Hàng hóa TG sáng 25/4: Giá hầu hết tăng, ngoại trừ dầu, cao su và đường

Phiên giao dịch 24/4 trên thị trường thế giới (kết thúc vào rạng sáng 25/4 giờ VN), giá dầu sụt giảm, trong khi vàng tăng.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm từ mức cao nhất hơn ba năm của phiên trước đó trong bối cảnh dự trữ và sản lượng dầu của Mỹ gia tăng.

Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent giảm 15 US cent (tương đương 0,2%) xuống còn 73,71 USD/thùng, thấp hơn 1,8 USD so với mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 (75,47 USD/thùng) của phiên trước đó; dầu ngọt nhẹ (WTI) giảm 12 US cent (0,2%) xuống còn 67,58 USD/thùng, cũng thấp hơn mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 đã đạt được hồi đầu tháng 4/2018 (69,56 USD/thùng).

Nhiều thương gia cho rằng giá dầu giảm là bởi giới đầu tư bán chốt lời sau khi giá tăng cao trong ngày 24/4.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết tìm kiếm các biện pháp mạnh mẽ hơn đối với Iran. Tại một cuộc họp báo chung, ông Trump đã không nhắc lại đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nhưng ông đã tỏ rõ thái độ tiếp tục theo đuổi quan điểm này.

Trong khi đó, Viện Dầu mỏ Mỹ ngày 24/4 cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 1,1 triệu thùng lên 429,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 20/4/2018. Nhập khẩu dầu thô bằng đường biển của Mỹ đạt mức gần 5 triệu thùng/ngày trong tuần trước, tăng 7% so với tuần trước đó. Ngoài ra, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng hơn 25% kể từ giữa năm 2016 lên mức hơn 10,54 triệu thùng/ngày, cao hơn sản lượng khoảng 10 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia. Trong số các nước sản xuất dầu trên thế giới, chỉ có Nga có sản lượng ao hơn Saudi Arabia với mức xấp xỉ 11 triệu thùng/ngày.

Theo thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Iran hạn chế chương trình hạt nhân, đổi lại, các nước sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Tuy nhiên, sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Trump cảnh báo Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận. Mới đây, ông chủ Nhà Trắng đã ra hạn chót vào ngày 12/5 Anh, Pháp, Đức phải chỉnh sửa một số nội dung trong JCPOA, nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Nhiều nhà phân tích nhận định thời kỳ dư cung cầu bắt đầu diễn ra từ năm 2014 hiện đã đi tới hồi kết do sự gián đoạn nguồn cung trong khi nhu cầu dầu tăng cao. Việc nối lại lệnh cấm vận sẽ ngăn cản Iran xuất khẩu dầu thô và điều này có thể sẽ đẩy giá dầu tăng lên khoảng 5 USD/thùng.

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng trở lại sau 3 phiên giảm trước đó do USD giảm khỏi mức cao nhất 3 tháng và thị trường chứng khoán Mỹ cũng mất điểm.

Giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.330,84 USD/ounce, vàng giao tháng 6 tăng 9 USD (0,7%) lên 1.333 USD/ounce.

Trong vài tuần qua, giá vàng đã được hỗ trợ bởi những lo ngại về tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc, lệnh trừng phạt đối với Nga và bất ổn ở Trung Đông, nhưng đã được kiểm soát bởi triển vọng tăng lãi suất hơn nữa từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Trước đó, giá vàng thế giới đã lao dốc xuống đáy 2 tuần trước áp lực bán tháo và đồng USD bất ngờ tăng mạnh. Những tín hiệu từ nền kinh tế Mỹ và diễn biến quốc tế đã ép giá vàng.

Vàng giảm giá chủ yếu do đồng USD tăng mạnh trên thị trường tiền tệ quốc tế sau một loạt những nhận định lạc quan về nền kinh tế Mỹ. Một số dự báo cho biết, tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể giảm tốc ở quý 1/2018, từ mức 2,9%-3,1% trong 3 quý trước về mức 2%. Những nhận định này ngay lập tức tác động tới dự báo của giới đầu tư theo hướng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm tăng lãi suất. Giới đầu tư đồn đoán Fed có thể sẽ nâng lãi suất thêm ít nhất 3 lần nữa trong năm nay, sau khi đã tăng 1 lần hồi tháng 3. Lãi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ tăng lên 3%, mức cao nhất trong 4 năm. Đây cũng là yếu tố kéo đồng USD đi lên và tác động tiêu cực tới mặt hàng vàng. Mỗi khi lãi suất trái phiếu tăng cao, dòng tiền lại có xu hướng tháo chạy khỏi mặt hàng kim loại quý, vốn không mang lại lợi tức cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trong phiên vừa qua, cổ phiếu và đồng USD đi xuống đã thúc đẩy các nhà đầu tư đổ tiền vào vàng.

Nhà phân tích Simona Gambarini, thuộc Capital Economics, dự báo giá vàng sẽ tiếp tục giao dịch trong biên độ 1.300-1.350 USD/ounce.

Đối với những kim loại quý khác, giá bạch kim tăng 1,6% lên 932,10 USD/ounce. Còn giá bạc tăng 1,2% lên 16,72 USD/ounce sau khi sụt giảm trong phiên trước.

Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá thép cây trên thị trường Trung Quốc lên mức cao nhất trong vòng một tháng rưỡi do nhu cầu hồi phục trong khi tồn kho giảm. Tại Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn giao sau tăng 1,5% lên 3.562 NDT (563,88 USD)/tấn vào lúc đóng cửa phiên giao dịch. Đầu phiên giao dịch, giá đã chạm mức đỉnh điểm là 3.589 NDT/tấn, mức cao nhất kể từ 9/3/2018. Giá thép giao ngay đã tăng lên mức cao nhất trong một tháng, tăng 0,6% đạt 4,193,97 NDT/tấn vào thứ Hai (23/04/2018), theo số liệu từ công ty tư vấn Mysteel. Dự trữ thép cây tiếp tục giảm trong 6 tuần liên tiếp tính đến ngày 20/4. Số liệu của Mysteel cho thấy dự trữ hiện đã giảm 5,9% xuống còn 15,02 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2.

Cuối tuần qua, công ty thép tư nhân lớn nhất Trung Quốc Jiangsu Shagang Group JSSGG.UL đã tăng giá thép cây thêm 120 NDT lên 3.940 NDT/tấn, giao vào cuối tháng 4, khiến nhiều nhà máy tăng giá vào thứ Hai đầu tuần.

Trên thị trường nông sản, giá cà phê arabica giao tháng 7 tăng 1,5 US cent tương đương 1,3% lên 1,2045 USD/lb do hoạt động mua bù, robusta giao cùng kỳ hạn cũng tăng 13 US cent lên 1.782 USD/tấn.

Cao su kỳ hạn tại Tokyo chốt phiên giao dịch giảm do thị trường Thượng Hải yếu, dự trữ cao su trong nước tiếp tục tăng. Hợp đồng giao tháng 10 tại sở giao dịch hàng hóa Tokyo giảm 1,2 yen vào lúc đóng cửa phiên giao dịch, xuống còn187,6 yen/kg.; cao su tại Thượng Hải giao tháng 9 giảm 115 NDT xuống còn 11.530 NDT/tấn. Tuần trước, giá cao su tại Tokyo đã vọt lên mức cao nhất 1 tháng. Nhà phân tích Zhang Li cho rằng"dự trữ cao su vẫn tương đối cao song nhu cầu vững.

Giá đường thô kỳ hạn chạm xuống mức thấp nhất 28 tháng qua vào chốt phiên giao dịch trong khi giá đường trắng giảm xuống mức thấp nhất hơn 9 năm qua do nguồn cung dư thừa trên toàn cầu, doanh số bán hàng giảm gây ra bởi vấn đề dự trữ quá tải tại Ấn Độ.

Với sản lượng đường của Ấn Độ đạt 30 triệu tấn vào giữa tháng 4 và 227 nhà máy vẫn còn hoạt động, ngành đường nước này dự báo sản lượng đạt kỷ lục 31,5 triệu tấn trong vụ 2017-18 so với 20,3 triệu tấn trong mùa trước (tháng 10-9).

Vào đầu mùa vụ ( tháng 10 năm ngoái), Hiệp hội Mía đường Ấn Độ (ISMA) đã ước tính sản lượng đường là 25,1 triệu tấn, và sau đó đã sửa đổi thành 29,5 triệu tấn. Vì sản lượng chưa bao giờ lớn như vậy, các nhà máy đã không kịp xây dựng các các kho dự trữ.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 giảm 0,17 cents hay 1,5% còn 11,04 cent/lb vào lúc đóng cửa sau khi giảm xuống mức thấp 11 cent, mức thấp nhất kể từ tháng 9.

Các thương gia cho biết Ấn Độ có thể sẽ xuất khẩu đường vì giá trong nước yếu, điều này có thể khiến cho thị trường càng thêm dư thừa.Các Bộ trưởng Ấn Độ đã đề xuất trợ cấp cho những người trồng mía để họ bán sản phẩm cho các nhà máy đường trong bối cảnh nguồn cung dư thừa ép giá giảm.

Nguồn: VITIC/Reuters

Thu Hải

Vinanet

Nguồn Vinanet: http://vinanet.vn/hang-hoa-khac/hang-hoa-tg-sang-254-gia-hau-het-tang-ngoai-tru-dau-cao-su-va-duong-693411.html