Hằng Nga chưa từng muốn trở thành nữ thần Mặt Trăng?

Điều gì đã khiến Hằng Nga trở thành nữ thần Mặt Trăng của Thần thoại Trung Hoa, tạo nên một trong những dịp lễ quan trọng nhất trong năm ở Trung Quốc ngày nay?

Theo thần thoại Trung Hoa, Hằng Nga được cho là chưa từng muốn trở thành nữ thần Mặt trăng. Chồng của Hằng Nga là Hậu Nghệ - một cung thủ điêu luyện. Khi thế giới bị đe dọa bởi hàng loạt các Mặt trời, các vị thần đã nhờ đến Hậu Nghệ để bắn hạ, chỉ để lại một Mặt trời cuối cùng.

Sau khi giải cứu thế giới, Hậu Nghệ muốn sở hữu thuốc trường sinh, loại thuốc giúp người uống trở nên bất tử và trở thành tiên sống trên thiên đình, theo truyền thuyết.

Nhân vật Hằng Nga từng xuất hiện trong nhiều bộ phim truyền hình và điện ảnh Trung Quốc.

Hằng Nga là một phụ nữ sống theo nguyên tắc và hết lòng tận tụy. Cô buộc phải uống loại thuốc này vì nhiều lý do.

Để tôn vinh sự hy sinh và ý thức trách nhiệm của Hằng Nga, người Trung Hoa tổ chức một lễ hội để vinh danh cô và được gọi là Tết Trung thu. Trung thu được tổ chức vào dịp trăng tròn giữa mùa thu, là một trong những ngày lễ nổi tiếng nhất ở khắp châu Á.

Tuy nhiên, có một số bất đồng về lý do Hằng Nga trở thành nữ thần Mặt trăng. Câu chuyện về Hằng Nga có nội dung là một trong những nhiệm vụ kiên quyết phải thực hiện hay mất mát đau lòng và sự chia ly, còn tùy thuộc vào người kể chuyện, theo trang mạng Mythology Source.

Hằng Nga trở thành nữ thần Mặt trăng như thế nào?

Theo thần thoại Trung Hoa, trước khi Mặt trăng xuất hiện thì thế giới có nhiều Mặt trời.

Hi Hòa - nữ thần Mặt trời sinh ra 10 người con, tồn tại dưới dạng những con chim đen và sống trong một cây dâu tằm ở rìa phía đông của thế giới.

Mỗi ngày, Hi Hòa đưa một trong những người con trai lên cỗ xe để bay khắp bầu trời. Chín con chim khác ở trong tổ để đảm bảo chỉ có một Mặt trời xuất hiện mỗi ngày.

Trải qua nhiều ngày, những con chim ngày càng trở nên khó kiểm soát. Chúng bất tuân lệnh Hi Hòa, đều bay khỏi tổ cùng lúc.

Ánh nắng và nhiệt độ cao của 10 Mặt trời thiêu đốt vạn vật trên Trái đất, gây ra cháy rừng, hạn hán. Cây cỏ, động vật dần biến mất.

Nhân vật Hằng Nga trong bộ phim Bảo Liên Đăng tiền truyện của Trung Quốc.

Cha của 10 Mặt trời, thần nông nghiệp Đế Tuấn kêu gọi các con quay về nhưng không được. Không còn cách nào khác, Đế Tuấn nhờ cậy Hậu Nghệ dù không muốn thấy các con phải chết. Nhưng nếu không làm như vậy, thế giới sớm muộn sẽ bị hủy diệt.

Hậu Nghệ bắn hạ từng Mặt trời một, cho đến khi còn lại một Mặt trời cuối cùng. Nữ thần Hi Hòa cầu xin giữ lại một Mặt trời và đó là Mặt trời duy nhất trên thế giới ngày nay.

Hậu Nghệ được coi là anh hùng và theo một phiên bản truyền thuyết, được người hạ giới phong làm vua. Nhưng vị vua này sớm muộn cũng trở nên tàn bạo và độc đoán.

Hằng Nga rất yêu chồng nhưng nhận ra chồng mình ngày càng trở thành bạo chúa. Khi phát hiện Hậu Nghệ muốn tìm thuốc trường sinh, Hằng Nga đã quyết tâm ngăn cản.

Cuối cùng, Hằng Nga đánh cắp thuốc trường sinh mà Hậu Nghệ tìm được để trở thành nữ thần. Cô hành động không vì bản thân mà vì muốn bảo vệ thế giới.

Hậu Nghệ tức giận, truy tìm vợ khắp nơi. Hằng Nga bay lên trời và ở đó để né tránh, trở thành nữ thần Mặt trăng. Về phần Hậu Nghệ, nhân vật này sau đó qua đời trong cơn tức giận không nguôi.

Phiên bản khác của câu chuyện

Một phiên bản khác cho rằng, Hằng Nga có động cơ khác để trở thành nữ thần Mặt trăng, theo Mythology Source. Trong câu chuyện này, Hậu Nghệ nhận được thuốc trường sinh là phần thưởng vì đã giải cứu thế giới.

Nhưng không bỏ lại người vợ yêu dấu, Hậu Nghệ quyết định để dành thuốc trường sinh cho đến khi về già.

Hậu Nghệ đưa thuốc cho Hằng Nga giữ. Tuy nhiên, nhiều người khác sau đó đã biết về bí mật này.

Một ngày nọ, khi Hậu Nghệ đi săn, một đệ tử đã lẻn vào nhằm đánh cắp thuốc trường sinh. Hằng Nga không còn cách nào khác đành tự mình uống thuốc trường sinh để ngăn người khác giành được.

Hằng Nga và Hậu Nghệ bị chia lìa trong bộ phim truyền hình "Thường Nga Bôn Nguyệt" của Trung Quốc.

Hằng Nga sau đó trở thành tiên, sống trên thiên đình. Khi được chọn nơi ở, Hằng Nga chọn Mặt trăng để mỗi ngày có thể ở trên cao dõi theo chồng mình.

Khi Hậu Nghệ trở về nhà, anh rất đau lòng vì mất vợ. Hậu Nghệ thương tiếc vợ trong suốt phần đời còn lại. Nhưng Hậu Nghệ biết Hằng Nga trên thiên đình luôn dõi theo mình, nên đã chọn loại bánh và trái cây mà cô thích để khi cô nhìn xuống từ Mặt trăng, vẫn biết rằng anh luôn dành tình yêu cho cô.

Hành động này của Hậu Nghệ được cho là hình thành nên Tết Trung thu ở Trung Hoa.

Bánh trung thu và các loại bánh ngọt khác là một phần quan trọng trong truyền thống của lễ hội ở Trung Quốc. Chúng được cho là được Hằng Nga ban phước lành và mang lại vẻ đẹp cũng như sự thịnh vượng cho những ai ăn vào dịp trung thu.

Cách lý giải theo góc nhìn hiện đại

Lễ hội Trung thu ở Trung Quốc gắn liền với câu chuyện về Hằng Nga.

Theo Mythology Source, câu chuyện thứ hai dường như là phiên bản cải biên để phù hợp hơn với lễ hội trung thu ngày nay ở Trung Quốc. Nhưng trong cả hai phiên bản, Hằng Nga đều đã chấp nhận hi sinh bản thân vì lợi ích lớn lao, không vì muốn trở thành thần tiên.

Lễ Trung thu được tổ chức trên khắp châu Á, ban đầu là một lễ hội thu hoạch, đây là thời điểm để cảm ơn và họp mặt gia đình.

Ngày nay, lễ hội được biết đến với màn trình diễn thức ăn, đèn lồng đầy màu sắc và các trò chơi. Để vinh danh Hằng Nga, lễ hội cũng mang màu sắc tình yêu.

Tết Trung thu ở Trung Quốc được coi là thời điểm lý tưởng để tìm bạn đời. Những cô gái trẻ cầu nguyện Hằng Nga với hy vọng rằng nữ thần sẽ giúp họ tìm được một nửa mà họ yêu, tương tự như tình yêu của Hằng Nga với Hậu Nghệ.

Theo Đăng Nguyễn/Người Đưa Tin

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/hang-nga-chua-tung-muon-tro-thanh-nu-than-mat-trang-1870125.html