Hàng nghìn hécta đất hoang hóa trong... các khu kinh tế (Kỳ 1)

Những năm qua, nhiều tỉnh, thành ở miền Trung đã nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế, phát huy triệt để nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nghiêm túc mà nhìn nhận rằng, chỉ riêng trong câu chuyện quy hoạch, thực hiện quy hoạch và thu hút đầu tư vào các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) tại khu vực này cho thấy đang có nhiều tồn tại, bất cập đến khó ngờ, cần được tiếp tục quan tâm tháo gỡ. Đây cũng là một trong những giải pháp đáng chú ý để 'khúc ruột' của cả nước cất cánh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW về 'Phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045' của Bộ Chính trị.

Miền Trung hiện có 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương, được phân thành 3 tiểu vùng là: Bắc Trung Bộ (gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) và vùng Nam Trung Bộ (gồm: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Trải dài khoảng 1.400km, dải đất ven biển miền Trung hiện có 11 khu kinh tế (KKT), chiếm 61% so với cả nước. Hầu hết đều được quy hoạch rất bài bản, đầy đủ các khu chức năng như: khu phi thuế quan, khu bảo thuế, khu chế xuất, KCN, khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính,…

Kỳ vọng vẫn là kỳ vọng

Thời gian qua, một số KKT tại khu vực này được tập trung đầu tư, đã phát huy hiệu quả, thu hút được một số dự án lớn quan trọng đã đi vào hoạt động như: Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn; các nhà máy xi măng, nhiệt điện (KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa), Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Nhà máy TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi); KCN cơ khí ôtô Chu Lai - Trường Hải (KKT mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam);… góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng với tỷ lệ giá trị các ngành kinh tế biển đóng góp ngày càng cao trong tổng GRDP của đất nước.

Một góc Khu kinh tế Hòn La, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Dương Sông Lam.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả cơ bản đáng ghi nhận như vừa kể, thực tế tại nhiều KKT ở miền Trung, kể cả những KKT mà chúng tôi vừa kể ra ở trên, đang tồn tại nhiều điều bất cập; dễ thấy nhất tình trạng chậm tiến độ thi công xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư kém, tỉ lệ lấp đầy thấp, trì trệ kéo dài; từ đó dẫn đến hệ lụy đất đai bị hoang hóa hàng chục nghìn hécta, lãng phí lớn kéo dài trong nhiều năm. Chẳng hạn như tại KKT Dung Quất (rộng hơn 45.000ha), bên cạnh những dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, toàn KKT này có trên 100 dự án chậm tiến độ; thậm chí có dự án "ôm" hàng trăm hécta đất rồi bỏ hoang nhiều năm qua. Như dự án Khu du lịch Thiên Đàng, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư (năm 2005) với diện tích 286ha, chủ đầu tư (CĐT) liên tục xin… điều chỉnh tiến độ. Thế nhưng sau 16 năm, khu vực dự án với hàng loạt công trình dở dang bị bỏ hoang, nhiều lần bị tỉnh ra "tối hậu thư"... Lãnh đạo UBND tỉnh từng nhìn nhận KKT Dung Quất đang tồn tại điều hết sức vô lý, rằng "đất đai còn bạt ngàn nhưng đụng đến đâu cũng… có chủ".

Trong KKT Nghi Sơn có dự án KCN luyện kim (rộng khoảng 480ha do Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nghi Sơn làm CĐT, được chấp thuận chủ trương đầu tư 7/2007, điều chỉnh lần 3 tháng 1/2012) được đánh giá là chậm tiến độ (phần chưa GPMB gần 80ha); chậm lấp đầy phần đất công nghiệp đã được đầu tư, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ. Cũng trong KKT này còn có dự án KCN số 3, rộng gần 250ha cũng có tiến độ thực hiện rất chậm. Nguyên nhân có phần do CĐT - Công ty CP Tập đoàn Xây dụng Miền Trung, chưa chủ động thực hiện, không tập trung nguồn vốn để đầu tư dự án.

Khu công nghiệp Vũng Áng 1 có nhiều dự án đầu tư thứ cấp, nhưng phần lớn vẫn đang cầm chừng, manh mún. Ảnh: Thiên Thảo.

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện KKT Nghi Sơn đã được quy hoạch 25 phân KCN, với diện tích khoảng 9.058ha. Trong số 23/25 phân KCN này, chỉ có 4 KCN đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng (các KCN luyện kim, số 1, 3 và số 15, tức Đồng Vàng); còn lại, có tới 19 KCN chưa có chủ đầu tư hạ tầng. Trong khi đó, quá trình vận động, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng KCN cũng như nhà đầu tư thứ cấp còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt kết quả như mong muốn. Nguyên nhân là do hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư; đa phần các KCN vẫn chưa được Nhà nước thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, GPMB theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Ông Bùi Tuấn Tự, Phó trưởng Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa cho biết, do không có quỹ đất "sạch" để giao cho các nhà đầu tư nên việc thu hồi đất của các dự án, quá trình bồi thường GPMB mất nhiều thời gian, dẫn đến dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư, tạo ra tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư. "Thực trạng xây dựng hạ tầng rất chậm tại các KCN trong KKT Nghi Sơn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp, đặc biệt là nguồn vốn FDI gặp khó trong thời gian gần đây. Cùng với đó, tuy có lợi thế về cảng biển nhưng tại KKT Nghi Sơn vẫn chưa có cảng container chuyên dụng và trung tâm logistics. Đây là hạn chế cơ bản khiến việc phát triển KKT Nghi Sơn và các KCN chưa đạt kỳ vọng", ông Tự chia sẻ thêm.

Nhiều dự án chậm tiến độ hoặc chỉ khởi công rồi dừng

Tại Hà Tĩnh, theo ông Phạm Trần Đệ, Phó trưởng BQL KKT tỉnh, sự cố môi trường tại KKT Vũng Áng vào tháng 4/2016 đã tác động đến tâm lý của các NĐT nên tiến độ triển khai thực hiện hầu hết các dự án vào KKT này chậm lại. Tiếp theo đó là ảnh hưởng của các cơn bão lớn năm 2017-2018; đặc biệt là tác động của đại dịch COVID-19 dẫn đến sự phát triển của KKT Vũng Áng chưa đạt được so với kỳ vọng ban đầu, việc kêu gọi thu hút các NĐT gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, đối với KCN Đại Kim nói riêng và KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nói chung, tác động lớn nhất khiến các NĐT e dè, thậm chí không mặn mà là do có sự thay đổi về hành lang pháp lý. Cụ thể, từ 9/2016, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 có hiệu lực. Từ đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 01/QĐ-TTg về việc bãi bỏ Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Chính từ các quy định vừa kể, KKT Cầu Treo không còn là khu phi thuế quan mà phải áp dụng các chính sách chung của cả nước đối với các KKT, các doanh nghiệp kinh doanh và NĐT trong KKT sau khi bị cắt giảm các ưu đãi gặp nhiều khó khăn; một số doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng đầu tư, kinh doanh do không có hiệu quả.

Tại Quảng Bình, BQL KKT tỉnh cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 10 KCN, trong đó có 3 KCN nằm trong KKT Hòn La nhưng nhà đầu tư cũng ngần ngại vào. Cụ thể, KCN Cảng biển Hòn La nay đã tròn 20 năm nhưng tỷ lệ lấp đầy hiện chỉ hơn 47%; KCN Hòn La II đã tròn 12… con giáp, nhưng cũng chưa tới 12%. Tệ hại nhất là KCN cửa ngõ phía Tây KKT Hòn La, sau 5 năm thành lập, diện tích đất giao và cho nhà đầu tư thuê thuê chỉ đúng 1ha, tỷ lệ lấp đầy có thể "bèo" nhất khu vực, chỉ 1,37%.

KKT Đông Nam Quảng Trị đang trong tình trạng bỏ hoang. Ảnh: Thanh Bình.

Trao đổi với PV Báo CAND, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết, trong gần 10 năm qua, tỉnh đã tổ chức 3 đợt xúc tiến đầu tư, nhiều công ty, doanh nghiệp ký biên bản ghi nhớ lên hàng chục tỷ USD nhưng sau hội nghị, rất ít nhà đầu tư thực hiện theo cam kết đầu tư. "Tới đây tỉnh sẽ thực hiện nghiêm công tác giám sát đánh giá, chấm dứt hoạt động các dự án chậm tiến độ kéo dài hoặc không triển khai trong các KCN dẫn đến lãng phí quỹ đất", ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chia sẻ.

Tại Quảng Trị, đầu năm 2010, tỉnh chủ trương quy hoạch, đầu tư KKT Đông Nam quy mô lên đến 23.792ha thuộc các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và Gio Linh. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề xuất này và ký quyết định thành lập KKT nói trên. Trên giấy tờ, KKT Đông Nam Quảng Trị sẽ thu hút được hàng chục dự án đầu tư; đặc biệt nhiều dự án đầu tư nước ngoài có nguồn vốn lớn, được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Thế nhưng, thực tế khác xa với mong muốn. Thi thoảng vài năm trong KKT này có một dự án được tổ chức khởi công rầm rộ nhưng không lâu sau đó lại vào trạng thái… "trùm mền", bỏ hoang.

Theo ông Trần Quang Trung, Phó BQL KKT Đông Nam Quảng Trị, đây là KKT biển đa ngành với mục tiêu tạo nên sự đột phá của tỉnh. Đến thời điểm này, KKT có 11 dự án được cấp chủ trương đầu tư, trong đó một số dự án đã làm lễ khởi công nhiều năm trước. "Tuy nhiên, điều rất đáng tiếc là tất cả dự án này đều… chậm tiến độ hoặc khởi công rồi để đó mà không tổ chức thi công", ông Trung thông tin.

Đi một vòng quanh KKT Đông Nam Quảng Trị, PV Báo CAND ghi nhận tình trạng đất đai bị bỏ hoang nhiều năm. Tại khu vực dự án xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy, do Công ty CP Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy làm CĐT, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 2019, có diện tích 685ha, hiện vẫn chỉ là một bãi đất trống. Hàng loạt dự án khác như: dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị công suất 1.200MW khởi công vào tháng 11/2019; Nhà máy sản xuất inox và thép hợp kim khởi công tháng 2/2020; Dự án Hệ thống cấp nước KKT Đông Nam Quảng Trị khởi công xây dựng vào tháng 10/2019,… đều đang trong tình trạng tương tự.

Chủ tịch UBND xã Hải An Lê Bá Phước cho hay, theo quy hoạch, toàn bộ xã Hải An nằm trọn trong KKT Đông Nam bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các dự án Cảng Mỹ Thủy và Nhà máy nhiệt điện. Do đó, toàn bộ trụ sở làm việc ở đây và nhà dân đều phải di chuyển vào khu tái định cư mới. Hiện Hải Lăng đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mặt bằng giai đoạn 1 Khu tái định cư Hải An nhưng vẫn chưa thể di dời dân, vì các dự án kể trên chưa triển khai, chưa có kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB. "Gần 10 năm nay kể từ khi công bố quy hoạch, nhà cửa của dân, các công trình không được cơi nới, xây dựng mới đã tạo áp lực rất lớn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý", ông Phước cho biết.

Nhóm PV miền Trung

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/hang-nghin-hecta-dat-hoang-hoa-trong-cac-khu-kinh-te-ky-1--i711406/