Hàng nghìn hộ dân sinh sống trong khu vực di sản Cố đô Huế: Càng để lâu, càng khó giải quyết

VH- Đến thời điểm hiện tại vẫn còn gần 6.000 hộ dân với khoảng 20.000 người đang sinh sống trong khu vực bảo vệ các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Bài toán giải tỏa, di dời dân cư khỏi các điểm di sản Huế là một trong những vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa quan tâm tại Hội nghị 'Tham vấn chuyên gia về thực hiện chính sách, pháp luật trong bảo vệ, phát huy giá trị Di sản văn hóa Cố đô Huế' do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa tổ chức.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại hội nghị

Cần sớm di dời cư dân khỏi Thượng Thành

Khu vực Thượng Thành và các Eo Bầu (Kinh thành Huế) hiện có khoảng 1.200 hộ dân sinh sống. Việc xây dựng, nước thải, rác sinh hoạt của người dân đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống kiến trúc tường thành, xâm hại đến di sản Huế. Bài toán di dời đã được địa phương tính đến từ lâu nhưng gần như vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Năm 2010, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế từng phê duyệt dự án “Đầu tư, tu bổ và tôn tạo Kinh thành Huế” có tổng kinh phí gần 1.300 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2011-2015. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, UBND TP. Huế chỉ mới di dời được gần 170 hộ dân ở mặt Nam của Kinh thành Huế, thậm chí vẫn còn một số hộ chưa chịu chuyển đi.

Hình ảnh những ngôi nhà nhếch nhác, tạm bợ ở di tích Thượng Thành đã tồn tại nhiều năm nay, trong đó có nhiều hộ sinh sống từ sau năm 1975. Nhiều ngôi nhà tuềnh toàng, đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng cũng không dám sửa chữa vì không biết lúc nào sẽ giải tỏa.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cần có cơ chế đặc thù để Huế nhanh chóng giải quyết việc giải tỏa dân cư ở Kinh thành Huế. Trong đó, khu vực Thượng Thành phải giải tỏa hết để có thể trùng tu, bảo tồn di sản và tổ chức thêm các tour du lịch; còn khu vực các Eo Bầu thì sắp xếp, quy hoạch lại cư dân và hướng dẫn họ sinh sống, ứng xử có văn hóa với di sản. Việc này cần được thực hiện tốt để xây dựng hồ sơ tái đề cử cho Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế cho biết, hiện có 8 hộ dân ở mặt Nam Kinh thành Huế chưa chịu đi và địa phương đang vận động, có những giải pháp để nhanh chóng di dời. Đồng thời sẽ phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để nỗ lực tìm cách giải tỏa cư dân còn lại ở khu vực Thượng Thành.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho rằng đây là việc cấp bách của di sản Huế hiện nay. Cần phải sớm di dời dân khỏi Thượng Thành. Nếu bây giờ không nhanh chóng thực hiện thì càng để về sau càng khó giải quyết hơn.

Những ngôi nhà tuềnh toàng của cư dân trên di tích Thượng Thành (Kinh thành Huế) cần sớm được di dời, giải tỏa

Tháo gỡ thủ tục cho các dự án bảo tồn văn hóa

Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nguyễn Thế Hùng, công tác tu bổ di tích tại Huế đang gặp không ít khó khăn và vướng mắc khi phải áp dụng theo quy định của Luật Đầu tư công. Tại hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế có những công trình với quy mô rất nhỏ, có khi diện tích chỉ vài m2 đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nhưng khi muốn trùng tu cũng phải làm theo trình tự và đủ các thủ tục của đầu tư dự án nhóm A, quy định tại Điều 23, Luật Đầu tư công. Và khi thực hiện như vậy thì kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư, có nguy cơ làm cho di tích càng hư hại nặng hơn, dễ dẫn đến hủy hoại. Ngoài ra, còn vướng thêm các thủ tục của Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường...

Không chỉ ở di sản Huế, ông Phạm Phú Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (tỉnh Quảng Nam) cũng nêu ra những bất cập khi thực hiện các thủ tục trùng tu di tích tại Hội An. Do phải tuân thủ nhiều Luật nên rất rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn cho việc bảo tồn di sản.

TS Đặng Văn Bài cũng dẫn ra một vụ việc rằng hồ sơ trùng tu di sản đã được các chuyên gia ở lĩnh vực văn hóa thẩm định nhưng khi đưa qua Bộ Xây dựng thì người thẩm định chỉ mới tốt nghiệp đại học mấy năm, lại còn nhờ giải thích “long, ly, quy, phụng” là gì. Và ông cho rằng điều này rất bất cập. Trên cơ sở đó, nhiều chuyên gia và nhà quản lý về văn hóa đã kiến nghị đến Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Khóa XIV nghiên cứu, báo cáo Quốc hội xem xét, sửa đổi.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực di sản văn hóa cũng đã có nhiều ý kiến quan trọng về vấn đề quy hoạch lại khu vực khoanh vùng bảo vệ di sản Huế; giải tỏa dân cư và quy hoạch lại dân cư ở khu vực Kinh thành Huế; công tác kiểm kê và bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa phi vật thể của Huế...

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - Quốc hội khóa XIV cho biết, qua đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và nhà quản lý tại hội nghị lần này, Ủy ban sẽ tiếp tục có các buổi làm việc với Bộ VHTTDL cùng các Bộ, ngành liên quan để có báo cáo đầy đủ trình Quốc hội.

SƠN THÙY

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/h224ng-ngh236n-h%E1%BB%99-d226n-sinh-s%E1%BB%91ng-trong-khu-v%E1%BB%B1c-di-s%E1%BA%A3n-c%E1%BB%91-%C4%91244-hu%E1%BA%BF160c224ng-%C4%91%E1%BB%83-l226u-c224ng-kh243-gi%E1%BA%A3i-quy%E1%BA%BFt