Hàng nghìn người dân chen chân tại Lễ hội Lam Kinh

Như một lời hẹn 'Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi' đã trở thành dấu mốc quan trọng cho người dân hướng về nguồn. Lễ hội Lam Kinh, một di sản phi vật thể đặc sắc, giàu giá trị được truyền đạt bằng những vỡ diễn, múa, hát vô cùng phong phú, đa dạng làm mê đắm người xem. Năm nay, hàng nghìn người đã đổ về Lam Kinh từ sáng sớm.

Sáng 17/9 thời tiết có mưa vào sáng sớm, sau đó tạnh hẳn, tiết trời dịu mát rất thuận lợi cho người dân, du khách di chuyển tới Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Lực lượng chức năng đã bố trí phân làn, hướng dẫn ở các điểm giao cắt, ngã tư, ngã năm, các bãi đỗ, đậu xe hợp lý.

Lực lượng chức năng tổ chức phân làn, luồng hợp lý

Lực lượng chức năng tổ chức phân làn, luồng hợp lý

Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi (1385-1433), là nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh (1418-1428). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long (Đông Kinh), mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh). Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... cũng bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính là điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời cũng là nơi ở của quan lại và quân lính thường trực trông coi Lam Kinh; Khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.

Các tiết mục đặc sắc, hấp dẫn tại Lễ hội Lam Kinh

Trải qua bao biến thiên lịch sử, những công trình của triều đại Nhà Hậu Lê vẫn còn giữ được nguyên vẹn và có sức thu hút đặc biệt. Cách đây 10 năm (ngày 27.9. 2012) Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là di tích quốc gia đặc biệt. Sự kiện này đã khẳng định thêm những giá trị quan trọng của di tích không chỉ ở phương diện lịch sử, thắng cảnh mà cả ở bình diện kiến trúc và nghệ thuật đương thời. Đó chính là biểu hiện rõ ràng nhất, cụ thể nhất của truyền thống văn hóa, văn minh Đại Việt ở thế kỷ XV.

Các tiết mục đặc sắc, hấp dẫn tại Lễ hội Lam Kinh

Việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, kêu gọi đầu tư, huy động các nguồn lực để phục dựng, tôn tạo khu di tích lịch sử Lam Kinh luôn được Bộ VHTTDL và tỉnh Thanh Hóa quan tâm. Công tác tuyên truyền, quảng bá di sản cũng được Ban Quản lý Di tích Lam Kinh đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như trưng bày, triển lãm, website, mạng xã hội, quảng bá trực tuyến cùng các hoạt động hướng tới khách tham quan, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời xây dựng đề cương dự án “Đổi mới công tác quản lý, khai thác phát triển khu di tích Lam Kinh”, trên cơ sở xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng công việc đó là: Quản lý các di tích gốc là ưu tiên hàng đầu với các nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng thường kỳ, quản lý môi trường sinh thái gần 200ha đã được quy hoạch với việc bảo vệ 98 ha rừng đặc dụng, 40ha Hồ Tây và Hồ Như Áng, 5 km sông Ngọc chảy trước khu Điện Miếu…

Bảo vật Quốc gia bia Vĩnh Lăng ở Khu Di tích lịch sử Lam Kinh

Từ năm 2013 đến 2019, tại Lam Kinh đã có 5 tấm bia được công nhận Bảo vật Quốc gia, gồm Vĩnh Lăng (bia vua Lê Thái Tổ), Khôn Nguyên Chí Đức (bia Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao), Chiêu Lăng (bia vua Lê Thánh Tông), Dụ Lăng (bia vua Lê Hiến Tông) và Kính Lăng (bia vua Lê Túc Tông). Cũng trong năm 2013, Ban quản lý hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận Cây di sản và đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận 18 cây di sản ở rừng Lam Kinh. Năm 2013 – 2014, Ban quản lý tiếp nhận và quản lý 2 khu đền thờ vua Lê Thái Tổ (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân) và đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) trong không gian di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, sưu tầm 418 đầu sách liên quan về Anh hùng dân tộc Lê Lợi, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và khu di tích lịch sử Lam Kinh; 1.031 hiện vật gốc có niên đại trong khoảng thế kỷ XV - XVII. Phối hợp với các nhà nghiên cứu có uy tín viết và xuất bản được 5 ấn phẩm giới thiệu nhiều đề tài nghiên cứu về di tích Lam Kinh.

Hàng nghìn người dân đổ về, thưởng thức Lễ hội Lam Kinh

Trải qua thời gian, Lễ hội Lam Kinh không còn bó hẹp trong khuôn phép cung đình, mà được hòa vào trong cộng đồng, ăn sâu bén rễ vào đời sống của người dân, được người dân vùng đất Lam Sơn thực hành, gìn giữ. Bởi vậy mà lễ hội Lam Kinh ngày nay vừa mang tính khuôn phép cung đình, vừa mang đậm yếu tố dân gian truyền thống. Có lẽ điều này đã tạo nên nét đặc trưng, khác biệt và hấp dẫn cho lễ hội Lam Kinh. Một lễ hội mà ở đó hội tụ những nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc.

Khi tới đây, người dân được hòa mình vào không gian linh liêng. Phần đại lễ trang trọng, thành kính tại sân Rồng. Trong không khí trang nghiêm và âm hưởng hào hùng của trống, chiêng, đoàn rước kiệu Vua Lê Thái tổ và kiệu Lê Lai cùng quân kiêu, quân cờ xuất phát từ đền thờ Vua Lê Thái tổ được rước về sân Rồng theo đúng nghi thức cổ truyền. Đội rước kiệu vận trang phục áo đỏ, quần vàng, thắt lưng đỏ, khăn vàng ngay ngắn khênh kiệu Vua Lê Thái tổ và kiệu Trung Túc vương Lê Lai. Đội tế gồm các thanh niên trai tráng, khỏe mạnh. Khi nghi lễ chính thức bắt đầu, chủ tế đọc chúc văn, nêu công lao to lớn của vị Anh hùng dân tộc Lê Lợi và vương triều hậu Lê trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Đây được xem là nét đẹp truyền thống về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, những người có công với đất nước được lưu giữ và thể hiện trong lễ hội Lam Kinh.

Hàng nghìn người dân đổ về, thưởng thức Lễ hội Lam Kinh

Bên cạnh đó, Lễ hội Lam Kinh còn là nơi trình diễn các trò diễn dân gian truyền thống xứ Thanh như: Xuân Phả, trò chiềng, múa Rồng, Bình Ngô, Sanh Ngô, trống hội... mà tiêu biểu hơn cả là trò Xuân Phả - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trò diễn đã tăng thêm tính đặc sắc cho lễ hội Lam Kinh với các điệu múa, hát, âm nhạc hay những chiếc mặt nạ kỳ dị cùng với những biểu tượng linh vật tượng trưng cho phẩm cấp quan lại phong kiến. Sự kết hợp của các trò diễn cho thấy sức sống mãnh liệt, dẻo dai của các trò diễn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đồng thời, khẳng định Thanh Hóa là một vùng đất giàu truyền thống, một kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú, sống động, giàu màu sắc, biểu cảm và cũng đầy tính nghệ thuật của người dân các dân tộc Thái, Mường, Kinh.

Việc tổ chức lễ hội Lam Kinh đã khẳng định vai trò quan trọng trong dòng chảy lịch sử, văn hóa. Đồng thời, thể hiện sức mạnh tự thân, sức sống quật cường trước bao biến động lịch sử, khắc ghi trong tim mỗi người dân xứ Thanh nói riêng và Việt Nam nói chung lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Để từ đó sống theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn rặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta hãy cùng nhau giữ lấy nước”.

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/hang-nghin-nguoi-dan-chen-chan-tai-le-hoi-lam-kinh-213676.html