Hàng không châu Âu dốc toàn lực đối phó cảnh 'hỗn loạn du lịch'

Các quan chức hàng đầu của hàng không châu Âu đang nỗ lực tìm biện pháp hóa giải tình cảnh hỗn loạn tại các sân bay hậu đại dịch Covid-19, theo Reuters.

Trong bối cảnh nhiều sân bay châu Âu đang rơi vào tình trạng gián đoạn hoạt động do nhu cầu đi lại tăng mạnh sau đại dịch Covid-19, các hãng hàng không và sân bay châu Âu đang nỗ lực tìm ra giải pháp để cải thiện và cũng để tránh lặp lại tình hình này vào mùa hè năm sau.

Vào hôm thứ Tư (ngày 5/10), các nhà lãnh đạo ngành hàng không châu lục già đã nhóm họp tại trụ sở của cơ quan kiểm soát không lưu Eurocontrol để thảo luận về việc tổ chức nào phải chịu trách nhiệm về sự hỗn loạn đang khiến các hành khách và các chính trị gia khó chịu.

Ông Olivier Jankovec, Tổng giám đốc hiệp hội sân bay ACI châu Âu, phát biểu tại hội nghị của Eurocontrol rằng: "Chúng tôi nhận thấy mình xuất hiện trên tin tức nhiều hơn dự kiến suốt mùa hè vừa qua".

Trong khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao thì tình trạng thiếu lao động và các cuộc đình công cũng góp phần dẫn đến việc hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ và buộc một số sân bay phải giới hạn công suất hoạt động. Bối cảnh này cũng đã khiến tỷ suất lợi nhuận của họ bị sụt giảm.

Nhu cầu đi lại đã tăng cao đáng kể hậu đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Nhu cầu đi lại đã tăng cao đáng kể hậu đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Tăng cường nỗ lực tuyển dụng

Jozsef Varadi, Giám đốc điều hành hãng hàng không giá rẻ Wizz Air cho biết: "Chúng tôi bằng cách nào đó đã sống sót qua mùa hè nhưng là một mùa hè đầy khó khăn và không nên để tình trạng này xảy ra nữa. Chúng tôi phải đưa các nguồn lực thích hợp vào hệ thống vận hành để đối phó với những thách thức này".

Đối với hãng hàng không giá rẻ này, một biện pháp tạm thời đó là tuyển dụng nhiều người hơn mức cần thiết để giải quyết các thách thức. Ông Varadi nói: "Chúng tôi đang xây dựng lại mô hình hoạt động để đảm bảo rằng chúng tôi xây dựng hệ thống… một cách linh hoạt hơn".

Các sân bay cũng đang phải tăng mức lương hoặc thưởng thêm để thuê lại những người lao động bị sa thải trong thời kỳ đại dịch. Nhiều người đã chuyển sang các công việc của nền kinh tế mới như đi các ứng dụng gọi xe.

Arnaud Feist, giám đốc điều hành của sân bay Brussels, Bỉ cho biết: "Việc làm trong ngành chúng tôi không còn hấp dẫn nữa và đó là một trong những vấn đề mà các sân bay phải đối mặt".

Livia Spera, Tổng thư ký Liên đoàn người lao động trong ngành giao thông vận tải châu Âu cho biết: Những người lao động còn phải làm việc trong tình cảnh thiếu hụt nhân lực đã phải hứng chịu "mức độ bạo lực chưa từng có" khi cơn giận dữ từ khách hàng tăng lên trong mùa hè.

Các bên liên quan đổ lỗi cho nhau

Trong khi đó, các hãng hàng không thì cho biết ngân sách của họ đang bị siết chặt khi vừa phải tuân thủ các quy định yêu cầu bồi thường cho người tiêu dùng vì sự chậm trễ của các chuyến bay, trong khi vừa phải chịu toàn bộ chi phí do sự gián đoạn hoạt động của nhiều khâu có liên quan, từ các nhà cung cấp, các nhà sản xuất, các nhân viên kiểm soát không lưu và cả tới nhân viên mặt đất.

Còn các sân bay thì phàn nàn rằng họ không nhận được sự hỗ trợ của nhà nước và đổ lỗi sự hỗn loạn vừa qua cho các hãng hàng không.

Ông Jankovec nói với Reuters: "Một số hãng hàng không đang che giấu các vấn đề về nhân viên của họ và nói rằng lỗi là do các sân bay. Điều đó không giúp ích cho việc giải quyết vấn đề".

Ông Willie Walsh, người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế và từng thường xuyên xung đột với sân bay Heathrow khi điều hành hãng hàng không British Airways, đã cung cấp dữ liệu sân bay chính thức cho thấy thời gian chờ đợi làm thủ tục an ninh đang cao hơn đáng kể tại Heathrow.

Ông nói với Reuters: "Nếu khách hàng không đến kịp thời thì bạn sẽ bị trễ chuyến. Sự chậm trễ sẽ kéo theo hệ lụy tới cả các chuyến khởi hành và các chuyến hạ cánh. Mọi thứ đều bị ảnh hưởng".

Về phần mình, sân bay Heathrow cho biết việc phục hồi lại công suất hoạt động sau đại dịch một cách nhanh chóng đang gặp nhiều "thách thức", tuy nhiên, vấn đề cũng nằm ở toàn bộ chuỗi cung ứng hàng không.

Thêm vào đó, một loạt các cuộc đình công của kiểm soát viên không lưu đang làm gia tăng căng thẳng.

Eurocontrol, một cơ quan điều phối hàng không liên quan đến 41 quốc gia, đã kêu gọi thực hiện nhiều biện pháp xoa dịu tác động của các cuộc đình công. Trước đó, một cuộc đình công đột ngột kéo dài một ngày tại Pháp đã đóng cửa phần lớn không phận của nước này hồi tháng trước.

Tổng giám đốc Eurocontrol Eamonn Brennan nói với Reuters: "Người lao động có quyền đình công và điều đó cần được bảo vệ, nhưng những cuộc đình công quá mức cần phải được điều chỉnh".

Trong khi nhu cầu của các bên liên quan chưa được giải quyết thì việc tìm ra giải pháp hài lòng tất cả các bên dường như sẽ cần một quá trình thảo luận và làm việc dài hơi hơn.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/hang-khong-chau-au-doc-toan-luc-doi-pho-canh-hon-loan-du-lich-20221005153027419.htm