Hàng nghìn câu hỏi nóng...

Hàng nghìn câu hỏi với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong buổi giao lưu trực tuyến nhân dịp đầu năm học mới 2009-2010 với chủ đề “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” diễn ra ngày 31/8, tại Hà Nội đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của nhân dân trước những vấn đề nóng trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay.

Chất lượng giáo dục vẫn là vấn đề lớn Tại buổi giao lưu, nhiều câu hỏi xoáy quanh vấn đề đảm bảo chất lượng giáo dục nước nhà và giải pháp của ngành giáo dục trong việc nâng cao chất lượng. Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hoạt động GD đòi hỏi nhiều yếu tố như chương trình GD, SGK, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ GD, đội ngũ giáo viên, phương thức tài chính cho giáo dục... Nhưng điều rất quan trọng còn nằm ở sự quản lý của Nhà nước đối với chất lượng giáo dục. Theo Phó Thủ tướng “Muốn quản lý chất lượng GD chúng ta còn cần những cơ quan chuyên trách. Đến năm 2004, trong Bộ GD&ĐT chưa có cơ quan chuyên trách về quản lý chất lượng giáo dục. Từ 2004 đến nay, chúng ta có Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng. Từ 2008 đến nay, 63 tỉnh, thành đã có Phòng khảo thí và đánh giá chất lượng. Đó là một bước chuyển biến trong quản lý chất lượng, đó là coi quản lý chất lượng là nhiệm vụ hàng đầu của Nhà nước trong quản lý GD”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (giữa) cùng các lãnh đạo Bộ GD-ĐT trong buổi giao lưu trực tuyến. Khâu đột phá, theo Phó Thủ tướng, chính là đổi mới quản lý Nhà nước đối với hệ thống GD&ĐT. Khâu đổi mới này trước tiên liên quan đến việc phải có quy hoạch và chiến lược GD. Gần đây, ngành đã có quy hoạch phát triển GDĐH 2005-2020 được Thủ tướng phê duyệt; Chiến lược giáo dục 2000-2010. Vấn đề thứ hai, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cần phải làm để nhanh chóng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo là chuẩn hóa không chỉ về chương trình, sách giáo khoa mà còn cần chuẩn hóa cả đội ngũ thầy cô giáo lẫn phương tiện đào tạo. Đặc biệt càng ngày càng cần chuẩn hóa về công tác quản lý. Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận chính sự hạn chế, yếu kém trong quản lý là khâu tắc nghẽn nặng nề nhất trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. “Vì thế, khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục chính là đổi mới quản lý nhà nước đối với hệ thống GD&ĐT”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh... Vẫn nặng nề chuyện lạm thu đầu năm học mới Nhiều phụ huynh lo lắng với những khoản thu tự nguyện sẽ là gánh nặng cho nhiều gia đình. Một số phụ huynh đặt câu hỏi Bộ GD&ĐT làm thế nào để giảm bớt gánh nặng này cho xã hội, chấn chỉnh tình trạng lạm thu dưới danh nghĩa Hội Phụ huynh HS. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Hiện nay đối với các trường công lập, phần kinh phí chăm lo cho các em học sinh vẫn được Nhà nước đảm bảo cơ bản là đủ, tuy nhiên trong thực tiễn còn nhiều trường mà xuất phát từ phụ huynh học sinh muốn con em mình có điều kiện học tập tốt hơn nên Hội phụ huynh học sinh cũng có thể quyên góp, vận động để tăng thêm điều kiện hỗ trợ như đun nước uống cho các em, trang bị thêm quạt, điện, ánh sáng, bảng chống lóa... Ông Hiển cũng thừa nhận, trong thực tiễn, vẫn có một số nhà trường, thậm chí có một số Ban đại diện cha mẹ học sinh, thì cũng muốn làm cho tiện, cho nhanh nên cứ ra chỉ tiêu thu góp mà không có thuyết phục, không giải thích, những đối tượng khó khăn thì không miễn thu. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã có quy định trong Quy chế của Ban đại diện cha mẹ học sinh là Hội cha mẹ học sinh hoạt động trên cơ sở nguyên tắc đồng thuận, nghĩa là nếu như ai không thuận thì không phải làm chứ không bắt buộc và cũng quy định trách nhiệm của các nhà trường là nếu như Hội phụ huynh có huy động thì nhà trường phải có trách nhiệm tham gia quản lý nguồn tiền này cho có hiệu quả, tránh lãng phí và phải thanh toán công khai với Hội phụ huynh học sinh vào những dịp họp phụ huynh như cuối học kỳ, cuối năm học. Theo đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, từ năm 2009, ngành giáo dục thực hiện 3 công khai tại tất cả các bậc học: Mỗi cơ sở giáo dục phải công khai cam kết chất lượng (ví như các trường ĐH-CĐ phải công bố sinh viên của mình sau 1 năm tốt nghiệp có bao nhiêu phần trăm có việc làm, bao nhiêu phần trăm làm đúng nghề); Tiếp đến là công khai về nguồn lực (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất như thế nào để phục vụ công tác giảng dạy); Cuối cùng là công khai tình hình tài chính. Như vậy, đổi mới quản lý chính là khâu đột phá trong đó bên cạnh giải pháp lâu dài, cần chọn giải pháp trước mắt cho từng thời kỳ. Thanh Phúc

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/2009090309298132p0c61/hang-nghin-cau-hoi-nong.htm