Hàng giả,hàng nhái:Từ “vấn nạn” trở thành “thảm họa”

(Toquoc) – “Thực trạng hàng giả, hàng nhái giờ không còn là vấn nạn nữa mà đã là thảm họa”.

Đó là nhận định của TS. Lê Quốc Chí, giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ kỹ thuật Chống hàng giả khẳng định tại buổi họp báo về Chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ nhà sản xuất và người tiêu dùng diễn ra tại TP.HCM sáng nay (20/10).

Các chuyên gia cho rằng, vấn nạn hàng giả, hàng nhái luôn chuyển biến theo nhiều dạng thức khác nhau, rất khó để xử lý triệt để. Giải pháp mạnh nhất hiện nay cũng chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe.

Theo Trung tâm Phát triển Công nghệ kỹ thuật Chống hàng giả, hiện nay, hàng giả, hàng nhái chủ yếu tập trung ở các nhóm hàng như: nước hoa, hàng điện tử, rượu, quần áo, đồng hồ, thuốc chữa bệnh, trang sức, trò chơi điện tử, balo túi xách… Đây là những nhóm hàng luôn có giá trị gia tăng cao, có sức tiêu thụ mạnh, đặc biệt là trong những ngày lễ, tết và dịp mua sắm cuối năm.

Bên cạnh đó, hàng giả, hàng nhái còn “vượt biên” từ nước này sang nước khác. Người làm giả lấy hàng thật từ nước này rồi mang sang nước khác “xào nấu” lại, sau đó bán sang nước thứ ba, khiến cho việc thanh tra, giám sát trở nên bế tắc.

TS. Lê Quốc Chí cho rằng, việc gắn tem chống hàng giả, hàng nhái cũng rất nhiêu khê. Đơn cử như có nhà phân phối sau khi gắn nhãn chống hàng giả thì mặc nhiên nâng giá cao gấp 2, 3 lần giá thị trường, người tiêu dùng vẫn là người cuối cùng bị thiệt hại.

Ngoài ra, tâm lý chung của người tiêu dùng là hễ hàng có tem thì giá nào cũng mua, lợi dụng tâm lý này, cả doanh nghiệp và đơn vị được cấp phép in tem chống hàng giả tha hồ kiếm lợi bằng vô vàn hình thức khác nhau.

(Ảnh minh họa)

Giả cả tem chống giả

Thống kê của Trung tâm Phát triển Công nghệ kỹ thuật Chống hàng giả cho thấy, hiện ở TP.HCM có 30 đơn vị được phép in tem chống hàng giả. Tuy nhiên, con số thực tế lên đến hàng trăm cơ sở in loại tem này.

Nhiều đơn vị có giấy phép in tem chống hàng giả nhưng lại không đứng ra in (do thiếu máy móc, nhà xưởng, công nghệ… ) nên phải thuê nhiều đơn vị khác nhau đảm nhiệm công việc này, khiến cho “đường đi” của tem từ nguyên liệu đến thành phẩm trở nên rối rắm.

Từ việc thiếu minh bạch, thiếu giám sát trong việc in tem chống hàng giả, nhiều đơn vị in “chui” ra đời và tha hồ tung hoành. TS. Lê Quốc Chí khẳng định, hiện trên thị trường đã và đang tồn tại khá nhiều tem chống hàng giả được in lậu và đây là con tem giả mạo.

Ông Chí cho rằng, thị trường hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại một, còn việc lưu hành tem chống hàng giả được in lậu lại gây thiệt hại tới mười. Chính vì vậy, ông Chí kiến nghị, cần đưa tội danh làm giả tem chống hàng giả vào nhóm “Tội phạm có tổ chức đặc biệt nguy hiểm” và phải được xử lý thích đáng.

Theo các chuyên gia, lỗ hỏng của công tác chống hàng giả, hàng nhái xuất phát từ pháp luật hiện hành. Hiện luật chống hàng giả, hàng nhái còn rất nhiều bấp cập, chưa chặt chẽ, chưa cập nhật theo cơ chế thị trường luôn có chiều hướng phức tạp.

Bên cạnh đó, công tác chống hàng giả, hàng nhái như thanh tra, kiểm tra, giám sát còn nhiều yếu kém do lực lượng vừa mỏng vừa thiếu chuyên môn, nghiệp vụ. TS. Lê Quốc Chí đề nghị các ngành, các cấp cần sớm vào cuộc một cách rốt ráo nhằm ngăn chặn thảm họa này, qua đó đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

L.Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Kinh-Te/Hang-Giahang-Nhaitu-Van-Nan-Tro-Thanh-Tham-Hoa.html