Hàng nội về nông thôn: Chi phí cao, doanh nghiệp kêu khó

Đã đi qua 2 tháng hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị. Chưa có con số thống kê chính xác về giá trị kinh tế, thế nhưng, một điều chắc chắn các nhà sản xuất trong nước, các nhà phân phối được hưởng lợi rất nhiều từ cuộc vận động này.

CôngThương - Tuy nhiên, người tiêu dùng, đặc biệt là những vùng nông thôn lại chưa hoặc rất ít được tiếp cận với hàng Việt Nam theo tinh thần đưa hàng về nông thôn. Có thực mới vực được… cuộc vận động Ở Hải Phòng, Công ty cổ phần ACS là đơn vị tiên phong khi hưởng ứng cuộc vận động đưa hàng về nông thôn với tư cách là đơn vị tổ chức. Ngay từ ngày đầu cuộc vận động, ACS đã có kế hoạch trình UBND thành phố Hải Phòng, ngành Công Thương về việc triển khai đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp và các khu đô thị. Thành phố Hải Phòng đã có chủ trương và giao cho ngành Công Thương chỉ đạo ACS tổ chức thực hiện theo đúng tinh thần cuộc vận động. Với một đơn vị có năng lực, kinh nghiệm về tổ chức hội chợ và sự kiện, chương trình đưa hàng nội về nông thôn đã được ACS triển khai khá công phu. Tháng 8/2009, tuần hàng Việt Nam tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng gặt hái thành công khi 30 đơn vị tham gia với 40 gian hàng. Với người dân xã Tú Sơn và vùng lân cận chưa khi nào lại vui mừng đến vậy khi “bỗng dưng” họ có 1 hội chợ được tổ chức ngay gần nhà mình. Hàng hóa la liệt, đủ các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất của họ được mang về phục vụ tận nơi - thứ mà trước đây họ muốn mua phải phóng xe cả nửa ngày trời lên trung tâm thành phố để mua. 700 triệu đồng hàng hóa được bán ra/ngày chưa phải là con số hấp dẫn cho một hội chợ. Thế nhưng, với khu vực nông thôn điều kiện kinh tế còn khó khăn như ở Kiến Thụy thì đây là sức mua… đáng nể. Intimex Hải Phòng với hệ thống siêu thị nội địa hàng đầu tại thành phố cảng cũng không thể xoay sở kịp với một siêu thị di động gần 200m2 khi số lượng người dân mua sắm đông nghẹt. Chả thế, mới chỉ hơn 21 giờ, siêu thị này đã phải đóng cửa vì không đủ nhân viên phục vụ bà con. Thậm chí, đích thân cả vị giám đốc Intimex HP cũng phải thay phiên nhân viên đứng giải thích và tư vấn về hàng thật- hàng giả ra rả cả buổi tối. Sau thành công ở Tú Sơn, hơn một tháng sau, ACS tiếp tục triển khai Tuần hàng Việt Nam mở rộng tại xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng. Không đông đảo gian hàng như Tú Sơn vì chi phí vận chuyển khá xa nhưng tuần hàng này cũng nhận được sự chào đón nhiệt tình của chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng. 3 ngày không đủ thỏa mãn sức mua của hàng chục ngàn hộ dân trong vùng, người dân nuối tiếc nhìn cảnh tuần hàng kết thúc. Đó là 2 tuần hàng Việt được đưa về nông thôn “mở màn” ở Hải Phòng. Kết quả đã thấy rõ. Các đơn vị hồ hởi tham gia, người dân vui mừng chào đón. Thế nhưng, kể từ ngày đầu hưởng ứng cuộc vận động, ACS là đơn vị hăng hái tổ chức sự kiện này cũng chưa nhận được một sự hỗ trợ nào về mặt tài chính của thành phố Hải Phòng, cho dù đó chỉ là… lời hứa Ông Trần Kim Thành, Phó TGĐ ACS Hải Phòng phân vân: “Nếu không được hỗ trợ về tài chính thì rất khó làm lâu dài các chương trình như vậy”. Đơn giản vì 100% kinh phí đơn vị tổ chức phải thực hiện bằng phương án…xã hội hóa. Nghĩa là nguồn thu của đơn vị tổ chức là tiền thuê gian hàng của các doanh nghiệp tham gia. Mà mỗi tuần hàng như vậy chỉ có khoảng 40 gian hàng. Trong khi đó, giá thuê các gian hàng này chỉ khoảng trên dưới 1 triệu đồng/gian sau khi đã được ACS hỗ trợ tõ 50- 80% để thu hút doanh nghiệp tham gia. Thêm vào đó, đơn vị tổ chức phải bỏ ra hàng loạt các chi phí khác: tuyên truyền, khánh tiết, thuê ca sĩ, an ninh, vệ sinh,… Bởi thế nên cứ mỗi tuần hàng được tổ chức, nếu “mưa thuận gió hòa”, ACS đã phải móc túi bù lỗ không dưới 150 triệu đồng. Và như vậy, dù rất tâm huyết với ý tưởng đưa hàng Việt về nông thôn nhưng ông Thành cho biết việc có tiếp tục tổ chức thêm các tuần hàng về nông thôn hay không vẫn còn phải…xem xét. Đường về còn xa Intimex Hải Phòng là đơn vị phân phối, bán lẻ duy nhất hăng hái hưởng ứng các tuần hàng này với số lượng hàng hóa lớn nhất các hội chợ. Mặc dù Hải Phòng không thiếu các doanh nghiệp được xem là tiêu biểu trong lĩnh vực thương mại nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có tâm huyết với việc đưa hàng về nông thôn. Bởi đã là các nhà kinh doanh, điều đầu tiên người ta nhìn thấy khi đưa hàng về nông thôn là…lỗ. Đó là chưa kể đến hàng loạt những chi phí, khó khăn, phức tạp mà không phải doanh nghiệp nào cũng đủ dũng cảm để đến với thị trường truyền thống này mặc dù vùng nông thôn xa nhất của Hải Phòng cũng chưa đến 50km. Nói như bà Phạm Thị Hồng- Giám đốc Intimex Hải Phòng, đưa hàng về nông thôn trước hết phải có…lòng yêu nước cao nhất. Đã lâu lắm rồi, bà Hồng mới lại được ăn bữa cơm nấu nồi gang, đun bếp rơm ở 1 nhà nông dân khi tham gia tuần hàng. Và cũng lần đầu tiên bà chứng kiến 1 cái Tết Trung thu rơi nước mắt khi trẻ con ở đây gần như 100% không có đồ chơi trên tay. Khu bán đồ chơi Trung thu được vây kín những ánh mắt thèm thuồng của đám trẻ con, nhưng cả buổi cũng chỉ có vài người mua... Nhìn cảnh đó, bà Hồng đã phải giảm giá bán từ 6 nghìn đồng xuống chỉ còn 2- 3 nghìn đồng/chiếc đèn ông sao. Và cũng rất buồn, khi cảnh người dân mua hàng mà mặc cả đến cả…100 đồng mà không hề biết rằng khi mua những mặt hàng đó bên ngoài thị trường bằng giá siêu thị bán tại đây nhưng là hàng nhái, hàng giả. Đấy là xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng - 1 vùng nông thôn của Hải Phòng chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 20km. Nghèo là thế nhưng sức mua của khu vực nông thôn cũng không hề kém. Đã là mặt hàng thiết yếu với bà con thì dù ít tiền bà con cũng mua. Bà con hăm hở bước vào hội chợ, khi ra về tay xách, nách mang. Có đến 30.000 mặt hàng nhưng Intimex Hải Phòng chỉ mang về vài nghìn mặt hàng. Đặc biệt, siêu thị Intimex tổ chức thực hiện chương trình tư vấn hàng giả, hàng thật cho bà con có cả các mẫu trưng bày một số sản phẩm giả, thật để bà con phân biệt. Đây thực sự là tinh thần yêu nước, vì lợi ích người tiêu dùng. Nhiều mặt hàng khi chưa kịp hết tuần hàng đã…cháy hàng nhưng đường về xa, chi phí cao nên đành lỗi hẹn với bà con. Câu chuyện trên cho thấy khó khăn khi đưa hàng về nông thôn là cuộc chiến đấu giữa hàng thật và hàng giả. Lợi dụng được sự thấp hơn về giá thành, hàng giả, hàng kém chất lượng chiếm được ưu thế hơn. Người dân những vùng nông thôn vốn có điều kiện kinh tế khó khăn, việc giá thành 1 sản phẩm cùng loại rẻ hơn 500 - 1000 đồng cũng là điều khá hấp dẫn với họ. Chính vì hàng hóa của các nhà sản xuất Việt Nam tiêu thụ trong nội địa chưa được xây dựng chất lượng sản phẩm ổn định, bền vững do đó chưa hấp dẫn được người tiêu dùng Việt nam, kể cả vùng nông thôn. Trước đây, các nhà sản xuất cũng có sự “phân biệt” khi sản xuất những loại mặt hàng riêng dành cho đối tượng nông thôn. Bà con nông dân thường phải dùng sản phẩm chất lượng thấp, giá thành rẻ, khi đưa sản phẩm chất lượng hơn có giá thành cao 1 chút sẽ rất khó tiếp cận, chưa kể việc phải “tiết kiệm như nông dân” khi chưa đến mùa gặt, khi vào năm học mới phải dành tiền bán thóc để nộp tiền học cho con trước rồi mới dám mua sắm. Bởi thế, đường về của hàng nội với người tiêu dùng nông thôn còn rất gian nan. Trong khi đó, nói như bà Hồng, ở các vùng nông thôn chỉ dám “bán hàng ăn chũm cau”, người dân làm ra được thứ gì ngon, chất lượng nhất cũng không dám dùng mà phải đem ra thành phố. Thực tế, những sản vật ở nông thôn được người thành thị săn đón, thậm chí còn đặt hàng trước khi thu hoạch. Thế nhưng, những thứ hàng hóa tiêu dùng khác mà người nông dân không làm ra được, rất cần thiết thì lại đi về 1 cách hết sức khó khăn. Cuộc vận động đưa hàng về nông thôn sẽ còn cả 1 chặng đường dài. Thế nhưng, để cuộc vận động chính thức đi vào cuộc sống trước hết cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, làm sao để người tiêu dùng mà ở đó đa số những người nông dân khó khăn được hưởng lợi từ chính sách. Nếu không, đó sẽ chỉ là cuộc vận động mang tính phong trào. Trung Thành

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/kinh-te/hang-noi-ve-nong-thon-chi-phi-cao-doanh-nghiep-keu-kho/32/0/23273.star