Hàng ngàn ha cây trồng ở Đông Nam Bộ có nguy cơ thiếu nước

Những tháng qua, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên nhiệt độ ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ tăng cao. Nắng nóng khiến mực nước ao hồ, sông suối cạn sâu, nguy cơ thiếu nước tưới, nước sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Các địa phương vùng Đông Nam Bộ đang ra sức tìm giải pháp ứng phó.

Nhiều hộ dân, cây trồng thiếu nước

Bà Lê Thị Yên ở thôn 1, xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận có 1,5 ha điều đang ra hoa, nhưng từ đầu tháng 3 đến này nắng nóng khô hanh, dòng sông Bà Bích đã trơ đáy không đủ nước cung cấp cho tưới tiêu khiến bà Yên rất lo lắng. Nếu diện tích điều của gia đình bà Yên không kịp thời cung cấp nước tưới trong thời điểm ra hoa thì chắc chắn năng suất sẽ rất thấp, có khi mất mùa.

Xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, bà con chở từng can nước

Nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua làm cho nhiều hồ chứa nước ở tỉnh Bình Thuận xuống mực nước chết. Nắng nóng gay gắt khiến nhiều người dân ở các địa phương trong tỉnh lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt, nhiều diện tích cây trồng bị thiếu nước tưới. Ảnh hưởng nặng nề nhất là huyện Hàm Thuận Nam, hồ Tà Mon đã khô cạn, còn hồ Tân Lập mực nước chỉ còn 300.000 m3.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, hạn hán kéo dài ảnh hưởng nặng nề cho sản xuất, sinh hoạt của người dân: "Theo báo cáo của địa phương, hiện nay có 24 xã thiếu nước cục bộ, khoảng 90.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Đối với cây trồng hơn 1.000ha thanh long thiếu nước tưới, gần 300ha bị chết. Trước mắt công ty khai thác thủy lợi phải điều tiết nước, các địa phương phải phối hợp để dẫn nước, hệ thống kênh mương nội đồng phải nạo vét thông suốt, phải áp dụng các công nghệ tưới nước tiết kiệm, tưới phun, tưới nhỏ giọt".

Nắng nóng gay gắt cuối giờ chiều tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai (Ảnh: Hoàng Nam)

Khảo sát mực nước hồ Đá Bàn ở Bình Dương để đảm bảo nước tưới cho người dân (ảnh: Thiên Lý)

Còn tại tỉnh Bình Phước, nắng nóng, thiếu nước tưới tiêu đang đe dọa vườn cây ăn trái, vườn tiêu, vườn điều của bà con nông dân ở 4 huyện: Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đăng và Bù Gia Mập. Qua thống kê, diện tích cây trồng bị thiệt hại khoảng 7.900 ha, trong đó có gần 32ha lúa, 33ha hồ tiêu, hơn 1.600ha cà phê, còn lại là cây ăn trái, cây hàng năm, cây lâu năm. Nắng nóng còn khiến các giếng nước ở Bình Phước khô cạn, làm cho gần 1.200 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Bà Nguyễn Thị Bạch Lan ở thôn Bù La, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước cho biết, gia đình có giếng khoan nhưng nay đã cạn nước nên phải đi mua nước về xài. Một xe nước nhỏ có giá khoảng 200.000 đồng, gia đình xài được trong 4 ngày.

Cũng như Bình Thuận, Bình Phước, hạn hán đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân vùng Đông Nam bộ.

Nỗ lực ứng phó

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, năm nay, các tỉnh, thành Đông Nam Bộ mùa mưa sẽ đến muộn vào khoảng cuối tháng 5, do đó tình hình hạn hán còn kéo dài. Trước thực tế này, UBND các tỉnh, thành đã chỉ đạo đơn vị liên quan tìm giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Nước hồ chứa ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cạn sâu (ảnh: Thiên Lý)

Ông Đỗ Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu cho biết, thời điểm này, lượng nước tại các hồ, đập trên địa bàn tỉnh còn khoảng 30 triệu m3, đảm bảo nhu cầu tưới 6.300ha vụ Đông Xuân, tưới hỗ trợ cây trồng khác là 2.900ha và nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Với thời tiết nắng nóng này thì nguy cơ một số hồ, đập sẽ xuống mực nước chết, do đó tỉnh đã có giải pháp để đảm bảo nước tưới cho bà con.

Ông Thảo nói: "Tỉnh đã tính toán, cân bằng nguồn nước từ trước, không lo ngại vấn đề thiếu nước. Nhìn chung vụ Đông Xuân 2024 vẫn đảm bảo cấp nước cho bà con, kể cả mùa khô 2024 trữ lượng tại các hồ chứa nước vẫn đảm bảo cấp cho sinh hoạt và sản xuẩt nông nghiệp".

Còn tại Bình Dương, hiện nay 31 nhà máy cấp nước nông thôn ở các xã hoạt động liên tục nên không xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Riêng sản xuất nông nghiệp chiếm diện tích nhỏ, chủ yếu tập trung ở huyện Bắc Tân Uyên, TP. Tân Uyên. Để đảm bảo nước tưới cho vườn cây ăn trái ở 2 địa phương này có 8 trạm bơm nước dưới sông Đồng Nai lên tưới, 2 hồ chứ nước là Đá Bàn và Dốc Nhàn.

Công trình hồ chứa nước Sông Hỏa, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Ông Nguyễn Khánh Trường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Dương cho biết, hồ Đá Bàn lượng nước tích trữ phục vụ tưới tiêu cho bà con đến hết mùa khô, riêng hồ Dốc Nhàn có khả năng thiếu nước: “Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo, cảnh báo đơn vị quản lý hồ thực hiện các giải pháp quản lí, vận hành, điều tiết nước tưới tiết kiệm, để cân đối đủ nước tưới cho tới mùa mưa. Đồng thời các kênh cũng được nạo vét, khơi thông để gia tăng sức tải nước, chuyển nước cung cấp nước tưới cho khu vực sản xuất canh tác cần nước tưới”.

Ở tỉnh Đồng Nai, nắng nóng kéo dài làm cho dung tích các hồ chứa chỉ còn hơn một nửa. Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chủ động triển khai nhiều kế hoạch, phương án ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước. Trong đó, Sở tiếp tục theo dõi, hỗ trợ địa phương triển khai kế hoạch gieo trồng vụ đông - xuân gắn với công tác tích trữ, điều tiết nguồn nước từ các công trình để phục vụ sản xuất theo kế hoạch; chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giống cây trồng tại các vùng sản xuất có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn vào mùa khô…

Để ứng phó với hạn hán, chính quyền cũng mong muốn sự chung tay của tất cả mọi người trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Ngoài ra, các địa phương trong vùng cũng đang tìm giải pháp lâu dài để ứng phó với hạn hán và bảo vệ nguồn nước chứ không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt.

Thiên Lý-Thụy Sĩ-Lưu Sơn/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hang-ngan-ha-cay-trong-o-dong-nam-bo-co-nguy-co-thieu-nuoc-post1085927.vov