Hàng không Việt vẫn 'khát' giám sát viên an toàn bay

Do không có nhà cung cấp giám sát viên bay nào khác ngoài các hãng hàng không VN, nên Cục Hàng không VN phải thuê hàng chục giám sát viên bay.

Do không có nhà cung cấp, hàng năm Cục Hàng không VN phải thuê giám sát viên bay từ các hãng hàng không trong nước

Do không có nhà cung cấp, hàng năm Cục Hàng không VN phải thuê giám sát viên bay từ các hãng hàng không trong nước

4 “tân binh” muốn hỗ trợ giám sát viên an toàn

Cục Hàng không VN cho biết đã lên kế hoạch cụ thể về nhu cầu nhân lực giám sát an toàn hàng không từ nay đến năm 2025.

Theo đó, Cục Hàng không VN xác định, năm 2020 sẽ cần 56 giám sát viên an toàn, đủ để đảm bảo giám sát 295 tàu bay. Con số này sẽ tăng dần qua các năm, đến năm 2025 sẽ là 86 giám sát viên, đảm bảo giám sát 449 tàu bay.

“Hiện tổng số giám sát viên an toàn hàng không của Cục Hàng không VN chỉ là 49 người, bao gồm cả số giám sát viên bay và số giám sát viên đủ điều kiện bay thuê theo hợp đồng, đảm bảo giám sát đội tàu bay đến 256 chiếc. Với nhu cầu đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đến năm 2020, bao gồm kế hoạch đội tàu bay trong các dự án thành lập các hãng hàng không Vietravel Airlines, Vinpearl Air và Cánh Diều, cần được bổ sung thêm 7 giám sát viên an toàn vào năm 2020”, Cục Hàng không VN thông tin.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, các hãng hàng không mới thành lập đều chủ động hỗ trợ Cục Hàng không VN về mặt nguồn lực giám sát viên bay kiêm nhiệm. Theo đó Vinpeal Air cử 4 giám sát viên bay, Bamboo Airways cử 2 giám sát viên bay, Vietravel và Cánh Diều cử 1 giám sát viên bay.

Trong cuộc họp mới đây tại Bộ GTVT, quyền Tổng giám đốc Vinpearl Air Phan Xuân Đức cho biết, doanh nghiệp này sẵn sàng hỗ trợ nhân lực giám sát viên an toàn cho Cục Hàng không VN.

Phía Bamboo Airways, Phó tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Trọng cho hay, hãng chủ động đề xuất bổ sung nhân sự nhằm đóng góp giảm tải phần nào áp lực về nhân sự giám sát viên bay cho cơ quan chức năng, góp phần đảm bảo năng lực giám sát an toàn khai thác bay của Cục và hỗ trợ quá trình tăng trưởng đội bay mạnh mẽ của các hãng hàng không tại Việt Nam.

“Trong thời gian tới, Bamboo Airways có thể hỗ trợ cho Cục Hàng không VN từ 7 đến 10 giám sát viên bay đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Cục cũng như các tiêu chuẩn quốc tế nếu được huy động”, ông Trọng thông tin.

“Nếu lực lượng giám sát viên bay hiện nay được tiếp tục ký hợp đồng cùng với 8 giám sát viên bay kiêm nhiệm được cử bổ sung từ các hãng hàng không mới, lực lượng giám sát viên bay của Cục Hàng không VN sẽ đủ đáp ứng nhu cầu và có năng định đầy đủ cho tất cả các loại tàu bay đăng ký, khai thác tại Việt Nam, đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không thế giới ICAO và để duy trì Mức 1 theo yêu cầu của Cục Hàng không liên bang Mỹ ( FAA)”, lãnh đạo Cục Hàng không VN cho hay.

Thông cơ chế để có giám sát viên an toàn hoạt động độc lập

Chia sẻ với PV, một cơ trưởng kỳ cựu cho rằng, hoạt động hàng không dân dụng tại mỗi quốc gia luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành của ICAO và Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) trong lộ trình thực hiện CAT 1 (Phê chuẩn mức 1 về an toàn hàng không), đặc biệt là việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của nhà chức trách hàng không, trong đó có việc giám sát an toàn hàng không. Các cơ quan như ICAO hay FAA đều khuyến cáo nên có giám sát viên an toàn độc lập, chuyên trách, tránh xung đột lợi ích giữa các hãng hàng không cũng như để để đảm bảo tính khách quan.

Do không có nhà cung cấp giám sát viên bay nào khác ngoài các hãng hàng không Việt Nam, nên hàng năm, Cục Hàng không VN phải thuê giám sát viên bay từ các hãng hàng không trong nước như: Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific Airlines, TCT Trực thăng VN…

Với giám sát viên an toàn đủ điều kiện bay của tàu bay, 4 cơ quan được Cục Hàng không phê chuẩn (là các đơn vị có nguồn lực đủ điều kiện, trình độ, kinh nghiệm) gồm: Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay VAECO; Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật hàng không (AESC); Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật trực thăng (Helitechco) và Công ty TNHH cung cấp dịch vụ bảo dưỡng máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất (SAAM).

Giám sát viên an toàn hoạt động bay có thể đến từ TCT Quản lý bay VN hoặc Công ty CP Cung ứng xuất nhập khẩu lao động hàng không (Alsimexco).

Cục Hàng không VN cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn được có những cơ chế thông thoáng hơn để có thể tuyển được nhiều giám sát viên an toàn, đáp ứng những khuyến nghị của FAA.

Được biết, Quyết định 51/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế tài chính đặc thù với Cục Hàng không VN đã cho phép cơ quan này được thuê giám sát viên an toàn bay, giám sát viên an toàn đủ điều kiện bay của tàu bay làm việc thường xuyên. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Hàng không VN cho hay, dù Thủ tướng đã đồng ý cơ chế tài chính đặc thù để thuê giám sát viên an toàn nhưng thủ tục, cụ thể là việc đấu thầu thuê giám sát viên an toàn lại rất khó thực hiện.“Chẳng hạn, Cục Hàng không VN muốn thuê giám sát viên an toàn cho tàu bay 787-10 hay A350 thì hiện chỉ Vietnam Airlines có. Vậy trong nước làm gì có ai tham gia được ngoài Vietnam Airlines. Thuê nước ngoài cũng vô cùng khó”, vị này nói và cho hay: Thuê đã khó, tuyển công chức làm giám sát viên an toàn còn khó hơn nhiều. Với cơ chế tiền lương hiện nay, chẳng ai muốn về cơ quan quản lý nhà nước để làm. Giám sát viên bay đều là những cơ trưởng kỳ cựu, đi bay cho các hãng thu nhập cao hơn nhiều.

Thanh Bình

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hang-khong-viet-van-khat-giam-sat-vien-an-toan-bay-d438076.html