Hàng loạt vụ trục lợi bảo hiểm xã hội bị 'lật tẩy'

Báo cáo sơ kết 5 năm (2012-2017) thực hiện quy chế phối hợp giữa Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho thấy tình trạng vi phạm, trục lợi quỹ BHXH, BHYT vẫn còn diễn ra phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước, với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp.

Thời gian tới BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát sẽ tập trung phối hợp trong đấu tranh, phòng chống các vụ việc vi phạm pháp luật về BHXH. Ảnh: Xuân Thảo.

Ngoài tình trạng né tránh nghĩa vụ trích nộp BHXH, nợ quỹ BHXH, còn phát sinh hiện tượng một số đơn vị lợi dụng kẽ hở chính sách về BHXH để lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT, lập khống hồ sơ khám chữa bệnh để bán thuốc thu lợi bất chính... dẫn đến tình trạng bội chi, mất cân đối quỹ BHXH, BHYT ở nhiều địa phương.

Nhiều kiểu trục lợi

Theo ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra BHXH Việt Nam, nhờ sự phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát về phòng chống tội phạm và BHXH Việt Nam, hàng loạt vụ việc, thủ đoạn trục lợi quỹ BHXH đã bị phanh phui. Đáng chú ý, việc trục lợi này diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Qua công tác nghiệp vụ, tiếp nhận, giải quyết đơn, thư tố giác, tin báo tội phạm về lĩnh vực BHXH, BHYT cho thấy các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật và một số quy định chưa chặt chẽ về BHXH, BHTN để thực hiện những hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, đặc biệt là quỹ ốm đau - thai sản.

Tại TP. Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lạm dụng các chế độ chính sách để trục lợi quỹ BHXH. Cụ thể, một số cá nhân ở địa phương này đã bắt tay nhau chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng tiền trợ cấp của 35 hồ sơ hưởng chế độ thai sản, 4 hồ sơ hưởng chế độ BHXH một lần.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng thu gom sổ BHXH của người tham gia BHXH đã nghỉ việc mà không nhận lại sổ, sau đó lập hồ sơ BHXH khống, chiếm đoạt tiền BHXH diễn ra ở nhiều nơi. Theo quy định, khi người lao động nghỉ việc, doanh nghiệp có trách nhiệm chốt sổ BHXH và trả cho người lao động. Nếu sau 12 tháng, người lao động không đến nhận sổ BHXH thì doanh nghiệp trả cho cơ quan BHXH lưu giữ nhằm bảo vệ quyền lợi của họ. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp không có ý thức chốt và trả sổ BHXH; người lao động ít khi nhận sổ BHXH sau khi nghỉ việc do thời gian làm việc ngắn hoặc đi xa…

Điều này đã tạo điều kiện cho đối tượng ngoài xã hội thông đồng với doanh nghiệp thu gom, mua sổ BHXH, sau đó làm giả, lập khống hồ sơ BHXH đề nghị hưởng trợ cấp BHXH một lần nhằm chiếm đoạt tiền BHXH. Hay có những doanh nghiệp cố tình lập và sử dụng 2 hệ thống thang bảng lương khác nhau để trục lợi, một để chi trả lương thực tế và một để đăng ký tham gia và làm cơ sở tính BHXH. Với thủ đoạn này, các doanh nghiệp đã trốn đóng một khoản tiền vào BHXH mà theo quy định lẽ ra phải đóng.

Ngoài ra, còn có hiện tượng lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng.

Đơn cử, tại Quảng Ninh, cơ quan chức năng đã phát hiện đơn vị làm giả giấy chứng sinh, giấy khai sinh bản sao, lập 2 bảng chấm công và bảng lương hàng tháng để trục lợi quỹ BHXH. Qua kiểm tra BHXH tỉnh đã thu hồi 485 triệu đồng, đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc cho PA81 và cơ quan Công an đã khởi tố vụ án “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chếm đoạt tài sản”, điều tra làm rõ vụ án, truy tố 4 bị can.

Để người dân thực sự hưởng lợi từ BHXH, BHYT

Đánh giá về tình hình phối hợp giữa hai ngành trong thời gian qua, Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng, việc phối hợp giữa hai ngành có thời điểm chưa được thường xuyên và toàn diện, còn lúng túng, chưa được chặt chẽ, nhịp nhàng. Trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, mới chỉ tập trung ở các đơn vị sử dụng lao động có số nợ đọng lớn kéo dài và có dấu hiệu lạm dụng chế độ thai sản. Những hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình phối hợp đã dẫn đến việc trao đổi thông tin hoặc cung cấp hồ sơ về tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT chưa được kịp thời, chưa tập trung, là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN xảy ra quá lâu, chưa được phát hiện, giải quyết.

Mặc dù các quy định của pháp luật ngày càng chi tiết, cụ thể và xử phạt nặng hơn với các hành vi trục lợi quỹ BHXH, BHYT, nhưng trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, luật pháp chưa điều chỉnh hết, các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN chắc chắn tiếp tục bị nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn.

Trước tình trạng nói trên, để người dân thực sự hưởng lợi từ BHXH, BHTYT, trong thời gian tới BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát sẽ tập trung phối hợp trong đấu tranh, phòng chống các vụ việc vi phạm pháp luật đang diễn ra tiêu biểu hiện nay như: Làm giả hồ sơ tham gia BHXH, BHYT; mua bán giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; cầm cố sổ BHXH...

Trong giai đoạn tới, việc phối hợp giữa hai ngành sẽ được điều chỉnh kịp thời theo những thay đổi của pháp luật nói chung và pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nói riêng; quy định chi tiết việc thường xuyên trao đổi thông tin để nắm bắt tình hình hoạt động liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN và thông báo kịp thời âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động các loại tội phạm trong lĩnh vực này.

Trong 5 năm, từ 2012-2017, BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Công an và các cơ quan có liên quan ở địa phương thực hiện được 835 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh liên ngành tại 2.308 đơn vị (trong đó có 2.228 đơn vị sử dụng lao động; 80 cơ sở khám chữa bệnh BHYT; phối hợp xác minh làm rõ 86 hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật). Đến nay, đã có 58 BHXH tỉnh, thành phố đã phối hợp với Công an địa phương thực hiện ký kết các Chương trình, Kế hoạch phối hợp trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hang-loat-vu-truc-loi-bao-hiem-xa-hoi-bi-lat-tay.aspx