Hàng 'made in Vietnam': Băn khoăn hàm lượng giá trị gia tăng 30%

Liên quan tới dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam được Bộ Công Thương đưa ra mới đây, các chuyên gia cùng các DN đều bày tỏ băn khoăn xung quanh con số tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng đạt 30%.

Tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng 30% được nhận định chưa hẳn đã phù hợp với mọi ngành hàng sản xuất của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Chưa phù hợp cho mọi ngành hàng

Theo dự thảo Thông tư, hàng hóa được coi là hàng hóa của Việt Nam trong các trường hợp: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam; hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa theo quy định tại Điều 9 Thông tư.

Cụ thể, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam sẽ được coi là hàng hóa của Việt Nam nếu đáp ứng tiêu chí gồm: Thứ nhất là tiêu chí “Chuyển đổi mã số hàng hóa” (CTC), là sự thay đổi về mã HS của hàng hóa ở cấp 2 số, 4 số hoặc 6 số so với mã HS của nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam (bao gồm nguyên liệu NK và nguyên liệu không xác định được xuất xứ) dùng để sản xuất ra hàng hóa đó. Thứ hai là tiêu chí “Hàm lượng giá trị gia tăng” (VAC). VAC được tính dựa vào các yếu tố về trị giá nguyên liệu đầu vào và trị giá xuất xưởng của hàng hóa. Một hàng hóa được coi là có xuất xứ Việt Nam khi trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam chiếm ít nhất 30% giá trị xuất xưởng của hàng hóa đó; đồng thời hàng hóa phải vượt qua khâu gia công đơn giản.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy- đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, hàm lượng giá trị gia tăng 30% là tỷ lệ hợp lý, không mới. Con số này từng xuất hiện tại các nghị định và thông tư hướng dẫn xuất xứ hàng hóa không ưu đãi từ Việt Nam XK đến các thị trường mà Việt Nam chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong trường hợp DN không đạt được tỷ lệ 30%, DN có thể sử dụng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa. "Đây là điểm ưu việt của dự thảo Thông tư mà Bộ Công Thương đưa ra. DN có thể lựa chọn linh hoạt giữa sử dụng hàm lượng giá trị gia tăng là 30% hoặc tiêu chí chuyển đổi mã HS ở cấp độ 2 số, 4 số và 6 số”, bà Thùy đánh giá.

Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Tiến Trường- Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam nêu quan điểm: Với những mặt hàng sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, hệ số tiền lương rất lớn thì việc đạt hệ số VAC không khó. Với ngành dệt may Việt Nam, hệ số này trung bình đạt 45-48%. Tuy nhiên, với một số ngành sử dụng không nhiều lao động trong khi chi phí nguyên vật liệu rất lớn thì có thể VAC lại trở thành điểm khó tính toán.

Không đáp ứng được thì ghi nhãn thế nào?

Xung quanh dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương, Luật sư Phạm Duy Khương - Giám đốc Công ty SB Law đặt ra vấn đề: Cùng một mặt hàng tại thời điểm này DN đáp ứng được quy định hàng hóa "made in Vietnam" nhưng tại thời điểm khác khi nguyên liệu đầu vào hoặc giá trị nhân công thay đổi, giá trị phân bổ thay đổi, tính toán lại tạo ra kết quả khác, lệch hoàn toàn so với ngưỡng cho phép.

Khá quan tâm tới quan điểm mà Luật sư Phạm Duy Khương đưa ra, bà Thùy phân tích thêm: Cách tính VAC phụ thuộc vào giá trị nguyên liệu đầu vào và giá trị thành phẩm đầu ra. Con số này tùy biến, tùy thuộc vào từng thời điểm bán hàng. Tuy nhiên, rõ ràng các nhà soạn thảo thông tư đã đưa cho DN 2 sự lựa chọn. Nếu không chọn cách tính VAC, DN có thể chọn phương án chuyển đổi mã số hàng hóa. "Đây là tiêu chí rất ưu việt vì nó có tính ổn định, dễ dự đoán. Mã HS thống nhất với tất cả các quốc gia là thành viên của Tổ chức Hải quan thế giới", bà Thùy nhấn mạnh.

Ngoài câu chuyện về tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng 30% nêu trên, nhắc tới dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương, nhiều ý kiến lại quan tâm tới khía cạnh, nếu không đáp ứng được quy định để có thể gắn nhãn hàng hóa là "made in Vietnam", hàng hóa sẽ được gắn nhãn như thế nào. Ví dụ trong trường hợp, tỷ lệ nội địa hóa tính toán ra chỉ đạt 25%, trong khi những thành phần khác như của Nhật Bản chiếm 35%, của Trung Quốc chiếm 40% thì hàng hóa sẽ được ghi xuất xứ như thế nào. Nói như ông Phạm Ngọc Hưng-Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. HCM thì: "Đây là điểm cần tính toán chi tiết hơn bởi không đơn giản xác định được tỷ lệ này".

Đồng quan điểm, Luật sư Trần Ngọc Trung-cố vấn cao cấp của Công ty Luật Baker & McKenzie cũng đặt ra câu hỏi: “Nếu đạt đủ tiêu chí về quy định xuất xứ của thông tư, hàng hóa sẽ được ghi nhãn "made in Vietnam’". Vậy khi không đáp ứng yêu cầu, hàng hóa sẽ ghi sản xuất ở đâu?”. Vị luật sư này khẳng định, dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương chưa đề cập đến tình huống này nên chưa giải quyết được câu chuyện đang tồn tại.

Một số ý kiến đánh giá: Ở thời điểm hiện tại, việc đưa ra một bộ tiêu chí hàng "made in Vietnam" cho tất cả loại hàng hóa là chưa cần thiết. Thay vì làm một bộ quy chuẩn mọi mặt hàng, trước mắt, Việt Nam có thể ưu tiên vào một số nhóm cụ thể, đặc thù, là lợi thế của Việt Nam.

Uyển Như

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/hang-made-in-vietnam-ban-khoan-ham-luong-gia-tri-gia-tang-30-109869-109869.html