Hàng loạt cán bộ bị bắt ở Sơn La: Liên quan tới di dân tái định cư

Vụ hàng loạt cán bộ ở Sơn La bị cơ quan điều tra bắt giữ trong mấy ngày vừa qua (tính từ ngày 16.11) mà báo Dân Việt đã đưa tin cũng vì lý do các cán bộ này bị nghi liên quan tới sai phạm trong thực hiện di dân tái định cư thủy điện Sơn La.

Trong số hơn chục cán bộ các sở, ban, ngành mới bị bắt giữ có 2 cán bộ là Phó Giám đốc Sở. Đó là ông Trương Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài chính và ông Phan Tiến Diện, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường.

Ngoài ra, còn nhiều cán bộ là trưởng, phó các phòng, ban; chuyên viên liên quan tới việc thực hiện nhiệm vụ di dân tái định cư thủy điện Sơn La tại huyện Mường La.

Ông Diện bị bắt khi đang trên đường đi công tác và bị gọi quay lại cơ quan Sở Tài nguyên - Môi trường, sau đó bị bắt giữ tại phòng làm việc trước sự chứng kiến của lãnh đạo Sở. Ông Dũng cũng bị cơ quan điều tra bắt giữ ngay tại Sở Tài chính trước sự chứng kiến của lãnh đạo ngành.

Cơ quan chức năng xác định việc bắt giữ các cán bộ này do bị nghi liên quan tới sai phạm trong thực hiện di dân tái định cư thủy điện Sơn La.

Việc di dân Tái định cư thủy điện Sơn La được ví là "Cuộc di dân mang tầm thế kỷ", phục vụ xây dựng nhà máy thủy điện trên sông Đà tại huyện Mường La (tỉnh Sơn La), có quy mô và công suất lớn nhất Đông Nam Á với 2.400 MW. Dự án có phạm vi ảnh hưởng đến 3 tỉnh (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) với hơn 20.000 hộ dân phải di chuyển đến nơi ở mới, nhường đất "Vì dòng điện Tổ quốc". Riêng tỉnh Sơn La đã phải di dời hơn 12.500 hộ dân tới 70 khu, 276 điểm tái định cư thuộc 8/12 huyện, thành phố trong tỉnh.

Để đảm bảo yêu cầu nơi ở mới của các hộ dân tái định cư có điều kiện thuận lợi hơn nơi ở cũ, tỉnh Sơn La đã phải dốc sức thực hiện hàng ngàn nhiệm vụ đan xen trong một thời gian ngắn đối với chính sách tái định cư. Những ngày tháng di dân, cả Sơn La như 1 đại công trường, nhiều cơ quan, công sở phải chia ca kíp làm việc suốt ngày đêm. Cả hệ thống chính trị của Sơn La đều dốc sức với khẩu hiệu hành động: "Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc".

Mường La là một trong 3 huyện trọng điểm của tỉnh Sơn La và là huyện đầu tiên thực hiện dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La với tổng số hộ phải di dời ở 5 xã, 55 bản lên tới 3.527 hộ, trên 16.000 nhân khẩu. Cuộc di dời này đã hình thành nên 7 khu với 43 điểm tái định cư. Theo đó, huyện cũng đã triển khai đầu tư xây dựng hàng trăm công trình hạ tầng cơ sở nơi ở mới cũng như thực hiện chi trả hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động bồi thường, hỗ trợ, khuyến khích, khen thưởng... với các hộ dân phải di dời và người sở tại phải sẻ chia quyền lợi với dân tái định cư.

Người dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La ở huyện Mường La được Nhà nước hỗ trợ khuyến nông và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hóa.

Cũng chính vì khối lượng công việc khủng lồ nhưng phải thực hiện trong khoảng thời gian ngắn, lại thêm yếu tố dân trí của nhiều bà con các dân tộc trong vùng còn hạn chế nên trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những sai sót, bất cập.

Khu tái định cư tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La có đủ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt và đời sống.

Những năm vừa qua, đã có không ít trường hợp người dân vùng tái định cư khiếu kiện, khiếu nại về thống kê, kiểm đếm, đền bù, hỗ trợ chưa chính xác, mức giá bồi thường thấp... Cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng trong tỉnh Sơn La đã nhiều lần phải vào cuộc giải quyết những bức xúc của người dân.

Dự án Di dân Tái định cư thủy điện Sơn La được triển khai từ năm 2004 và kết thúc năm 2010, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch, giúp Nhà nước tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng và sinh lợi rất lớn cho kinh tế - xã hội của đất nước. Dự án có phạm vi ảnh hưởng đến 3 tỉnh (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) và đến nay vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết.

Văn Chiến

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/phap-luat/hang-loat-can-bo-bi-bat-o-son-la-lien-quan-toi-di-dan-tai-dinh-cu-823745.html