Hàng nghìn người đổ về cầu Long Biên tìm ký ức

(Zing) - Một chuyến tàu hỏa đầu máy hơi nước rất cổ chạy từ phía Gia Lâm sang ga Long Biên, tái hiện chuyến tàu đầu tiên vào năm 1902, chở những nhân vật như vua Thành Thái, toàn quyền Paul Doumer...

Sáng ngày 10/10, hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về cầu Long Biên để tham dự lễ hội “Ký ức cầu Long Biên”. Đây là chương trình festival văn hóa văn nghệ mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và chào mừng ngày giải phóng thủ đô. Trên 1682m, cầu Long Biên được chia làm 12 khúc đoạn tương ứng với 12 thập kỷ là tuổi đời của cây cầu (1890 – 2009). Trên mỗi khúc đoạn, hàng trăm bức tranh, tác phẩm hội họa, hàng chục con diều sáo… được sắp đặt một cách tỉ mỉ, khéo léo nhằm tái hiện lại một không gian đầy tính hoài niệm về những thời khắc lịch sử xa xăm mà cây cầu đã chứng kiến. Không ai đến đây mà không khỏi bồi hồi về những ký ức xa xưa. Theo ban tổ chức chương trình cho biết, 100 tác phẩm vẽ về cầu Long Biên qua các thời kỳ lịch sử cùng hơn 60 lá quốc kỳ của các nước trên thế giới và 100 cánh diều nghệ thuật đã được trưng bày tại đây. Từ hai đầu cầu hơn 2000 khung vải lụa trắng được căng thành hai hàng liền nhau để cho du khách đến tham quan có cơ hội viết lên những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Tất nhiên, đây chính là “tiết mục” thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ tuổi teen. Giữa hai bên cầu còn có các quán nhà lá mô phỏng theo kiểu lều chợ đồng quê bán các loại trái cây và nước uống dân dã, rất thu hút giới teen và du khách nước ngoài. Dù trời Hà Nội hôm nay không dịu mát nhưng vì đây là sự kiện văn hóa đặc biệt nên số lượng sinh viên đổ về đây đông hơn cả. Nhiều bạn trẻ đã tỏ ra sững sờ khi lần đầu tiên phát hiện ra những sự thật thú vị về sự đổi thay của cây cầu qua thời gian, dù hàng ngày vẫn đi qua cây cầu này thường xuyên. Bạn Lê Thị Hoàng Yến nhà ở Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội thật lòng chia sẻ: “Từ lúc học cấp ba cho đến nay đã là năm thứ ba của Đại học Ngoại Thương, mỗi ngày em đi qua cầu Long Biên không biết bao nhiêu lần nhưng cho đến tận hôm nay em mới biết đôi chút về lịch sử của cây cầu. Không ngờ, để giữ gìn được cây cầu nguyên vẹn như hôm nay, 100 năm qua không biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống. Bây giờ em đã hiểu vì sao ở những mố cầu có những vết lõm hình viên đạn và hiểu vì sao các ông, các bà khi xem lại những bức tranh xưa đã không khỏi bùi ngùi…”. Không ít sinh viên của các trường Đại học Ngoại ngữ, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại Thương… đã đến đây làm tình nguyện viên hỗ trợ ban tổ chức làm cho sự kiện có ý nghĩa hơn. Được biết, vào 8h30 sáng nay, một chuyến tàu hỏa đầu máy hơi nước rất cổ chạy từ phía Gia Lâm sang ga Long Biên, tái hiện chuyến tàu đầu tiên vào năm 1902, chở những nhân vật như vua Thành Thái, toàn quyền Paul Doumer, các yếu nhân khác trong chính quyền Việt và Pháp thời bấy giờ đi qua cầu Long Biên. Chuyến tàu đưa người tham dự từ không gian của thế kỷ thứ XIX đến một Hà Nội hiện đại, với những hình ảnh, thông điệp về về khát vọng hòa bình và phát triển bền vững.Và vào 17h tối nay, tại chân cầu Long Biên phía Ga Long Biên lễ hội “Ký ức cầu Long Biên” sẽ được Đài truyền hình VTV3 truyền hình trực tiếp. Trong khuôn khổ của sự kiện này, sẽ có màn bắn 6000 quả pháo bông và thả 20 con diều sáo lên bầu trời kèm theo một khát vọng hòa bình. Ngoài ra, sẽ có 999 ngọn hoa đăng được thả xuống sông Hồng sau đại lễ cầu an - cầu cho quốc thái dân, xã tắc thịnh vượng. Ảnh lễ hội “Ký ức cầu Long Biên”: Người nước ngoài cũng mê ăn quà

Nguồn Znews: http://www.zing.vn/news/xa-hoi/hang-nghin-nguoi-do-ve-cau-long-bien-tim-ky-uc/a67371.html