Hàng loạt kỷ lục mưa lớn nhất lịch sử được thiết lập ở Nam Bộ có bất thường?

Nhiều điểm ghi nhận lượng mưa vượt giá trị lịch sử, mưa diễn ra trong khoảng thời gian dài ở Nam Bộ... là những bất thường của mùa mưa lũ năm nay.

Có nơi tổng lượng mưa cao hơn đến 100%

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, các tỉnh ở Tây Nguyên, Nam Bộ và Nam Trung Bộ vừa trải qua một tháng 7/2023 mưa lớn bất thường. Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động tăng cường nên nhiều ngày trong tháng, khu vực này có mưa dông trên diện rộng, trong đó nửa cuối tháng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Tổng lượng mưa trong tháng 7 ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 50-100%, có nơi trên 100%. Đáng chú ý, một số nơi đã quan trắc được giá trị lượng mưa ngày và tổng lượng mưa tháng vượt giá trị lịch sử so với cùng thời kỳ tháng 7. Đặc biệt, trong ngày 29/7, nhiều nơi đã lập kỷ lục về lượng mưa cao nhất ngày so với cùng kỳ tháng 7.

Nam Bộ mưa kéo dài, nhiều nơi lượng mưa vượt giá trị lịch sử.

Cụ thể: Tại Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) lượng mưa đạt 178,1mm, vượt giá trị lịch sử 170,8mm năm 1966; TP Cần Thơ mưa 113,8mm, vượt giá trị lịch sử 109,7mm năm 2003; Vị Thanh (Hậu Giang) mưa 204,8mm, vượt giá trị lịch sử 139,2mm năm 2022; Rạch Giá (Kiên Giang) mưa 229,8mm, vượt giá trị lịch sử 220,3mm năm 1991. Riêng tại Trà Nóc (Cần Thơ), lượng mưa ngày 3/7 đạt 74,9mm cũng vượt qua giá trị lịch sử 70,9mm năm 2020.

Ngoài ra, 10 trạm khí tượng ở Tây Nguyên, Nam Bộ và Nam Trung Bộ cũng ghi nhận lượng mưa trong tháng 7 cao nhất lịch sử, tập trung ở các tỉnh: Bình Thuận, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Trong đó, Phước Long (Bình Phước) là nơi ghi nhận lượng mưa cao nhất trong tháng 7 với tổng lượng mưa đạt 949,9mm, cao hơn mức lịch sử 771,1mm năm 1997.

Tại đèo Bảo Lộc, nơi xảy ra vụ sạt lở làm 4 người chết, lượng mưa trong 3 ngày (từ 19h ngày 28/7 đến 19h ngày 31/7) lên tới 296 mm. Nhiều nơi khác ở Tây Nguyên, Nam Bộ cũng ghi nhận lượng mưa rất lớn trong 3 ngày qua như Quảng Thành (Đắk Nông) 287 mm, Đức Phú (Bình Thuận) 280 mm, Rạch Giá (Kiên Giang) 258 mm. Cùng với mưa lớn, dông lốc, sạt lở đất đã xảy ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại về người và của.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, trong tháng 8/2023, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục nhiều ngày có mưa rào và dông do tác động của gió mùa Tây Nam hoạt động, cục bộ có ngày xuất hiện dông mạnh kèm mưa lớn, mưa tập trung nhiều vào thời điểm chiều tối. Dự báo tổng lượng mưa trong tháng 8 ở Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Ngược lại, miền Bắc và miền Trung đón tháng 8 khô hạn. Tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-25%, riêng Lai Châu-Điện Biên ở mức xấp xỉ; khu vực Trung Bộ phổ biến thấp hơn từ 15-30%.

Lượng mưa đạt mức 300mm là rất hiếm

Theo ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, nguyên nhân gây mưa kéo dài tại khu vực là do dải hội tụ nhiệt đới đi qua Bắc Trung bộ nối với cơn bão số 1. Phía nam hội tụ gió ở mực 500 mb ngay trên khu vực Nam Bộ vẫn đang tồn tại, kết hợp với gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh. Do đó, những hình thái thời tiết này sẽ gây mưa kèm theo gió giật mạnh. Sau đó lại tiếp nối đến ảnh hưởng từ cơn bão số 2 khiến mưa dông kéo dài ở khu vực.

Giải thích về hiện tượng mưa dông kéo dài, ThS Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn cho biết, lượng mưa những ngày qua tại Nam Bộ là khá hiếm. Bà Lan ví dụ như tỉnh Kiên Giang, trên đất liền lượng mưa trung bình nhiều năm khoảng hơn 2.000mm. Nhưng mưa với lượng 200 - 300mm trong 1-2 ngày là rất bất thường và hiếm.

Nguyên nhân gây mưa trong những ngày qua là gió mùa tây nam và dải hội tụ nhiệt đới. Sở dĩ mưa kéo dài như vậy là trước đó Nam Bộ chịu ảnh hưởng của cơn bão Doksuri (bão số 2) khiến gió mùa tây nam hoạt động mạnh. Còn hiện tại ở xa hơn có cơn bão Khanun đang hoạt động, đuôi bão kéo dài tới tận vùng biển phía nam Biển Đông và hút gió mùa tây nam mạnh lên gây mưa diện rộng. Tỉnh Kiên Giang là nơi đầu đón gió tây nam nên sẽ mưa nhiều.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết do mưa to liên tục, mực nước các trạm khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai lên nhanh. Cần đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi và ngập lụt ở những vùng trũng thấp thuộc các huyện Tân Phú, Định Quán (Đồng Nai).

Ngày 1/8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai vừa có công văn số 288/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ về việc ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn và nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Bên cạnh đó, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hang-loat-ky-luc-mua-lon-nhat-lich-su-duoc-thiet-lap-o-nam-bo-co-bat-thuong-169230802071742257.htm