Hàng không, đường sắt 'thấm đòn' vì đại dịch COVID-19

Dịch COVID-19 đã khiến sản lượng vận tải suy giảm mạnh nhất kể từ 10 năm trở lại đây, doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn

Sản lượng vận tải hành khách 7 tháng đầu năm giảm 26,7%

Trong tháng 7, sản lượng vận tải hàng hóa ước đạt 147,223 triệu tấn hàng, giảm 4,2%; sản lượng hành khách đạt 318,228 triệu lượt hành khách, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 7 tháng đầu năm, khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt trên 957,557 triệu tấn hàng, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó đường sắt giảm 2,8%, đường biển giảm 3,9%, đường thủy nội địa giảm 5,5%, đường bộ giảm 7,9% và đường hàng không giảm cao nhất với mức giảm 33.5%.

Luân chuyển hành kháchnói chung giảm 30,3%, trong đó với riêng đường hàng không giảm tới 46,7%. Ảnh minh họa

Luân chuyển hành kháchnói chung giảm 30,3%, trong đó với riêng đường hàng không giảm tới 46,7%. Ảnh minh họa

Lĩnh vực vận chuyển hành khách có sự sụt giảm mạnh, 7 tháng đầu năm, sản lượng vận chuyển hành khách đạt 2.128,771 triệu lượt hành khách, giảm 26,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lĩnh vực đường sắt giảm cao nhất 51,8%, đứng thứ hai là đường hàng không, tiếp đó là đường bộ (giảm 27,3%) và đường biển (giảm 24%). Luân chuyển hành khách giảm 30,3%, trong đó đường sắt giảm 49,7% và đường hàng không giảm 46,7%

Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp vận tải, dịch bệnh khiến nhu cầu đi lại của hành khách giảm mạnh. Trong thời gian giãn cách xã hội, thị trường vận tải gần như đóng băng hoàn toàn, không có hành khách, không có doanh thu nhưng các doanh nghiệp vẫn phải chi trả những chi phí cố định: chi phí bến bãi, nhân công, mặt bằng… khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, chỉ hoạt động cầm chừng. Một số doanh nghiệp đã phải thu hẹp hoạt động hay phải tính tới việc bán bớt phương tiện để trả nợ ngân hàng, trả lương nhân công.

Dễ nhận thấy nhất là những ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới doanh nghiệp hàng không khi trong quý II, không còn chuyến bay thương mại quốc tế và hạn chế khai thác các chuyến bay nội địa. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II vừa công bố, doanh thu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đạt 6.000 tỷ đồng, giảm 68% so với quý I, lợi nhuận sau thuế âm khoảng 4.000 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines lỗ hơn 6.642 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, doanh thu của ngành đường sắt giảm 48% so với cùng kỳ, Tổng công ty đường sắt Việt Nam lỗ gần 730 tỷ đồng.

Trước những khó khăn của các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ và gói tín dụng 285 nghìn tỷ hỗ trợ doanh nghiệp, cùng nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vận tải riêng cho biết rất khó để tiếp cận gói hỗ trợ này do những điều kiện, tiêu trí hỗ trợ quá khắt khe.

Đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nêu dẫn chứng, doanh nghiệp khó có thể tận dụng ưu đãi của gói hỗ trợ giảm thuế và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, bởi trong điều kiện chống dịch covid như hiện nay, sản lượng vận tải sụt giảm, các doanh nghiệp hầu như không có doanh thu hoặc doanh thu rất ít. Đó còn chưa kể, quá trình nhận những phản hồi từ các doanh nghiệp, điều chỉnh chính sách còn chậm và lúng túng, dẫn đến quá trình giải ngân gói 62 nghìn tỷ đồng còn chậm và chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Giải pháp nào để vực dậy doanh nghiệp vận tải?

Theo các chuyên gia kinh tế, những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới các doanh nghiệp sẽ còn kéo dài đến cuối năm, thậm chí những năm tiếp theo, nhất là khi đợt dịch thứ hai đang có diễn biến phức tạp. Sản lượng vận tải hành khách và hàng hóa tiếp tục sụt giảm. Để các doanh nghiệp có thể tiếp tục cầm cự và tồn tại qua đại dịch, các doanh nghiệp buộc phải tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp để thích nghi với tình hình mới.

Taxi G7 trở thành thương hiệu mạnh sau khi sáp nhập các hãng taxi tại Hà Nội. Ảnh: Dân Trí

Theo đó, đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn, bộ máy hoạt động phức tạp, cồng kềnh có thể tính tới phương án thu hẹp sản xuất, kinh doanh, đóng cửa một số cửa hàng hoạt động kém hiệu quả để giảm bớt những chi phí mặt bằng, nhân sự, chỉ giữ lại những cơ sở hoạt động tốt, chú trọng vào phát triển chất lượng giữ uy tín đối với khách hàng.

Trong khi đó, những doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể xem xét sáp nhập hoặc liên kết với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Quá trình sáp nhập có thể giúp các doanh nghiệp tận dụng được những lợi thế của nhau, mở rộng thị phần, tận dụng cơ hội tiếp cận các nguồn vốn.

Để cạnh tranh với taxi công nghệ, năm 2018, ba hãng taxi Ba Sao, Sao Hà Nội và Thành Công đã sáp nhập và tạo thành một thương hiệu mới Taxi G7- liên minh taxi truyền thống lớn nhất tại Hà Nội. Đến nay, Taxi G7 đã có 5 hãng taxi với 5.000 phương tiện, có thể cung cấp dịch vụ taxi nhanh nhất, tiện lợi nhất với giá thành cạnh tranh.

Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam, cho biết trong lĩnh vực vận tải hành khách, đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với hàng ngàn hợp tác xã, trong khi đối với lĩnh vực vận tải hàng hóa, có tới hàng chục vạn hộ kinh doanh. Để vượt qua khó khăn giai đoạn hiện nay, ông Quyền lưu ý, các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh nên xem xét đến hình thức sáp nhập hoặc liên kết với nhau, đổi mới hình thức tổ chức quản lý để tăng cường tiếp cận thị trường và giảm bớt những chi phí không cần thiết.

Tuy nhiên, ông Quyền nhấn mạnh, các doanh nghiệp, hộ gia đình không nên sáp nhập một cách cơ học mà cần tìm hiểu kỹ những điểm mạnh, lợi thế của đối tác và mục tiêu phát triển để các bên có thể hợp tác, bổ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Nếu hai doanh nghiệp cùng yếu, không có điểm gì nổi bật mà thực hiện sáp nhập cũng có thể gặp những vấn đề phức tạp trong quản lý. Ứng dụng sự tiến bộ của công nghệ thông tin, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để hiện đại hóa quản lý, mở rộng khả năng tiếp cận hành khách cũng là một những giải pháp các doanh nghiệp vận tải đường bộ cần tính đến bởi theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO đến cuối năm 2020, thời hạn bảo lưu đối với các doanh nghiệp vận tải chấm dứt, các doanh nghiệp vận tải trong nước sẽ gặp phải sự cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Một số ý kiến cho rằng, để quá trình sáp nhập, liên kết các doanh nghiệp đạt được hiệu quả, bản thân các chủ doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi ý chí, từ chỗ đang làm chủ doanh nghiệp được quyền quyết định mọi vấn đề, cần phải biết dung hòa với các các nhân khác, để đảm bảo sự nhất quán trong quản lý và phát triển. Bên cạnh đó, cũng rất cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý Nhà nước để tạo động lực, cơ hội cho các doanh nghiệp vận tải có thể vượt qua những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch.

Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải. Bộ đã ban hành hơn 100 văn bản chỉ đạo điều hành, hướng dẫn các địa phương, đơn vị vận tải đường bộ thực hiện việc cắt giảm số chuyến/lượt hoặc đề xuất tạm dừng hoạt động để giảm thiểu thiệt hại; kịp thời tiết thu, thống kê những khó khăn, vướng mắc của địa phương, đơn vị vận tải, bến xe… tổng hợp báo cáo, đề xuất kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền những giải pháp, biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đối với lĩnh vực hàng không, Bộ đã tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chở khách; Bộ GTVT cũng đã đề nghị các doanh nghiệp cung ứng và sử dụng dịch vụ hàng không chủ động hỗ trợ nhau. Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam đã miễn, giảm giá nhiều dịch vụ hàng không cho các hãng hàng không.

Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cắt giảm các đoàn tàu khách Thống Nhất và đại phương có hệ số sử dụng thấp; tổ chức thêm các đoàn tàu hàng bù vào phần năng lực chạy tàu dư thừa do tàu khách bị cắt giảm.

Nguyễn Lê

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/hang-khong-duong-sat-tham-don-vi-dai-dich-covid-19-24961.html