Hàng phím ảo của Android đã tiến hóa như thế nào theo thời gian

Phím điều hướng của Android bắt đầu xuất hiện lần đầu tiên trên Android 3.0 năm 2011, chỉ dành cho tablet. Sau đó lên Android 4 năm 2012, nó bắt đầu xuất hiện ở nhiều thiết bị hơn và tất nhiên có cả điện thoại di động. Từ đó đến nay đã gần 7 năm, và cuối cùng Google cũng đã thay đổi mạnh mẽ hàng phím này trong Android P để phù hợp hơn với màn hình viền mỏng và những thiết kế smartphone lớn ngày nay. Đây sẽ là một trong những thay đổi lớn nhất của Android từ đó đến nay, và nó cũng cho thấy Google đã sẵn sàng cho tương lai hoàn toàn tới trong thị trường mobile.

Android 3.2

Là bản dành riêng cho tablet, lúc này Android sử dụng một cách thiết kế rất tương lai cho hệ điều hành của mình, và hàng phím back, home, recent apps được bố trí ở cạnh dưới màn hình. Lúc sử dụng Android 3.2, hàng phím này hơi khó xài vì nút bị bố trí tuốt ở cạnh bên trái, khó dùng khi xài 1 tay, kể cả khi bạn cầm dọc hay cầm ngang. Thiết kế của các nút nhìn cũng phức tạp hơn giờ rất nhiều.

Android 4

Android 4 đơn giản hóa hàng phím ảo và đưa nó vào Android 4, sẵn sàng cho một sự thay đổi lớn về cách bạn tương tác với điện thoại Android vốn đang bùng nổ trong thời điểm đó. Năm 2012, Google Galaxy Nexus là chiếc điện thoại đầu tiên sử dụng hàng phím ảo này. Lúc đó trên thị trường vẫn còn rất nhiều điện thoại xài phím điều hướng cứng và nhiều người bắt đầu nhận thấy rằng hàng phím này đang chiếm nhiều không gian trên màn hình không cần thiết, nhưng cũng có nhiều người thích vì nó không làm vướng khi chơi game và hạn chế chạm nhầm.

Android 5

Lên Android 5, Google tiếp tục làm mới hàng phím ảo để làm cho nó trở nên nhẹ nhàng hơn, sang hơn và hiện đại hơn. Google cũng bắt đầu giảm bớt sự khó chịu của một thành đen nằm cố định trên màn hình bằng cách cho phép các lập trình viên chỉnh màu, độ trong suốt của thanh điều hướng, không chỉ ở launcher mà trong cả các app. Lúc này nhiều ứng dụng vẫn chưa hỗ trợ thanh điều hướng mới nên nhiều bản mod đã được giới chơi ROM tung ra để tự đổi màu theo từng ứng dụng.

Bắt đầu vào thời điểm này ngàng càng có nhiều nhà sản xuất xài phím ảo cho điện thoại của mình và đa số đều tùy biến nó theo ý của họ với thiết kế riêng. Một số nhà sản xuất bắt đầu cho phép ẩn thanh điều hướng hoặc tùy biến các nút xuất hiện trên đây theo ý của người dùng.

Android 6, Android 7, Android 8

Không có nhiều thay đổi về nút điều hướng so với Android 5 ngoại trừ việc bạn có thể gọi Google Now lên bằng cách nhấn giữ nút home. Lúc này vẫn còn nhiều máy dùng phím cứng, ví dụ như Samsung với dòng Galaxy S và Galaxy Note.

Tuy nhiên tới năm 2017, Galaxy S8 bắt đầu chuyển sang phím ảo sau một thời gian dài chỉ dùng phím cứng, và theo đó nhiều điện thoại mới của Samsung cũng đi theo con đường này. Năm 2017 cũng là thời điểm mà một xu hướng thiết kế smartphone mới bùng nổ: màn hình viền mỏng + màn hình dài tỉ lệ 18:9. Thiết kế mới giúp giải quyết sự khó chịu của phím ảo so với màn hình 16:9 truyền thống, tuy nhiên nó vẫn chưa có nhiều thay đổi về trải nghiệm và màn hình vẫn còn bị chiếm dụng một khúc cho hàng phím này

Android P (Android 9)

Rồi cũng tới lúc Google phải nghĩ lại và bắt đầu hành động. Android P đơn giản hóa thanh điều hướng một cách mạnh mẽ, bỏ nút recent apps và thu nhỏ kích thước của khu vực này. Quan trọng hơn, Google đưa hàng loạt cử chỉ cảm ứng tương tự như iPhone X vào Android: vuốt để về home, vuốt giữ để vào giao diện đa nhiệm, vuốt qua lại để chuyển giữa các ứng dụng với nhau.

Đây là lần đầu tiên Google đưa các cử chỉ cảm ứng vào Android, tuy nhiên các nhà sản xuất bên thứ ba đã làm điều này trong nhiều nay. Họ phải tự tùy biến cử chỉ theo cách riêng, không hề có quy định hay chuẩn chung nào để làm theo nên trải nghiệm vẫn chưa ngon, trừ Xiaomi với bộ giao diện MIUI 9.5 mới của mình. Thế nên việc Google tích hợp cử chỉ vào Android P có thể thay đổi mọi thứ, và thay đổi cách hàng trăm triệu người tương tác với điện thoại của mình.

https://www.facebook.com/video.php?v=1808970802472588

Android Q (Android 10)

Lên tới Android Q, Google đã thật sự thay đổi cách mà các thao tác vuốt hoạt động. Giống như iPhone, giờ bạn có thể vuốt cạnh trái để back (có thể vuốt bên phải cũng được), vuốt từ dưới lên để về home. Những thứ này giúp hoàn thiện trải nghiệm sử dụng app trên điện thoại màn hình viền mỏng, và cũng nhờ vậy mà bạn có thể ẩn hoàn toàn thanh điều hướng ảo trên màn hình, lấy lại phần diện tích đáng ra dùng để hiển thị nội dung.

Trong tương lai, chúng ta có thể quên cái thanh điều hướng đó luôn.

Nguồn Tinh Tế: https://tinhte.vn/threads/hang-phim-ao-cua-android-da-tien-hoa-nhu-the-nao-theo-thoi-gian.2792858/