Hàng không Mỹ chạy đua bán vé rẻ

Ngành Hàng không Mỹ tìm mọi biện pháp 'vớt vát' lợi nhuận trước tình hình chi phí nhiên liệu leo thang.

JetBlue mới gia nhập xu hướng vé phổ thông cơ bản của hàng không Mỹ

JetBlue mới gia nhập xu hướng vé phổ thông cơ bản của hàng không Mỹ

Trước xu hướng đua nhau bán vé máy bay phổ thông cơ bản với giá rẻ nhất của hàng không Mỹ (kể cả các hãng hàng không lớn), mới đây, hãng hàng không JetBlue Airways quyết định “nhảy” vào phân khúc này sau một thời gian dài nhất quyết nói không với vé máy bay giá rẻ cơ bản.

Thi nhau tung vé giá phổ thông cơ bản

Hãng hàng không có trụ sở tại New York dự định ra mắt vé phổ thông cơ bản vào năm sau, cạnh tranh với những lựa chọn tương tự đến từ các đối thủ lớn hơn ở Mỹ.

Trong một thông báo gửi tới nhân viên, Chủ tịch, Giám đốc điều hành JetBlue Joanna Geraghty nói: “JetBlue chưa bao giờ thích cách tiếp cận giá rẻ nhưng các đối thủ cạnh tranh đang tung ra chiến lược đó trên nhiều tuyến mà hãng cùng khai thác. Thái độ của khách hàng cho thấy, nếu JetBlue không đi theo thị trường chiến lược vé giá rẻ không làm ảnh hưởng tới trải nghiệm của khách hàng thì nguy cơ tụt lại và thất bại rất cao”.

JetBlue không cung cấp chi tiết, mức giá vé mới mà hãng sẽ bung ra nhưng nêu ẩn ý rằng, với tấm vé này, hành khách sẽ không được hưởng quyền thay đổi thông tin vé hay chọn chỗ ngồi.

Chủ tịch Geraghty cho biết: “Những hành khách lựa chọn loại vé này chấp nhận bị hạn chế một số điều như thứ tự lên máy bay, ghế ngồi, tính linh hoạt trong thay đổi hoặc hủy vé” nhưng nhấn mạnh “chúng tôi sẽ không khiến họ phải chịu cảm giác như những công dân thứ cấp”. Cũng theo ông Geraghty, loại vé mới vẫn bao gồm wifi miễn phí, đồ ăn vặt, nước uống giải khát và miễn phí hành lý xách tay.

Cách đây vài tháng, hãng hàng không Alaska Airlines gia nhập “hội vé phổ thông cơ bản” với tuyên bố ra mắt loại ghế có giá rẻ hơn cùng thời điểm đầu năm 2019.

Với chương trình vé phổ thông cơ bản của Alaska, hành khách phải ngồi cuối máy bay và lên máy bay cuối cùng, không được thay đổi hay hủy vé, thậm chí, dù có muốn cũng không thể trả thêm tiền để nâng cấp hạng vé khi đã đặt mua. Tuy nhiên, không giống các hãng khác, Alaska lại cho miễn phí hành lý xách tay, không phải đóng thêm các phụ phí khác.

Trong khi đó, 3 “ông lớn” hàng không Mỹ là Delta Air Lines, United Airlines và American Airlines cùng nhiều hãng hàng không nước ngoài khác đã tham gia thị trường vé phổ thông cơ bản từ nhiều năm nay, với mức giá trung bình rẻ hơn vé thường trên các tuyến nội địa khoảng 50 USD.

Ba hãng lớn đưa ra chính sách giá rẻ không chỉ để phục vụ các đối tượng khách có tài chính hạn chế mà nhiều giám đốc điều hành không ngại ngần thừa nhận chiến lược này để kích cầu hành khách chấp nhận trả nhiều tiền để mua vé được hưởng nhiều quyền lợi hơn, qua đó giúp hãng tăng doanh số của các hạng ghế khác.

Chiến lược tăng lợi nhuận

Thực tế, theo báo cáo của Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bill Nelson, vé phổ thông cơ bản góp phần mang về 20 triệu USD lợi nhuận cho hãng hàng không Delta trong quý đầu năm 2016.

Ngay khi công bố vé phổ thông cơ bản, American Airlines đặt mục tiêu tạo ra 1 tỉ USD lợi nhuận từ chiến lược vé phổ thông cơ bản cùng các ý tưởng phân hạng cabin khác đến năm 2020.

Một số biện pháp mà các hãng đang áp dụng để tăng lợi nhuận trong bối cảnh khó khăn là tăng phí kiểm tra hành lý, tính phí hành lý xách tay, phí chọn ghế.

Cụ thể, tháng trước, JetBlue tăng phí đổi vé và phí kiểm tra hành lý từ 5 USD lên 30 USD. Sau đó, rất nhiều hãng hàng không khác cũng nối gót để chống cự trước tình cảnh giá dầu tăng cao. Một số hãng hàng không giá rẻ như Spirit và Frontier còn tính thêm phí hành lý xách tay và lựa chọn ghế ngồi.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/hang-khong-my-chay-dua-ban-ve-re-d274195.html