Hàng loạt ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất

Những ngày qua, hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi, khiến áp lực lên mặt bằng lãi suất tiếp tục gia tăng và không ít người vay đã bắt đầu lo lắng.

Tăng đều ở các kỳ hạn

Kể từ ngày 6/8, khung lãi suất tiền gửi tại ngân hàng SHB đã được điều chỉnh tăng thêm 0,2% ở các kỳ hạn từ 6 – 11 tháng, theo đó các kỳ hạn 6 – 8 tháng lên 6,8% và các kỳ hạn từ 9 -11 tháng lên 6,9%. Như vậy, sau liên tiếp 4 lần điều chỉnh giảm mạnh lãi suất tiền gửi kể từ tháng 3 đến tháng 7, SHB đã chính thức điều chỉnh tăng lãi suất trở lại, cho thấy áp lực huy động vốn mà ngân hàng này đang phải đối mặt. Đáng lưu ý là với những khoản tiền gửi từ 2 tỷ trở lên gửi ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, ngân hàng cũng áp dụng chính sách cộng thêm lãi suất 0,1% cho khách hàng.

Một ngân hàng ít khi cập nhật thông tin hoạt động là PVCombank thì trong tháng 8 vừa qua cũng gây bất ngờ khi tăng lãi suất. Theo đó các kỳ hạn từ 6-8 tháng tăng 0,2% lên 7%, kỳ hạn từ 9 – 11 tháng cũng tăng thêm 0,2% lên 7,2%. Đây là lần điều chỉnh lãi suất hiếm hoi của ngân hàng này kể từ tháng 10/2017 đến nay.

Ở nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) nhỏ hơn cũng có những động thái tăng lãi suất đáng chú ý. Ngân hàng Bắc Á từ ngày 17/8 tăng 0,1% lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng lên mức trần hiện nay tại 5,5%; kỳ hạn 6-7 tháng tăng 0,1% lên 7,3%; kỳ hạn 8 – 9 tháng tăng 0,1% lên 7,4%. Ngược lại, các kỳ hạn dài hơn như 12 tháng giảm 0,2% xuống còn 7,4%, kỳ hạn 13 và 15 tháng giảm 0,15% xuống 7,7%, trong khi kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng tháng giảm 0,2% xuống 7,7%.

Một ngân hàng khác gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận thời gian qua là Bản Việt cũng tiếp tục tăng mạnh lãi suất trong tháng 8. Cụ thể kỳ hạn 8 tháng tăng mạnh 0,6%, kỳ hạn 9 tháng tăng 0,4%, kỳ hạn 10 -11 tháng tăng 0,5%, theo đó các kỳ hạn từ 8 – 11 tháng đều được tăng lên mức 7,8%. Đặc biệt, các kỳ hạn dài hơn cũng điều chỉnh tăng vọt, cụ thể các kỳ hạn 24, 36, 48 và 60 tháng đều tăng từ 7,2% lên 8,6%, tức tăng đến 1,4%.

Trong khi đó, ngân hàng Nam Á cũng bắt đầu tăng lãi suất từ ngày 23/8, với kỳ hạn 6 – 8 tháng tăng thêm 0,2% lên 6,7%, kỳ hạn 9 – 11 tháng tăng 0,3% lên 6,8%. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên trong năm nay của ngân hàng này, sau động thái giảm hồi tháng 4 đầu năm. Đáng chú ý là trong đợt điều chỉnh vừa qua, kỳ hạn 12 tháng lại bất ngờ giảm 0,2% xuống chỉ còn 7,3%.

Nhóm Ngân hàng Nhà nước cũng nhập cuộc

BIDV – ngân hàng có nguồn tiền gửi khổng lồ hôm 24/8 cũng đã bất ngờ tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,2% ở kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng lên 4,3%, kỳ hạn 5 tháng và 6 tháng cũng tăng thêm 0,2% lên tương ứng 4,8% và 5,3%. Kỳ hạn 13 tháng cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,1% lên 6,8%. Đây là lần tăng lãi suất trở lại đầu tiên của ngân hàng này kể từ tháng 11/2017 đến nay, sau hơn 8 tháng duy trì mặt bằng lãi suất huy động gần như thấp nhất thị trường.

Không chỉ riêng ông lớn BIDV mà 2 ngân hàng khác là Vietinbank và Vietcombank cũng có động thái điều chỉnh lãi suất hiếm hoi trong tháng 8 vừa qua. Theo khung lãi suất mới nhất của Vietinbank thì kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,2% lên 4,3%; kỳ hạn 4 tháng và 5 tháng tăng 0,2% lên 4,8% và kỳ hạn 6 – 8 tháng cũng tăng thêm 0,2% lên 5,3%. Đây cũng đánh dấu là lần tăng lãi suất trở lại đầu tiên của Vietinbank trong 8 tháng qua. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn từ 1 – 9 tháng của ngân hàng này bằng với BIDV.

Trong khi đó, ông lớn Vietcombank có sự điều chỉnh khiêm tốn hơn khi chỉ tăng thêm 0,1% ở kỳ hạn 12 tháng lên 6,5%, sau lần tăng lãi suất gần nhất thêm 0,2% lên 5,5% ở kỳ hạn 9 tháng vào tháng 5 năm nay. Các kỳ hạn 1 – 2 tháng của ngân hàng này tiếp tục ổn định ở mức thấp nhất thị trường tại 4,1%, trong khi kỳ hạn 3 tháng là 4,6% và 6 tháng là 5,1%. Đáng lưu ý là dù khung lãi suất huy động vốn ở mức thấp nhất thị trường nhưng tiền gửi của ngân hàng tiếp tục thể hiện sự tăng trưởng ổn định và vượt trội kể từ đầu năm đến nay.

Với việc thêm nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất trong tháng 8, có thể thấy áp lực thanh khoản mà hệ thống hiện đang đối mặt là khá lớn, trong khi đây chỉ mới là giai đoạn giữa năm và tín dụng không phải là tăng trưởng quá mạnh thời gian qua.

Do đó, nếu càng về giai đoạn cuối năm, thời điểm thanh khoản thường đối mặt với nhiều sức ép trước lượng tiền gửi bị rút ra, cũng như nhu cầu tín dụng tăng cao, thì khả năng mặt bằng lãi suất sẽ còn chịu thêm áp lực và biến động mạnh. Trước tình hình trên, những khách hàng đang vay phải thật sự lo ngại trước khả năng lãi suất cho vay có thể điều chỉnh tăng theo.

MẪN NHI

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/hang-loat-ngan-hang-tiep-tuc-tang-lai-suat-11729.html