Hàng tiêu dùng chịu thuế, người Mỹ 'nếm mùi' chiến tranh thương mại

Như các dịp lễ khác, vào lễ Lao động vừa qua ở Mỹ, các siêu thị thi nhau giảm giá thu hút khách hàng trong những ngày nghỉ. Nhưng thương chiến sẽ thay đổi điều này.

Ngày nghỉ lễ Lao động của Mỹ hàng năm là ngày thứ hai đầu tiên của tháng 9, vừa qua rơi vào ngày 2/9.

Nhưng sau dịp lễ lần này, chắc phải lâu nữa người Mỹ mới được hưởng nhiều khuyến mãi hấp dẫn như trước. Có lẽ họ nên tận dụng cơ hội hiện tại, theo Washington Post.

Lệnh đánh thuế 15% có hiệu lực ngày 1/9 lên 112 tỷ hàng nhập từ Trung Quốc sẽ làm tăng giá quần áo, giày dép và các hàng tiêu dùng khác cập cảng Mỹ ngay trong tuần này.

Chiến tranh thương mại trước đây chưa đánh mạnh vào túi tiền người tiêu dùng Mỹ. Chỉ 29% hàng tiêu dùng chịu các khoản thuế trừng phạt (so với 82% hàng trung gian và nguyên liệu). Nhưng tỷ lệ hàng tiêu dùng chịu thuế giờ sẽ tăng lên 69%, và sau ngày 15/12 sẽ tăng lên 99%, theo Viện Kinh tế Peterson.

Các lệnh đánh thuế mới sẽ đẩy giá quần áo, giày dép và các hàng tiêu dùng khác cập cảng Mỹ ngay trong tuần này. Ảnh: Getty Images.

Các lệnh đánh thuế mới sẽ đẩy giá quần áo, giày dép và các hàng tiêu dùng khác cập cảng Mỹ ngay trong tuần này. Ảnh: Getty Images.

Đại diện thương mại của chính quyền Trump, ông Robert Lighthizer hiểu rõ người tiêu dùng bị ảnh hưởng là rủi ro lớn về chính trị. Một năm trước, ông đã cố tránh phương án chiến tranh tổng lực như hiện nay, làm sao để không đánh thuế các sản phẩm mà người tiêu dùng nhạy cảm với giá cả thường mua.

Nhưng với các lệnh đánh thuế mở rộng “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ - Trung đầu tháng này, việc tránh người tiêu dùng không còn khả thi. Trên khắp nước Mỹ, các nhà bán lẻ quần áo đang nghiên cứu xem nên tăng giá mặt hàng nào. Các tiệm đồ chơi và đồ thể thao cũng đang làm tương tự, theo Washington Post.

Theo nghĩa nào đó, chính ngành bán lẻ lại đang là đồng minh bất đắc dĩ của ông Trump. Họ hiểu khái niệm “sticker shock”, tức “sốc bảng giá” - khách hàng sẽ bị sốc nếu thấy con số tăng đột ngột từ hôm trước sang hôm sau. Vì vậy, ngành bán lẻ đã quen với các phương thức giấu đi tác động của chiến tranh thương mại - cũng là điều ông Trump muốn.

Họ có nhiều mô hình tính toán giá cả cho trường hợp này. Khi phải tăng giá, họ sẽ rải đều phần giá tăng đó ra các sản phẩm.

Chẳng hạn, sau khi chính quyền áp thuế 25% thuế lên máy giặt, giá máy giặt chỉ tăng 12% nhiều hơn so với các hàng hóa khác (bản thân giá mọi mặt hàng vẫn tăng nhẹ do lạm phát). Điều này cho thấy các cửa hàng không đẩy toàn bộ phần 25% vào giá tiền mà người tiêu dùng phải trả.

Không chỉ vậy, giá máy sấy quần áo cũng tăng, dù không bị đánh thuế. Điều đó có nghĩa các nhà bán lẻ đang tăng giá các sản phẩm cùng loại, khiến người tiêu dùng đỡ cảm thấy khoản tăng giá vốn rất rõ ràng.

Cũng theo Washington Post, một chỉ số phản ánh lòng tin của người tiêu dùng vừa có mức giảm trong tháng mạnh nhất kể từ năm 2012, và đang ở mức thấp nhất tính riêng nhiệm kỳ của ông Trump.

Nền kinh tế tăng trưởng vững hai năm qua là để ông Trump tự tin khi chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Nhưng nền kinh tế dần lộ rõ các vấn đề đang thử thách sự kiên quyết của tổng thống Mỹ.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/hang-tieu-dung-chiu-thue-nguoi-my-nem-mui-chien-tranh-thuong-mai-post985933.html