Hàng loạt giải pháp cho ngành công nghiệp tái chế bắt nhịp với quy định EPR

Hướng đến việc triển khai thành công quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam, mới đây, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã có các đề xuất gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến từng vấn đề, hiện trạng cụ thể của hoạt động phân loại, thu gom và tái chế rác thải bao bì tại Việt Nam.

Theo PRO Việt Nam, hiện nay, hệ thống phân loại rác tại nguồn vận hành chưa hiệu quả, các địa phương chưa có hướng dẫn và yêu cầu phân loại rác tại nguồn, nhận thức và kiến thức của người dân về phân loại chưa rõ ràng, hoạt động thu gom và kinh doanh phế liệu chủ yếu là tự phát.

Bên cạnh đó, sản xuất làng nghề đang chiếm tỷ trọng lớn trong ngành tái chế, mặc dù có định hướng chuyển đổi nhưng còn chậm, phế liệu thu hồi trong nước còn hạn chế về số lượng và chất lượng, khó cạnh tranh với phế liệu nhập khẩu, nhiều công nghệ tái chế đã lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường…

Do đó, PRO Việt Nam kiến nghị cần ban hành chính sách quản lý chất thải cụ thể, phân bổ nguồn lực để đảm bảo luật pháp thực thi và cơ sở hạ tầng được xây dựng, tạo nền tảng cho các bên liên quan tham gia thực hiện trách nhiệm trong việc thu gom và tái chế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

“Nên có quy hoạch, quy định và hướng dẫn cho ngành nghề thu mua phế liệu và lộ trình chuyển đổi, chuyên môn hóa ngành. Tích hợp việc thu gom rác thải không chính thức hiện có vào hệ thống thu gom chính thức theo các kết hợp các mục tiêu môi trường với nhu cầu xã hội”, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam đề nghị.

Các vật dụng nhựa được tái chế thành một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nhân Tâm

Đối với các vấn đề tái chế, tổ chức này đề xuất đẩy nhanh quá trình chuyển đổi làng nghề. Bên cạnh đó, để nâng cao khả năng tái chế và giảm dần sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu phế liệu, PRO Việt Nam đề xuất cần có biện pháp hạn chế nhập khẩu phế liệu, tạo động lực cho thu gom trong nước.

“Phân bổ ngân sách ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư cho các lĩnh vực tái chế. Điều này giúp cải thiện công nghệ lạc hậu và giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo ưu đãi đặc biệt cho việc thương mại hóa sản phẩm tái chế, giúp sản phẩm này cạnh tranh với sản phẩm thông thường”, PRO Việt Nam kiến nghị.

Liên quan đến các quy định về Luật Bảo vệ môi trường, theo PRO Việt Nam, trong giai đoạn đầu triển khai EPR, nhiều doanh nghiệp còn đang xây dụng giải pháp tái chế, khó có thể đảm bảo được 100% khối lượng tự tái chế theo quy định. Đồng thời, việc chỉ cho phép doanh nghiệp lựa chọn một hình thức: hoặc đóng tiền vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF) hoặc tự tổ chức tái chế là rất khó khăn cho doanh nghiệp và không khuyến khích doanh nghiệp tự tổ chức tái chế. Nguyên nhân nếu tự tái chế không đủ 100% thì vừa mất chi phí và công sức tự tái chế, vừa phải nộp tiền.

Do đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm, PRO Việt Nam đề nghị trong giai đoạn bắt đầu của EPR cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn hình thức kết hợp tái chế và đóng tiền phần chưa tái chế được.

Đối với mức chi phí tái chế (Fs), Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam cho rằng việc giữ nguyên mức Fs trong ba năm liên tiếp là không hợp lý, gây ra những bất cập khi không được điều chỉnh kịp thời theo mức lạm phát và một số biến động của thị trường.

“Chúng tôi kiến nghị mức Fs nên được điều chỉnh một lần mỗi năm hoặc với mức Fs được Thủ tướng Chính phủ ban hành cho mỗi chu kỳ ba năm, Bộ tài nguyên và môi trường điều chỉnh hàng năm dựa trên mức lạm phát chính thức nhằm đảm bảo cuộc sống của người lao động trong lực lượng thu gom và tái chế được đảm bảo”, các thành viên PRO Việt Nam đề nghị.

Minh Anh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hang-loat-giai-phap-cho-nganh-cong-nghiep-tai-che-bat-nhip-voi-quy-dinh-epr/