Hang Sơn Đoòng là một trong 12 điểm đến ít được khám phá nhất thế giới

Một số nơi trên thế giới ít được con người ghé thăm, có thể do chính sách bảo vệ của địa phương, hành trình đi lại khó khăn hay điều kiện khắc nghiệt. Insider đã điểm danh 12 điểm đến ít được khám phá nhất thế giới, trong đó có Hang Sơn Đoòng của Việt Nam.

Trên hành tinh của chúng ta còn nhiều nơi vắng bóng dấu chân của khách du lịch và các nhà thám hiểm. Từ đảo "sa mạc" ở Bắc Cực được NASA đặt trạm nghiên cứu vì có các đặc điểm giống sao Hỏa cho đến nơi được mệnh danh là ngọn núi cao nhất thế giới chưa bị chinh phục ở dãy Himalaya, hay những hòn đảo tách biệt với thế giới con người. Dù vậy, đây đều là những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới mà nhiều người muốn khám phá và chinh phục.

Đảo Pitcairn

Đảo Pitcairn nằm cách New Zealand gần 5311km, đây là một trong những vùng ít người ở nhất thế giới với khoảng 50 cư dân vào năm 2018. Chưa từng có chiếc máy bay hay trực thăng nào hạ cánh tại đây. Để đến được hòn đảo này, bạn sẽ phải trải qua hành trình dài 32 tiếng đồng hồ bằng tàu thủy hoặc du thuyền.

Theo nhiếp ảnh gia Tony Probst, người được dân bản địa gọi là "đại sứ của đảo Pitcairn", nơi đây hẻo lánh đến nỗi khi người dân muốn được chăm sóc y tế, họ phải đến New Zealand hoặc Fiji. Đôi khi, họ không thể quay lại Pitcairn trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng. Tuy nhiên, cảnh sắc hoang dã không kém phần hùng vĩ nơi đây sẽ không làm bạn thất vọng.

Sa mạc Namib

Sa mạc Namib ở Châu Phi được xem là sa mạc lâu đời nhất trên thế giới, địa danh này đã tồn tại ít nhất 55 triệu năm. Dù được đánh giá là nơi không có nhiều thảm thực vật, sa mạc Namib là một trung tâm tương đối ổn định cho sự tiến hóa của các loài sa mạc.

Đặc biệt, có thể kể đến Welwitschia Mirabilis, một trong những loài thực vật lâu đời và kỳ lạ nhất thế giới. Cây Welwitschia có thể cao tới 1,5 m, nhưng lại chỉ có hai lá và hệ thống thân, rễ. Hai lá này là hai lá gốc, được hình thành từ lúc cây còn non. Chiếc lá cứ thế phát triển theo tuổi đời của cây mà không bao giờ héo hay rụng. Lá trải rộng trên mặt đất rồi tách ra thành nhiều mảnh nhỏ, khiến ta có cảm tưởng đây là một bụi cây cành lá um tùm. Người ta ước tính rằng những cây Welwitschia lớn nhất là khoảng 2.500 năm tuổi (White 1983, Armstrong 1990, Lovegrove 1993).

Tuy nhiên, ngoài những nơi đã được biết đến ở sa mạc Namib, Quỹ Động vật hoang dã Thế giới lại cho rằng vùng phía Nam nơi đây lại là vùng đất chưa từng được khám phá.

Đảo núi lửa Surtsey

Đảo núi lửa Surtsey nằm cách bờ biển phía Nam Iceland khoảng 32 km. Theo UNESCO, đây là một hòn đảo mới được hình thành bởi các vụ phun trào núi lửa diễn ra từ năm 1963 đến 1967. Cho đến này, Surtsey chỉ cho phép các nhà khoa học đến để nghiên cứu, nơi đây hầu như không hề có sự can thiệp của con người.

Hang Sơn Đoòng

Hang Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới nằm trong quần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng. Nó được hình thành cách đây gầm 3 triệu năm. Theo CNN Travel, hang động này được phát hiện lần đâu tiên vào năm 1990, nhưng vị trí lối vào của nó đã bị mất dấu sau đó. Cho đến năm 2008, hai nhà nghiên cứu từ Hiệp hội nghiên cứu hang động Anh đã tìm thấy lối vào hang động này.
Nơi đây đã được mở cửa chính thức cho khách tham quan vào năm 2013. Tuy nhiên, do hành trình đi lại khó khăn, địa hình hiểm trở và chi phí tour cao, mỗi năm, hang Sơn Đoòng chỉ đón tầm 1000 khách đến tham quan.

Đảo Bắc Sentinel

Đảo Bắc Sentinel là một hòn đảo biệt lập của Quần đảo Andaman ở Ấn Độ Dương. Đây là nơi cư trú của một bộ lạc của người bản địa được gọi là Sentinelese. Hòn đảo này đã thu hút được sự chú ý của công chúng vào năm 2018, khi một nhà truyền giáo người Mỹ John Allen Chau đã bị sát hại khi đến đây.

Kể từ khi một số đoàn làm phim tài liệu, nhà nhân chủng học và nhà nghiên cứu đã đến thăm hòn đảo này vào những năm 1960 - 1970, cho đến nay, đảo Bắc Sentinel vẫn là điều bí ẩn đối với thế giới bên ngoài.

Vale do Javari

Vale do Javari là một ngôi làng bị cô lập trong rừng Amazon, nằm ở khu vực biên giới Brazil và Peru.

Vào tháng 8 /2018, Quỹ Quốc gia người Indi (FUNAI), một cơ quan bảo vệ người bản địa của chính phủ Brazil đã phát hành một đoạn video cho thấy cảnh quay từ trên không thành viên của một bộ lạc ở Vale do Javari.

Ngay sau đó, tờ New York Times đã chia sẻ lại đoạn video. Điều này mang đến cho công chúng những hình ảnh đầu tiên về các bộ lạc bản địa với cuộc sống hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài.

Ngọn núi Gangkhar Puensum

Nằm ở dãy Himalaya gần biên giới Bhutan và Tây Tạng, Gangkhar Puensum được trang Condé Nast Traveller mệnh danh là ngọn núi cao nhất thế giới chưa được khám phá.

Có độ cao gần 7.615m, Gangkhar Puensum chưa từng bị người nào chinh phục bởi bản đồ đường tới đỉnh núi không chính xác, rất khó khăn để tìm kiếm đường đi. Tuy nhiên, cơ hội khám phá đỉnh núi này đã bị khép lại vào năm 1994, khi Chính phủ Bhutan cấm người ngoài leo lên các đỉnh núi cao hơn 6. 035m để tôn trọng tín ngưỡng tâm linh địa phương.

Palmerston

Đảo Palmerston nằm trong quần đảo Cook ở Thái Bình Dương, nơi được BBC mô tả là một trong những quần đảo bị cô lập nhất thế giới.

Do vị trí khó tiếp cận, Palmerston hiếm khi được người ngoài ghé thăm. Đây là hòn đảo duy nhất có người ở tại quần đảo Cook, mọi vật phẩm tiếp tế sẽ được cung cấp bởi hai chuyến tàu trong một năm.

Nam cực

Phần lớn diện tích của Nam Cực đều không có người ở vì điều kiện sống khắc nghiệt. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều dành thời gian ở khu vực dân cư xung quanh các trạm nghiên cứu. Đây là vùng đất vẫn còn nhiều bí ẩn đối với các nhà khoa học.

Đảo Devon

Nằm ngoài khơi Canada, đây là hòn đảo không có người ở lớn nhất trên Trái đất, được NASA mô tả là một "sa mạc địa cực". Với nhiệt độ và điều kiện khắc nghiệt, không có con người nào sinh sống trên hòn đảo kể từ những năm 1930-1940.

Tuy nhiên, do có điều kiện giống sao Hỏa, Devon được NASA sử dụng để thử nghiệm thiết bị và bộ đồ vũ trụ trước khi áp dụng chúng trên Hành tinh Đỏ.

(theo Insider)

Kha Ninh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hang-son-doong-la-mot-trong-12-diem-den-it-duoc-kham-pha-nhat-the-gioi-106350.html