Hàng ngàn người dân lao đao vì… trại gà

Đầu năm 2018, khi Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ thuộc tập đoàn Hòa Phát (Công ty Hòa Phát) bắt đầu đi vào hoạt động thử nghiệm cũng là thời điểm các hộ dân thuộc xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) bức bối, khổ sở vì ô nhiễm.

Dân kêu với xã, xã báo lên huyện, đã nhiều đoàn kiểm tra về làm việc, biên bản được lập, doanh nghiệp thừa nhận, cam kết sẽ khắc phục nhưng đến nay tình trạng vẫn chưa được xử lý.

Lo lắng tình trạng ô nhiễm kéo dài

Cách đây không lâu, người dân xã Đồng Lương còn vui mừng vì Công ty Hòa Phát về địa phương mở trại gà. Bởi họ nghĩ, đây là cơ hội để phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhân dân. Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang thì tình trạng ô nhiễm do trại gà gây ra đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của họ. Thấy phóng viên đến tìm hiểu về thực trạng ô nhiễm môi trường, người dân xúm lại, than thở.

Bà Nguyễn Thị Khang (khu 16), đưa đứa cháu nhỏ bịt kín khẩu trang ra tận cổng trại gà để phản đối. Bà Khang bức xúc: "Chúng tôi đã phải chịu đựng cảnh này hơn 1 năm nay rồi. Hôm nay giữa trưa còn đỡ, chứ đến đây vào buổi sáng sớm hay chiều muộn thì không thể chịu nổi. Cuộc sống của hàng nghìn người dân bỗng nhiên đảo lộn hết cả. Tất cả các hộ dân sống ở đây muốn ăn cơm ngon miệng, xem tivi thoải mái thì đều phải mắc màn. Nếu không làm vậy, ruồi nó ăn hết thức ăn trước khi chúng tôi ăn".

Hễ ra đường là người dân nơi đây đều phải đeo khẩu trang.

Hễ ra đường là người dân nơi đây đều phải đeo khẩu trang.

Ông Hà Minh Dụ (xóm Chăn Nuôi, khu 16), người được nhân dân tin tưởng, đứng ra đại diện gửi đơn đến các cấp chính quyền thời gian vừa qua. Ông Dụ lắc đầu ngán ngẩm: "Nếu chị về đây vào buổi sáng sớm hoặc tối muộn thì chắc chắn kiểu gì cũng bị ói. Người lạ sẽ không chịu nổi cái mùi nồng nặc ấy đâu. Chúng tôi đã gửi rất nhiều đơn thư lên các cấp chính quyền nhưng hơn 1 năm nay vẫn chưa được giải quyết".

Chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Ngọc (75 tuổi, khu 16), ngôi nhà sạch sẽ, khang trang nhưng luôn "cửa đóng then cài". Nói chuyện với chúng tôi nhưng bà Ngọc không quên dùng vỉ đập ruồi, bà Ngọc nói: "Uống chén nước cũng mất ngon.

Từ ngày Công ty Hòa Phát về đây nuôi gà, ruồi nhặng kéo về như vãi đỗ. Những hôm trời nồm, mùi hôi gắt nồng đến nhức đầu, dọn mâm cơm ra mà không nuốt nổi. Ruồi nhặng vo ve khắp nơi, ngồi thái rau cho lợn mà tôi đánh được vài trăm con, cả chục mảnh dính ruồi đặt khắp nhà đen đặc.

Ngày trước có bao giờ phải dùng đến vỉ ruồi đâu, bây giờ lại thành quen, lúc nào cũng cầm trên tay. Những ngày xuôi gió mùi phân gà xộc lên khiến người dân đi ngủ vẫn phải bịt khẩu trang".

Theo nhiều người dân nơi đây phản ánh, nếu tình trạng ô nhiễm kéo dài, họ sẽ phải chịu cảnh "mất con, mất cháu". Lý do là bởi con cái của họ sinh sống ở thủ đô hay nhiều nơi khác, đôi khi muốn đưa con, đưa cháu về thăm ông bà, bố mẹ cũng phải cân nhắc rất nhiều. Thường thì họ chỉ về chớp nhoáng vì không chịu nổi cái mùi nồng nặc sộc thẳng vào khí quản.

Tình trạng ô nhiễm môi trường nặng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Chỉ tính riêng xóm Chăn Nuôi cũng có tới gần 400 trẻ nhỏ, hàng trăm người già. Theo như phản ánh của người dân, từ khi xảy ra ô nhiễm người già và trẻ nhỏ mắc bệnh về đường hô hấp tăng đột biến.

"Như tôi đây, ngày nào cũng có cảm giác uể oải, mệt mỏi vì mùi hôi thối của phân gà hành hạ. Giờ tôi "nhập hộ khẩu" thường xuyên ở bệnh viện lao phổi rồi. Đời mình đã đành, nhưng còn con cháu, chả lẽ chúng nó cứ phải chịu khổ đến già hay sao?" - Bà Ngọc than thở.

Người dân tập trung trước Cổng trại gà để phản đối.

Không chỉ không khí, người dân khu 16 còn đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Ông Bùi Quang Thức Trưởng khu 16, cho hay hiện nay người dân khu 16 đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, giếng khoan của các gia đình dần bị cạn kiệt, nguy hại hơn là chất thải của gà tích tụ khi gặp mưa sẽ chảy ra ao, ra hồ khi đó sẽ ngấm xuống mạch nước ngầm. Gần đây rất nhiều hộ gia đình phản ánh cá trong ao chết hàng loạt.

Trại gà không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con, mà cũng là nguyên nhân khiến "nồi cơm" của họ bị vơi đi. Qua tìm hiểu, xã Đồng Lương nhiều đời nay người dân sống dựa vào nghề nuôi tằm sắn. Gần đây, nhiều hộ nuôi tằm phản ánh liên tục có hiện tượng tằm chết hàng loạt, mất trắng nhiều lứa tằm.

Ông Hà Minh Dụ phân tích: "Con tằm là một loài rất nhạy cảm, chỉ cần có một chút hóa chất bay vào là có thể bỏ ăn rồi chết. Gần đây, trại gà có phun hóa chất để khử mùi hôi thối của chất thải, theo hướng gió hóa chất đó bay vào nhà dân, con tằm sẽ chết. Thực tế đã có rất nhiều hộ gia đình mất trắng vì tằm bỏ ăn và chết rồi. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, người dân không chỉ chết vì ô nhiễm mà còn không biết làm gì để ăn".

“Mất bò mới lo làm chuồng”

Việc ô nhiễm môi trường do Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ gây ra chính quyền địa phương đã biết, cơ quan chức năng đã xử lý... nhưng đến nay vẫn trong tình trạng "dậm chân tại chỗ". Câu hỏi đặt ra là, tại sao một dự án lớn như vậy lại không xây dựng hệ thống xử lý chất thải của gà? Mà đến khi xảy ra ô nhiễm môi trường Công ty này mới bắt đầu cho xây dựng khu xử lý chất thải?

Qua tìm hiểu, sau khi kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ, ngày 16-11-2018, Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định xử phạt 70 triệu đồng về hành vi vi phạm hành chính: "Thực hiện không đúng một trong các nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu trong quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường".

Quá bức xúc vì ô nhiễm, nhiều người đã chặn xe chở cám của Công ty Hòa Phát.

Như vậy, việc để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường của Trại gà là không thể phủ nhận. Ông Vi Tiến Cường - Chủ tịch UBND xã Đồng Lương cho hay, người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm, chính quyền xã cũng đã báo cáo lên huyện, lập đoàn kiểm tra. Về phía công ty cũng đã cam kết khắc phục, xử lý. Tuy nhiên đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Gần đây, người dân khu Vạn Thắng phản ánh tình trạng ô nhiễm khiến cá trong ao của nhiều hộ chết hàng loạt. Ngay lập tức, UBND xã đã có buổi làm việc với Công ty Hòa Phát về tình hình xử lý phân gà của Công ty.

Đại diện Công ty là ông Phạm Ngọc Chính - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính có thừa nhận với truyền thông rằng: Từ ngày 15 - 3 - 2018, Công ty đã tiến hành chăn nuôi gà thương phẩm đẻ trứng với số lượng 246.000 con. Lượng phân gà thải ra khoảng 5-6 tấn/ngày.

Hiện tại Công ty chưa có khu xử lý phân gà mà chứa ở khu vực phía ngoài chuồng nuôi có mái che bằng tôn, không có tường, vách ngăn xung quanh và để cả ra khu vực đất trống ngoài trời với số lượng rất lớn, bên dưới có một ao nhỏ chứa nước thải.

Phân tươi không được xử lý tạo mùi hôi thối, khó chịu, lượng ruồi muỗi rất nhiều. Hiện tại, Công ty đã đào hố chôn lấp lượng phân đó trong khu vực chăn nuôi. Với số lượng và vị trí tập kết như vậy khi mưa nhiều, phân gà chảy xuống hồ Ngả Hai, xuôi xuống các ao nuôi cá, gây ô nhiễm nguồn nước dẫn đến cá chết. Đồng thời, khi nắng nóng hoặc thời tiết âm u, mùi phân bốc lên, trong phạm vi bán kính trên 1km bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối và ruồi muỗi…

Mùi hôi thối từ trại gà của Công ty Hòa Phát không chỉ ảnh hưởng tới người dân tại khu 16, mà còn ảnh hưởng đến cả người dân khu 14, đặc biệt là vào thời điểm từ chiều đến đêm. Ông Vi Tiến Cường thừa nhận: "Mỗi lần có xe tải chở phân gà đi qua mùi hôi thối vô cùng nặng. Nếu những người không quen có thể nôn ọe ngay tức khắc. Chúng tôi rất mong giải quyết được thực trạng này để đời sống nhân dân được ổn định".

Trước đó chính quyền xã đã mời người dân và cơ quan chức năng đến giải quyết tình trạng ô nhiễm, đồng thời tiến hành kiểm tra thực tế tại trại gà để tìm ra nguyên nhân. Sau khi kiểm tra, UBND xã đã báo cáo lên huyện và Sở tài nguyên và Môi trường về việc gây ô nhiễm của Công ty Hòa Phát để tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thay đổi gì.

Việc doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh doanh sản xuất đều được cả xã hội ủng hộ, tuy nhiên phải dựa trên cơ sở chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân.

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại xã Đồng Lương chỉ có thể xử lý được dứt điểm khi Công ty Hòa Phát chấp hành nghiêm nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã dược UBND tỉnh phê duyệt. Để làm được điều mà hàng nghìn người dân mong mỏi, cần phải có sự quyết liệt, mạnh mẽ hơn của cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và cả trách nhiệm của doanh nghiệp.

Phong Anh

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/hang-ngan-nguoi-dan-lao-dao-vi-trai-ga-561457/