Hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt: Gây tổn hại thị trường nội địa, lòng tự tôn dân tộc

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện hàng nước ngoài đội lốt xuất xứ hàng Việt để xuất khẩu sang nước thứ 3.

 Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên

Đây là hiện tượng bất thường trong tính chất hoạt động thương mại khi hàng ngoại đột lốt hàng Việt để tiêu thụ tại thị trường nội địa. Đó là ý kiến của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên khi nói về tình trạng hàng ngoại giả mạo xuất xứ Việt Nam để thu lời bất chính.

Thời gian gần đây dư luận xôn xao việc một số DN thời trang Việt Nam dán nhãn hàng Việt vào hàng ngoại nhập. Hành động này có bị coi là giả danh xuất xứ không thưa ông?

- Gần đây nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng bị tố có biểu hiện gian lận xuất xứ, nhập hàng nước ngoài rồi gắn mác hàng Việt, tuy nhiên hàng hóa quần áo may mặc hay giày dép ở Việt Nam hầu hết đều được gia công ở nước ngoài. Kể cả các thương hiệu đồ da nổi tiếng cũng đều được gia công ở nước ngoài. Các mặt hàng quần áo của nhiều thương hiệu lớn tại Việt Nam cũng trong tình trạng tương tự. Việc gia công ở nước ngoài là được phép tuy nhiên khi nhập về Việt Nam cần ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Việc nhiều thương hiệu tự ý gắn mác Made in Vietnam, trong khi hàng hóa lại được gia công ở nước ngoài là sai quy định. Đây là hiện tượng mới và bất thường, gây tổn hại tới thị trường nội địa, lòng tự tôn dân tộc, tình cảm và xu thế của người tiêu dùng đang ngày càng ưa chuộng hàng Việt.

Việc liên tục phát hiện các vụ gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ hàng hóa cho thấy lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc. Vậy trong quá trình kiểm tra, xử lý gặp những khó khăn gì không thưa ông?

- Để qua mắt lực lượng chức năng, hiện phương thức gian lận xuất xứ khá tinh vi, thường là sản xuất bên Trung Quốc, in bao bì nhãn mác hoặc nhập nguyên liệu, linh kiện vào Việt Nam sản xuất, sau đó dán nhãn tại Việt Nam. Nhãn mác Made in Vietnam được hợp thức hóa bằng nhiều hình thức, làm giả tinh vi, luồn lách hệ thống pháp luật. Song song với đó, khâu phân phối, tiêu thụ các mặt hàng quá dễ dàng, đặc biệt là hàng bán trên mạng, rất khó kiểm soát, xử lý.

Tại Việt Nam, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ. Nghị định này quy định bắt buộc mọi hàng hóa đều phải dán nhãn có một số thông tin bắt buộc như xuất xứ hàng hóa. Nhưng Việt Nam chưa có quy định thế nào là hàng hóa của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước, điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho lực lượng chức năng trong quá trình xử lý hành vi gian lận thương mại. Vì vậy cần sớm có quy định thế nào hàng hóa của Việt Nam/sản xuất tại Việt Nam, từ đó hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nhà nước cũng như chính cho các DN hoạt động.

Để ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ hàng hóa, từ nay đến Tết Canh Tý 2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ thực hiện những giải pháp gì?

- Trong thời gian trước, trong và sau Tết Canh Tý 2020, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiên quyết xử lý hành vi gian lận thương mại, giả mạo nguồn gốc xuất xứ, buôn và tiêu thụ hàng lậu... Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết. Đặc biệt, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm ATTP tại các địa bàn trọng điểm như: Chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), chợ Hòa Bình (Hai Bà Trưng), Ga Hà Nội, Sân bay Nội Bài…

Cùng với đó, chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra xử lý hàng hóa vi phạm giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ Việt Nam, các cơ sở sản xuất, may gia công, kinh doanh hàng hóa thời trang, mỹ phẩm...; trong đó chú trọng kiểm tra các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, cung cấp nguyên liệu.

Xin cảm ơn ông!

Lê Nam (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/gay-ton-hai-thi-truong-noi-dia-long-tu-ton-dan-toc-358280.html