Hãng phim truyện VN: Dải đất vàng mà dùng bán bún là phạm luật

TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã có cuộc chia sẻ cởi mở với Báo NTNN/Dân Việt về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam cũng như nên hay không nên để nhà đầu tư không liên quan về nghệ thuật chiếm 65% cổ phiếu Hãng phim truyện Việt Nam.

Thời gian qua, dư luận  xôn xao về việc 60 nghệ sĩ bức xúc, làm đơn kêu cứu việc chủ đầu tư là Tổng Công ty Vận tải thủy thực hiện quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam nhưng không nhắm tới mục đích sản xuất phim mà chỉ nhắm tới những “dải đất vàng”. Là chuyên gia kinh tế, ông nhận định thế nào về vấn đề này?

- Mảnh đất số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Quyền sở hữu mảnh đất đó chỉ sử dụng một mục đích duy nhất là sản xuất và làm phim, không thể xây nhà cao ốc, không xây trung tâm thương mại. Thậm chí, nếu chủ đầu tư cho tư nhân thuê mặt bằng của Hãng phim truyện để bán bún, bán phở, chân gà cũng sai, vi phạm pháp luật.

Hãng phim truyện Việt Nam trong những ngày qua “dậy sóng” với rất nhiều tranh cãi sau khi cổ phần hóa. Ảnh: T.H

Nếu việc chọn đối tác là một chủ đầu tư có liên quan tới điện ảnh, chắc chắn khi cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, chủ đầu tư sẽ chỉ nhắm tới mục đích phát triển điện ảnh, vực dậy Hãng phim truyện Việt Nam chứ không phải là để biến Hãng phim truyện trở thành công ty bất động sản. Tôi cho rằng, đây là sai lầm đầu tiên của việc cổ phần hóa, thậm chí là lựa chọn có vấn đề”.

TS.Nguyễn Đình Cung 

Nhà nước có quyền cho thuê và thậm chí là bán mảnh đất đó. Số tiền bán đất đó vẫn thuộc quyền của Nhà nước. Nhà nước sẽ thu số tiền chênh lệch chứ không phải chủ đầu tư thu. Chúng ta phải hiểu rõ ràng như vậy.

Tôi muốn nói đến vấn đề thực thi. Sau vài năm, chủ đầu tư có thể xin chuyển đổi mục đích sử dụng như xây nhà cao tầng, làm trung tâm thương mại, nhà ở, cho thuê văn phòng… Thực chất, việc này là sử dụng với mục đích khác, nhưng vẫn lấy danh nghĩa  làm phim, sản xuất phim. Tuy nhiên, vấn đề này thuộc thẩm quyền, hiệu lực quản lý của Nhà nước.

Trước đây, mọi người e ngại và đã đặt ra vấn đề “dải đất vàng”, sợ chủ đầu tư sẽ thâu tóm và bán đất. Tuy nhiên, bàn đến “dải đất vàng” chúng ta phải tính đến từng trường hợp cụ thể. Vì “dải đất vàng” có cái hay là đất minh bạch, Nhà nước thu được khoản tiền sử dụng đất, nhưng giá cao quá người dân và chủ đầu tư cũng không mua được, giá đất bị đội lên. Những trường hợp đó chính sách của Nhà nước cần linh hoạt.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ hiệu lực hiệu quả quản lý chính sách của pháp luật về sử dụng đất chứ không phải cổ phần hóa. Mọi người hiểu chưa đúng, chưa thấu được cái gốc mà cứ lo sợ về chuyện cổ phần hóa, quá trình cổ phần hóa sẽ không bao giờ có thể làm được gì. Không thể thực hiện cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp.

Tôi nói rõ là mọi người không nên lo sợ hay liên quan gì tới nơi bán đất. Mọi người nên lo lắng ở chính những ông quản lý đất. Sau 5 năm, 10 năm chính sách có thể thay đổi hoặc những cơ quan quản lý đất nào đó quên mất mục đích quyền sử dụng mảnh đất đó, hay cơ quan quản lý không hiểu hết luật pháp thấy nhiều người bút phê ý kiến vào đó nên đã cho chủ đầu tư được phép sử dụng mục đích khác như xây dựng cao ốc, trung tâm thương mại…

Vậy ông có thể định giá “dải đất vàng” ở số 4 Thụy Khuê là bao nhiêu?

- Không thể nói chung chung chuyện định giá mảnh đất này. Nếu mảnh đất đó mục đích sử dụng duy nhất làm phim, việc định giá sẽ ở mức khác.

Nếu mảnh đất đó sử dụng cho mục đích xây nhà cao ốc, trung tâm thương mại… lại có một định giá khác, tùy thuộc vào mục đích sử dụng để sinh lời. Tất nhiên, không thể phủ định nếu mảnh đất số 4 Thụy Khuê với mục đích xây nhà cao ốc, trung tâm thương mại…, con số chênh lệch địa tô sẽ rất lớn. Tôi không thể đưa ra con số cụ thể, nhưng chắc chắn là rất lớn. Chính vì vậy, chủ đầu tư hay bất cứ một người bình thường khi nhìn vào “dải đất vàng” số 4 Thụy Khuê cũng sẽ chỉ nhắm vào địa tô.

Vậy mảnh đất của Hãng phim truyện Việt Nam vẫn đang thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Tuy nhiên, nếu chủ đầu tư cho tư nhân thuê để bán bún, phở để có thêm thu nhập cho em nghệ sĩ, điều này đúng hay sai?

- Tất nhiên là sai. Dù chỉ cho thuê với mục đích kiếm thêm thu nhập cho hãng phim truyện, cũng chỉ được phép cho thuê với mục đích làm về sản xuất phim, liên quan tới điện ảnh. Nếu cho thuê với mục đích sử dụng khác tức là trái luật pháp. Sai quy định về hiệu lực quản lý đất đai. Chủ đầu tư không được phép làm như vậy.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc định giá thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam, một trong những con chim đầu đàn của làng điện ảnh Việt Nam, có bề dày lịch sử và truyền thống nhưng lại được định giá bằng không. Liệu điều đó có công bằng?

- Tôi nghĩ để định giá thương hiệu là hơi khó. Nếu một bộ phim mang danh Hãng phim truyện Việt Nam, tự nhiên nhiều người đến xem, thu hút được nhiều khán giả.

Còn nếu sản phẩm đó mà chỉ để biết đến, không tác dụng gì đối với thị trường thì rất khó để nói thương hiệu đó có giá trị. Sự nhận thức, sự tin cậy của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó. Người tiêu dùng tin cậy và sử dụng luôn thì mới có thể đánh giá về giá trị thương hiệu. Với các sản phẩm nghệ thuật của Hãng phim truyện Việt Nam chúng ta phải khảo sát thị trường phim thế nào thì mới nói thương hiệu ra sao?

- Nếu ai đó nói rằng, những bộ phim của Hãng phim truyện Việt Nam đã có bề dày lịch sử, giành được giải thưởng lớn chính thức tại các liên hoan phim quốc tế là không sai. Tuy nhiên, những tác phẩm đó chưa chắc đã có tính thương mại, kinh tế.

Ông nghĩ sao khi một chủ đầu tư không liên quan tới nghệ thuật, điện ảnh lại mua Hãng phim truyện Việt Nam?

- Đó là câu hỏi rất nhiều người thắc mắc. Tại sao Hãng phim truyện Việt Nam không bán cho một hãng phim hay một cơ quan có liên quan tới  điện ảnh mà lại bán cho một công ty không liên quan.

Nếu việc chọn đối tác là một chủ đầu tư có liên quan tới điện ảnh, chắc chắn khi cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, chủ đầu tư sẽ chỉ nhắm tới mục đích phát triển điện ảnh, vực dậy Hãng phim truyện Việt Nam chứ không biến hãng phim truyện trở thành công ty bất động sản. Tôi cho rằng, đây là sai lầm đầu tiên của việc cổ phần hóa, thậm chí là lựa chọn có vấn đề.

Liên quan tới cổ phần hóa hãng phim, nhiều nghệ sĩ chỉ ra rằng. Việc chào bán cổ phiếu Hãng phim truyện Việt Nam chỉ trong 10 ngày, lại chỉ truyền thông trên một tờ báo duy nhất, như vậy là không đúng với quá trình cổ phần hóa, thiếu đi sự minh bạch. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

- Nguyên tắc của bán cổ phiếu là phải hướng tới sự phát triển của doanh nghiệp cũng như lợi ích, chiến lược phải phù hợp với phát triển của doanh nghiệp đó. Ví dụ, Hãng phim truyện Việt Nam bán cổ phiếu và chỉ duy nhất có một chủ đầu tư liên quan đến điện ảnh hoặc đó là một hãng phim nào đó mua, nhắm tới mục đích phát triển điện ảnh.

Trong trường hợp của Hãng phim truyện Việt Nam, rõ ràng việc tìm kiếm đối tác chiến lược đã không phù hợp, nếu không nói là chưa thực sự chính xác.

Xin cảm ơn ông! 

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/hang-phim-truyen-vn-dai-dat-vang-ma-dung-ban-bun-la-pham-luat-807725.html