quản trị hiện đại,… Việc mở một vài điểm phân phối mới ở Việt Nam cũng không làm phát sinh thêm bộ máy thiết kế mà chỉ mất tiền thuê cửa hàng, nhân lực bán. Chính vì vậy, họ sẵn sàng bán với giá thấp để người tiêu dùng quen và nhớ tới sản phẩm của hãng đã là thành công. Trong khi các DN trong nước muốn mở được một cửa hàng sẽ tốn kém đủ thứ từ tiền thuê hạ tầng, chi phí đào tạo, thiết kế,… Nếu mở cửa hàng mới ồ ạt, phát triển quá nóng, hàng sản xuất không bảo đảm, phải nhập thêm hàng ngoài độn vào để bán. Lúc đó, rất dễ mất uy tín, mất khách hàng. Thị trường trong nước chắc chắn quan trọng nhưng chúng ta phải “lựa cơm gắp mắm”.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, thị trường thời trang Việt Nam đang có những bước chuyển mình tích cực, không chỉ thể hiện bằng những bước đột phá trong thiết kế mà cả trong tư duy thời trang của khách hàng. Ông Thân Đức Việt, Tổng GĐ Tổng Cty may 10 cho biết, để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước thời gian gần đây, Tổng Cty May 10 đưa ra nhiều sản phẩm thời trang đa phong cách, chủng loại phong phú với nhiều chất liệu, kiểu dáng theo xu thế của thời trang Việt Nam và quốc tế. Những năm qua, ngành dệt may Việt Nam luôn tự hào là một trong ba cường quốc hàng đầu về xuất khẩu hàng dệt may trên thế giới. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, các DN lại bỏ trống sân nhà và nhường đất cho các hãng thời trang nước ngoài. Ý thức về vấn đề nêu trên, vài năm trở lại đây, các DN trong nước đã không ngừng đầu tư, cải tiến kỹ thuật, tăng cường chế tạo mẫu nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm.

Ðề cập vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Ðức Giang cho biết, hiện, Việt Nam có 158 thương hiệu may mặc trong nước, hầu hết các DN đều ý thức được việc mang thương hiệu, bao bì của mình,… vào các sản phẩm và không bị phụ thuộc vào các thương hiệu nước ngoài. Ngành dệt may Việt Nam cũng đang từng bước nâng tỷ lệ nội địa hóa cũng như chú trọng phát triển thị trường trong nước. Trong đó, phải kể đến các chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hay các chương trình đưa sản phẩm dệt may vào khu công nghiệp. Ðồng thời, chủ động được chiến lược phát triển, kêu gọi đầu tư từ các DN dệt trong nước và các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phần cung mà Việt Nam đang thiếu hụt. Mặt khác, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn lực để đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dây chuyền sản xuất từ sợi, dệt nhuộm, may,… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và nhanh của ngành thời trang trong nước và quốc tế.

Có thể nói việc ngành dệt may Việt Nam có thể giành được thắng lợi ngay trên sân nhà không phải không có cơ sở, với sự nỗ lực từ phía cơ quan quản lý, các DN cùng với sự đoàn kết tôn vinh hàng Việt của người tiêu dùng. Việc ngành dệt may Việt sớm thể hiện được “bản lĩnh” của mình trên thị trường sẽ là điều hiển hiện rõ trong tương lai gần, qua đó tạo thành thế mạnh cho việc tôn vinh hàng Việt trong đời sống người tiêu dùng.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hang-det-may-viet-va-huong-di-khang-dinh-vi-the-tren-san-nha-168622.html