Hàng rong - Tiện lợi nhưng cần quan tâm an toàn thực phẩm

Không khó để bắt gặp những xe, gánh hàng rong trước cổng trường, khu vui chơi, giải trí. Buôn bán hàng rong là nghề mưu sinh không chỉ của những người lớn tuổi mà một số bạn trẻ cũng khởi nghiệp với việc bán quà vặt, nước giải khát di động. Bên cạnh sự tiện lợi khi sử dụng thực phẩm từ hàng rong thì vấn đề an toàn thực phẩm từ cách bán hàng này cần được đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh sự tiện lợi khi sử dụng thì cần chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm từ hàng rong

Bên cạnh sự tiện lợi khi sử dụng thì cần chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm từ hàng rong

Cứ tầm 7-8 giờ, ông T.S. (huyện Thủ Thừa) đẩy chiếc xe nông sản rong ruổi khắp các nẻo đường từ huyện Thủ Thừa đến TP.Tân An, tỉnh Long An. Đa số nông sản này được ông nhập từ các địa phương khác. Ông chia sẻ: “Có hôm bán chậm đến 21-22 giờ mới về nhà. Nghề nào cũng cũng vất vả, mình còn bán được vầy là mừng rồi!”. Hầu hết những người bán hàng rong đều lớn tuổi, không thể vào công ty, xí nghiệp làm việc. Họ đến với nghề vì nhiều lý do: Thu nhập từ nông nghiệp thấp, không có việc làm ổn định,...

Không rong ruổi với chiếc xe đẩy, ông N.V.N. (57 tuổi) cùng vợ chọn một góc đường tại TP.Tân An để bán xôi hơn 15 năm nay. “Buổi tối, chúng tôi chuẩn bị sẵn các nguyên liệu, đến sáng thì dậy từ rất sớm để nấu xôi, bán từ 6-17 giờ, đây là nguồn thu nhập chính để nuôi cả nhà 5 người” - ông chia sẻ.

Nhắc đến hàng rong, không thể không kể đến những xe trà sữa, quán bán quà vặt. Mô hình này được một số bạn trẻ chọn để khởi nghiệp hoặc làm “nghề tay trái”. Dạo quanh khu vực đường Hùng Vương (nối dài) (TP.Tân An), nhiều người khá ấn tượng với chiếc xe màu hồng bán quà vặt ở một góc đường. Chủ nhân của chiếc xe này là chị N.B. Chị thường không bán tại một địa điểm cố định mà chọn góc công viên hay khu vực có nhiều người đến vui chơi để bán. “Nắm bắt tâm lý của nhiều bạn trẻ thích trà đá vỉa hè, những món thức uống, ăn vặt,... nên vợ chồng tôi có ý tưởng bán nước giải khát, trà sữa, các món ăn vặt trên xe lưu động. Công việc này không gò bó về thời gian. Ban ngày, tôi ở nhà chăm con đến khoảng 15 giờ thì dọn hàng ra bán, thu nhập cũng không cố định, có ngày được 400.000-500.000 đồng, có ngày chỉ 100.000-200.000 đồng” - chị N.B. chia sẻ.

Bán hàng rong là nghề mưu sinh, giúp người lao động lo cho cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải bảo đảm an toàn thực phẩm. Nếu không được bảo quản tốt, nhất là trong thời tiết nắng nóng thì thực phẩm rất nhanh hỏng, ôi thiu,... Do hoạt động kinh doanh diễn ra ngoài trời và lưu động, việc bảo đảm an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, để hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh, người bán hàng rong thường chọn nguồn cung có giá rẻ, trong đó, có một số loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ,...

Bên cạnh đó, việc bán hàng rong trước cổng trường còn gây ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm. “Cả người bán và người mua cần kiểm tra kỹ nhãn mác, bao bì, xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa, thực phẩm trước khi kinh doanh, sử dụng để bảo vệ sức khỏe” - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Đoàn Thanh Chiến khuyến cáo./.

Tô An

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hang-rong-tien-loi-nhung-can-quan-tam-an-toan-thuc-pham-a155086.html