Hàng hóa có tỷ lệ nội địa đạt bao nhiêu thì được ghi nhãn 'made in Viet Nam'?

Hàng hóa phải đạt tỷ lệ nội địa 30% và công đoạn sản xuất cuối cùng không phải là những thao tác gia công đơn giản thì mới được coi là 'sản phẩm của Việt Nam'.

Hàng made in Vietnam phải có hàm lượng giá trị gia tăng 30%

Hàng made in Vietnam phải có hàm lượng giá trị gia tăng 30%

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã thông tin tới báo chí, làm rõ nhiều nội dung trong dự thảo Thông tư quy định về hàng sản xuất tại Việt Nam. Ông cũng là người chủ trì Dự thảo Thông tư này.

Tại sao hàm lượng giá trị gia tăng là 30%?

Ngày 1/8 vừa qua, Bộ Công Thương chính thức công bố Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Bản dự thảo Thông tư này được Bộ Công Thương đưa ra lần đầu tiên sau hơn một năm "thai nghén", trong đó quy định hàng hóa phải đạt tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng (VAC) nội địa 30% và công đoạn sản xuất cuối cùng không phải là những thao tác gia công đơn giản thì mới được coi là "sản phẩm của Việt Nam".

Đối với một mặt hàng cụ thể, nếu tiêu chí xác định "hàng hóa của Việt Nam" là VAC 30% thì 30% là ngưỡng thấp nhất mà VAC của hàng hóa đó phải đạt được để được coi là hàng hóa của Việt Nam.

Làm rõ một số ý kiến cho rằng, tại sao đặt ngưỡng hàm lượng giá trị gia tăng là 30% mà không phải ngưỡng cao hơn, ví dụ như 60% của Thụy Sỹ hay 50% của Mỹ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay: Dự thảo Thông tư này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ.

Nhiều sản phẩm chỉ cần đáp ứng hàm lượng giá trị gia tăng 30% đã được các nước bạn hàng công nhận là xuất xứ hàng Việt Nam

“Nhiều người thích viện dẫn Mỹ với Thụy Sỹ mà không biết rằng trong đàm phán với Việt Nam, cả Mỹ, cả Nhật, cả Thụy Sỹ đều tha thiết đề nghị ta áp dụng quy tắc VAC 30% hay chuyển đổi mã số hàng hóa cho tuyệt đại đa số sản phẩm công nghiệp của họ, không ai đề nghị 50% hay 60% cả, trừ đối với một vài mặt hàng cực kỳ nhạy cảm như may mặc, ô tô”, Thứ trưởng nêu rõ.

Nhiều sản phẩm xuất khẩu của ta chỉ cần đáp ứng VAC 30% là được các nước bạn hàng công nhận là xuất xứ Việt Nam. Đặt ra các ngưỡng cao hơn 30% hoặc bổ sung thêm điều kiện không khó, chỉ cần thay 2 chữ số, viết thêm vài câu là xong, nhưng nếu vậy sẽ xuất hiện tình huống oái oăm là cả thế giới công nhận nhưng riêng Việt Nam lại không công nhận một sản phẩm nào đó là sản phẩm của mình.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh

Trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, hàm lượng giá trị gia tăng được gọi "hàm lượng giá trị khu vực" (RVC). Tên gọi này đã thể hiện tính chất "khu vực" của quy tắc xuất xứ, tức là cho phép cộng gộp xuất xứ của các nước thành viên.

Ví dụ, với RVC 40% trong ASEAN thì 1 sản phẩm có 20% giá trị của Thái Lan, 10% của Philippines, 5% của Lào và 5% của Việt Nam sẽ được coi là đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D. Thông tư này quy định chặt hơn. Cụ thể, tỷ lệ giá trị gia tăng 30% nêu tại Thông tư là chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam.

Dự thảo Thông tư "made in Vietnam" quy định chặt hơn, nghĩa là tỷ lệ giá trị gia tăng 30% là chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam. "Như thế nhiều sản phẩm có thể đáp ứng xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D, nhưng chưa chắc đã đủ điều kiện để được coi là hàng hóa của Việt Nam", ông Khánh nêu.

Doanh nghiệp không lo phát sinh chi phí

Nỗi lo tăng thêm chi phí và gia tăng các thủ tục phiền hà cũng là băn khoăn của không ít doanh nghiệp. Tuy vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, với Thông tư này, các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng.

Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua.

Dự thảo Thông tư không quy định bất kỳ một thủ tục hành chính mới nào mà doanh nghiệp phải tuân thủ.

Tuy nhiên, do diện đối tượng chịu tác động của Thông tư là rất rộng, nội dung tương đối phức tạp, Bộ Công Thương rất mong nhận được ý kiến góp ý của đông đảo người dân và doanh nghiệp, nhất là các hộ sản xuất, kinh doanh và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trước hết là về sự cần thiết phải ban hành Thông tư, sau đó là về nội dung của Thông tư và về các tác động có thể có đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đối tượng áp dụng của Thông tư này?

Thông tư này áp dụng cho hàng lưu thông trên thị trường Việt Nam. Vì vậy, về nguyên tắc, Thông tư sẽ áp dụng cho cả hàng nhập khẩu vào Việt Nam.

Nếu hàng nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn mác thể hiện xuất xứ không phải xuất xứ Việt Nam thì khi lưu thông trên thị trường, việc ghi nước xuất xứ sẽ được thực hiện theo Nghị định 43/2017. Thông tư của Bộ Công Thương không điều chỉnh các trường hợp này. Tuy nhiên, nếu hàng nhập khẩu lại gắn sẵn nhãn mác thể hiện đó là "hàng Việt Nam" thì Thông tư này sẽ được áp dụng. Cơ quan chức năng sẽ có quyền yêu cầu người nhập khẩu chứng minh đó là hàng Việt Nam trước khi cho phép hàng hóa được thông quan. Đây là điểm mới, rất đáng lưu ý của Thông tư.

Tại sao Thông tư này lại không áp dụng cho hàng xuất khẩu?

Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng xuất khẩu nên Thông tư này không áp dụng cho hàng xuất khẩu.

Tại sao cần phải áp dụng công thức tính hàm lượng giá trị gia tăng trong suốt một năm tài chính?

Hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam có thể thay đổi do biến động của giá nguyên vật liệu trên thị trường hay do tỷ giá hối đoái thay đổi. Những biến động này có thể chỉ xuất hiện ở một thời điểm nên để bảo đảm công bằng, công thức tính toán được xây dựng dựa trên dữ liệu của năm tài chính.

Với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, có phải cứ đạt hàm lượng giá trị gia tăng trên 30% là được coi là hàng hóa của Việt Nam?

Không nhất thiết. Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy chỉ được coi là hàng Việt Nam khi khâu sản xuất, chế biến cuối cùng diễn ra tại Việt Nam và khâu đó phải làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa, không phải là gia công, chế biến đơn giản như quy định tại Điều 10 của dự thảo Thông tư.

Doanh nghiệp lo ngại về việc tự xác định và ghi nhãn "Sản xuất tại Việt Nam" không biết có đảm bảo chính xác không. Bộ Công Thương có tính đến khả năng Nhà nước có cơ quan đứng ra đánh giá và cấp giấy công nhận để họ yên tâm?

Ban soạn thảo chưa bao giờ tính đến khả năng này bởi cơ chế "đánh giá - công nhận" sẽ thực sự là gánh nặng cho cả doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý. Thông tư này, nếu được ban hành, sẽ do doanh nghiệp tự giác thực hiện. Nhà nước chỉ sử dụng Thông tư để phân xử đúng - sai khi xuất hiện tình huống đòi hỏi phải có sự phân xử đúng - sai, thí dụ như vụ Khaisilk trước đây.

Cây xoài lấy giống từ Thái Lan đem về Việt Nam trồng thì quả xoài có được coi là sản phẩm của Việt Nam không?

Khoản 1 Điều 8 Dự thảo Thông tư quy định: Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam được coi là hàng hóa có xuất xứ thuần túy. Vì vậy, cây xoài mặc dù lấy giống từ Thái Lan nhưng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam thì quả xoài được coi là sản phẩm của Việt Nam.

Thông tư này không áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu. Vậy thì việc gắn nhãn "Made in Viet Nam" trên hàng hóa xuất khẩu sẽ theo quy định nào? Nếu sản phẩm không đáp ứng các tiêu chí của Thông tư này nhưng vẫn gắn nhãn "Made in Viet Nam" để xuất khẩu thì có bị coi là vi phạm không?

Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật giúp xác định xuất xứ của hàng xuất khẩu, cả với thị trường mà ta đã có quan hệ thương mại tự do cũng như những thị trường mà ta chưa có quan hệ thương mại tự do. Hàng xuất khẩu sẽ thể hiện xuất xứ theo các quy định này.

Các sản phẩm từ trước tới nay vẫn được dán nhãn “Made in Viet Nam” hay sử dụng danh xưng "hàng Việt Nam" sẽ được ứng xử ra sao?

Kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành, việc thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa phải tuân thủ các quy định của Thông tư, không có ngoại lệ.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hang-hoa-co-ty-le-noi-dia-dat-bao-nhieu-thi-duoc-ghi-nhan-made-in-viet-nam-d105526.html